Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc cho biết theo các quy định mới, họ sẽ bắt giữ người ngoại quốc nếu xâm phạm trái phép vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Từ thứ Bảy tuần trước, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc có thể bắt giữ người nước ngoài "bị nghi ngờ vi phạm quản lý xuất nhập cảnh biên giới", theo các quy định mới được công bố trực tuyến.
Họ cho biết thời hạn giam giữ được phép lên đến 60 ngày trong "các trường hợp phức tạp".
"Các tàu ngoại quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển lãnh thổ của Trung Quốc và vùng biển lân cận có thể bị bắt giữ."
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bỏ qua các yêu sách đối lập từ một số quốc gia Đông Nam Á bao gồm Philippines, và phán quyết quốc tế rằng lập trường của nước này không có cơ sở pháp lý.
Trung Quốc khai triển lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu thuyền khác để tuần tra vùng biển và đã biến một số rạn san hô thành các đảo nhân tạo quân sự hóa. Các tàu của Trung Quốc và Philippines đã có một loạt các cuộc đối đầu ở các khu vực tranh chấp.
Manila đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc có "hành vi man rợ và vô nhân đạo" đối với các tàu thuyền của Philippines, và Tổng thống Ferdinand Marcos của nước này hồi tháng trước đã gọi các quy tắc mới là sự leo thang "rất đáng lo ngại".
Các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng chống lại các tàu thuyền của Philippines nhiều lần ở vùng biển tranh chấp.
Cũng đã có những vụ va chạm khiến quân đội Philippines bị thương.
Tư lệnh quân đội Philippines, tướng Romeo Brawner nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng chính phủ Manila đang "thảo luận về một số bước cần thực hiện để chúng tôi có thể bảo vệ ngư dân của chúng tôi".
Ngư dân Philippines được yêu cầu "đừng sợ hãi, mà hãy tiếp tục các hoạt động đánh bắt cá bình thường của họ trong Khu đặc quyền kinh tế của chúng tôi," Tướng Brawner nói.
Hoa Kỳ cho rằng "các quy định có chủ đích" đã gây ra những quan ngại đáng kể về mặt pháp lý.
"Luật pháp nội địa của Trung Quốc không áp dụng cho các tàu mang cờ của các quốc gia khác ở các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác hoặc trên biển khơi," một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
"Việc thực thi sẽ rất leo thang và gây bất lợi cho hòa bình và an ninh khu vực."
Giới chức này nói rằng Washington "dứt khoát bác bỏ" "các tuyên bố hàng hải sâu rộng và bất hợp pháp" của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Chúng tôi đã thúc giục Bắc Kinh — và tất cả các bên tranh chấp — tuân thủ các yêu sách hàng hải của họ theo luật pháp quốc tế," phát ngôn nhân này cho biết.
Nhóm G7 chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động ở Biển Đông
Khối G7 hôm thứ Sáu đã chỉ trích những gì họ gọi là hành động xâm nhập "nguy hiểm" của Trung Quốc trên tuyến đường thủy này.
"Chúng tôi phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa, cũng như các hoạt động cưỡng ép và đe dọa ở Biển Đông," một tuyên bố của Khối G7 vào cuối hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Sáu cho biết.
Biển Đông là tuyến đường thủy quan trọng, nơi Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng có các tuyên bố chồng chéo lên nhau ở một số khu vực.
Tuy nhiên, gần đây nhất, các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn trên biển có thể liên quan đến Hoa Kỳ và các đồng minh khác.
Hàng ngàn tỷ đô la trong thương mại vận chuyển bằng tàu đi qua Biển Đông hàng năm và người ta tin rằng có những mỏ dầu khí khổng lồ chưa được khai thác nằm dưới đáy biển, mặc dù các ước tính khác nhau rất nhiều.
Biển này cũng quan trọng vì là nguồn cá cho dân số vùng ngày càng tăng.
Trung Quốc đã bảo vệ các quy định mới về lực lượng bảo vệ bờ biển của mình. Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hồi tháng trước rằng chúng nhằm mục đích "duy trì tốt hơn trật tự trên biển".
Và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã cảnh báo trong tháng này rằng có "giới hạn" đối với sự kiềm chế của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong quá khứ, Trung Quốc cũng đã từng tức giận khi các tàu chiến của Hoa Kỳ và của các nước phương Tây khác đi qua Biển Đông.
Hải quân Hoa Kỳ và các nước khác thực hiện các chuyến đi như vậy để khẳng định quyền tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế, nhưng Bắc Kinh coi đó là hành vi vi phạm chủ quyền của mình.
Các lực lượng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có một loạt các cuộc chạm trán gần ở Biển Đông.