Chính phủ liên bang mua lại bản quyền của cờ Thổ Dân Úc

The Aboriginal flag

The Aboriginal flag Source: AAP

Chính phủ liên bang Úc đã bảo đảm bản quyền của lá cờ Thổ Dân, sau khi quyền sử dụng thiết kế mang tính biểu tượng nầy nằm trong tay tư nhân trong vài năm qua. Thỏa thuận trị giá hàng triệu đô la, với nghệ sĩ Thổ Dân thuộc bộ tộc Luritja là Harold Thomas, điều nầy có nghĩa là lá cờ hiện được công chúng và các tổ chức sử dụng miễn phí.


Lá cờ Thổ Dân hết sức đặc biệt, độc đáo và là trung tâm của một số sự kiện nổi bật nhất tại Úc,

Lá cờ đã tung bay khi 250 ngàn người đi qua Cầu Cảng Sydney, để ủng hộ ngày Hòa giải vào năm 2000, lá cờ cũng được khoác lên vai lực sĩ Thổ Dân nổi tiếng Cathy Freeman cùng năm đó, khi cô giành huy chương vàng Olympic trên sân nhà.

Lá cờ Thổ dân có thể được nhìn thấy trên khắp nước Úc, tung bay từ các trường học, tòa thị chính và tại các sân thể thao.

Trong phần lớn thời gian tồn tại của lá cờ, quyền sở hữu và quyền đối với hình ảnh đã bị tranh chấp.

Thế nhưng giờ đây trong một thương vụ trị giá hàng triệu đô la, bản quyền đã được Liên bang mua lại.

Ông Ken Wyatt là Tổng Trưởng Thổ Dân Sự Vụ.

“Nói vắn tắt, chúng tôi giúp cho mọi người sử dụng lá cờ miễn phí vào bất cứ lúc nào ở bất cứ sự kiện nào".

"Nó cũng sẽ tiếp tục trong 50 năm nữa, là biểu tượng đoàn kết chúng ta lại với mục đích chung, thế nhưng cũng là khoảnh khắc mọi người phản kháng, tuy nhiên quan trọng hơn là nó sẵn sàng cho mọi người dân Úc để sử dụng miễn phí”, Ken Wyatt.

Theo thỏa thuận, lá cờ sẽ được miễn phí bản quyền và mọi người Úc có quyền sử dụng về hình ảnh, trên quần áo, trang mạng, trong các hoạt động gia công khác mà không cần xin phép, miễn là họ sử dụng nó một cách tôn trọng và trang nghiêm.

Người vẽ kiểu là ông Harold Thomas, vẫn được công nhận là tác giả của việc thiết kế lá cờ.

“Tôi sẽ không còn bản quyền về lá cờ Thổ Dân, nhưng tôi vẫn sở hữu nét sang trọng và tính toàn vẹn của nó, vì đó là bản thiết kế cuả tôi”, Harold Thomas.

Trong một thông cáo thu âm trước, ông cho biết rất phấn khởi khi thấy đứa con tinh thần của ông được phổ biến cho mọi người.

"Mọi người có thể tự do sử dụng lá cờ Thổ Dân, tất cả người dân Úc đều để ý đến chứ không chỉ riêng người Thổ dân, mà nó cho phép lá cờ của người Thổ dân được hít thở một cuộc sống mới".

"Vì vậy nó chắc chắn trở thành quan hệ với lá cờ Úc, khi được bay song song cùng nhau và điều đó làm tôi yêu thích”, Harold Thomas.

Được biết ông Thomas được trả 2 triệu đô la cho cả bản quyền và mua các giao dịch thương mại hiện có liên quan đến lá cờ.

Trước đây việc sử dụng độc quyền thiết kế của lá cờ, đã được bán cho một nhóm quần áo có tên là WAM vào cuối năm 2018, với số tiền không được tiết lộ.

Công ty nầy không phải là Thổ Dân, được biết đã gửi thư yêu cầu ngừng hoạt động và hủy bỏ, đến các tổ chức sử dụng thiết kế cờ, như một phần của các sự kiện kỷ niệm của Người bản địa, bao gồm Tổng Cuộc bóng bầu dục Úc Châu .

Thỏa thuận đã được xem xét kỹ lưỡng tại một phiên điều trần Thượng viện vào năm 2020, Thượng nghị sĩ Lydia Thorpe của đảng Xanh chất vấn giám đốc công ty Semele Moore về việc mua lại bản quyền, nhưng nhận được rất ít câu trả lời.

“Bà có thể cho biết qua tiến trình nầy, khiến bà sở hữu tác quyền của lá cờ?", Lydia Thorpe

“Đó là do mối quan hệ sẵn có với ông Harold Thomas”, Semele Moore.

“Bà có thể nói rõ hơn được không?”, Lydia Thorpe.

“Không, chúng tôi không thể”, Semele Moore.
"Thế nhưng quí vị cần nhớ rằng, đây là lá cờ được chính thức công nhận tại Úc và do đó có ý nghĩa hết sức lớn lao”, Linda Burney.
Được biết trong vài năm qua, đã có một chiến dịch có tên là ‘giải phóng lá cờ’, để cho phép mọi người sử dụng nó cho bất kỳ mục đích nào.

Bà Laura Thompson, đồng sáng lập của doanh nghiệp nhỏ Clothing The Gap, bắt đầu chiến dịch nầy sau khi công ty của bà nhận được lệnh ‘ngừng và hủy bỏ’, để sử dụng thiết kế trên trang phục của họ.

Bà nói với ABC News rằng vô cùng phấn khích với quyết định này.

“Rất nhiều người Thổ Dân và người dân Úc nói chung tin rằng, tất cả các lá cờ đều thuộc quyền sở hữu của công chúng, thế nhưng lá cờ của người Thổ dân đã và đang thuộc sở hữu tư nhân".

"Giờ đây với thông báo này, lá cờ của người thổ dân được miễn phí cho mọi người sử dụng và điều đó thật thú vị".

"Tôi nghĩ chúng ta sẽ lại thấy lá cờ của người Thổ Dân tung bay, giống như nó đã từng xảy ra phất phới trước gió để mọi người yêu thích thú một cách tự hào”, Laura Thompson.

Được biết thỏa thuận diễn ra, mà không có thay đổi về luật pháp với lá cờ.

Giáo sư Kimberlee Weatherall từ Đại học Sydney nói rằng, câu chuyện pháp lý xung quanh lá cờ hết sức lẫn lộn.

“Trường hợp nầy chắc chắn cho thấy rằng, bản quyền với sự mạnh mẽ và quyền lực đáng kể được trao cho các chủ sở hữu bản quyền cá nhân, thì thực sự kém phù hợp với các biểu tượng quan trọng và các tác phẩm mang tính biểu tượng".

"Nó cũng rất kém phù hợp với nhiều tác phẩm nghệ thuật Thổ Dân, vốn có những lợi ích chung cũng như lợi ích cá nhân".

"Chắc chắn nếu luật bản quyền của Úc có các ngoại lệ tốt hơn, như ngoại lệ sử dụng hợp lý hoặc ngoại lệ trích dẫn thích hợp, thì những ngoại lệ đó sẽ không giải quyết được tất cả các tranh cãi nảy sinh liên quan đến lá cờ, thế nhưng có thể đã giải quyết được một số vấn đề”, Kimberlee Weatherall.

Theo thỏa thuận mới, tiền bản quyền trong tương lai từ việc bán lá cờ của nhà sản xuất chính thức, sẽ được chuyển cho công việc của NAIDOC, trong khi một cuộc kiểm tra hàng năm mang tên Mr Thomas sẽ được thiết lập.

Ông Thomas dự định sử dụng khoản thanh toán 2 triệu đô la, để thành lập một tổ chức phi lợi nhuận phù hợp với lá cờ.

Phát ngôn nhân về vấn đề Thổ Dân của đảng Lao động, bà Linda Burney hoan nghênh hành động này, thế nhưng cho biết vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải đáp về thỏa thuận sở hữu.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta thấy một nhóm người đại diện, liên quan đến việc quyết định về lá cờ".

"Tôi không chắc các kế hoạch là gì về cách lá cờ sẽ được quản lý, ông Thủ tướng cho biết nó sẽ được quản lý giống với quốc kỳ Úc".

"Thế nhưng quí vị cần nhớ rằng, đây là lá cờ được chính thức công nhận tại Úc và do đó có ý nghĩa hết sức lớn lao”, Linda Burney.
Thêm thông tin và cập nhật Like SBS Vietnamese Facebook

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại sbs.com.au/vietnamese


Share