Shangri-La Dialogue hiện đã bước sang năm thứ 21, và tên của hội nghị thượng đỉnh quốc phòng thường niên hàng đầu châu Á này ít nhiều gợi liên tưởng đến thiên đường miền núi xa xôi không tưởng Shangri-La được mô tả trong cuốn tiểu thuyết Lost Horizon của James Hilton.
Được khởi xướng bởi chiến lược gia người Anh John Chipman thông qua tổ chức tư vấn Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế. Kỳ vọng của ông về sự kiện thường niên này là tạo ra một cuộc họp mặt của các bộ trưởng quốc phòng, nơi những bất đồng có thể được đưa ra một cách công khai, với mục đích là để hình dung ra và tạo ra điều kiện ổn định chiến lược.
Hội nghị thượng đỉnh - được chính phủ Singapore hậu thuẫn - không yêu cầu sự đồng thuận hay thông cáo cuối cùng, cho phép trao đổi tự phát và trực tiếp giữa các quan chức cấp cao.
Năm nay, các bộ trưởng và quan chức quốc phòng từ 45 quốc gia có đại diện.
Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Junior đã có bài phát biểu quan trọng, thẳng thắn đánh giá về tình trạng thù địch leo thang ở khu vuc đang tranh chấp Biển Đông.
"Nếu một người Philippines - không nhất thiết người đó là quân nhân mà chỉ cần là một công dân Philippines - bị giết bởi một hành động cố ý - thì với chúng tôi điều đó là rất gần với những gì mà chúng tôi định nghĩa là một hành động chiến tranh; và vì vậy chúng tôi sẽ phản ứng tương xứng."
Hội nghị thượng đỉnh cũng là nơi mà trong những năm trước, hơn 100 cuộc gặp song phương đã được tổ chức bên lề trong ba ngày, cho phép các bộ trưởng gặp mặt trực tiếp.
Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm của Trung Quốc Dong Jun Đổng Quân, người đảm nhận vai trò này vào tháng 12 đã gặp gỡ người đồng cấp Mỹ, Lloyd Austin.
Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng của cả hai nước kể từ năm 2022 - khi Trung Quốc cắt đứt liên lạc giữa quân đội với quân đội, sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan.
Các chủ đề được thảo luận bao gồm các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan, cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, xung đột ở Gaza và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Ông Austin cho biết ông hài lòng khi cả hai nước sẽ nối lại các cuộc điện đàm giữa các chỉ huy quân sự trong những tháng tới, đồng thời có kế hoạch thành lập một nhóm công tác về khủng hoảng-truyền thông vào cuối năm nay.
Tại một phiên họp hỏi đáp QnA, một đại biểu Trung Quốc cấp cao đại tá Cao Yanzhong, đã chất vấn ông Austin rằng phải chăng việc mở rộng liên minh quân sự NATO là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine, và ông kết thúc ý kiến của mình bằng cách nhắc lại tuyên bố của Trung tướng Trung Quốc Jing Jianfeng rằng Mỹ muốn tạo ra một phiên bản NATO ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Austin nói rằng ông bác bỏ cả hai tuyên bố.
"Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của ông rằng việc mở rộng NATO đã gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Cuộc khủng hoảng Ukraine là (vỗ tay)... điều này xảy ra là do một quyết định của ông Putin. Về việc liệu chúng tôi có đang cố gắng thành lập một NATO ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tôi muốn nói với ông rằng những gì chúng tôi đang làm chính là những gì tôi đã nói trước đó trong bài phát biểu. Những quốc gia có cùng hệ tư tưởng với những giá trị tương đồng và có tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở đang hợp tác để đạt được tầm nhìn đó. Chúng tôi đã tăng cường mối quan hệ với các đồng minh và đối tác của mình, và chúng tôi thấy các quốc gia khác cũng đang tăng cường mối quan hệ của họ với nhau trong khu vực."
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Wu Qian Ngô Thiến, nói rằng Trung Quốc muốn giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại, nhưng có những lo ngại về hành động của Philippines và Mỹ ở Biển Đông.
“Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho biết Philippines được các cường quốc bên ngoài khuyến khích và hỗ trợ đã thất hứa và tiếp tục kích động vấn đề này. Đặc biệt, phía Mỹ đã khai triển hệ thống hỏa tiễn tầm trung tới Philippines dưới vỏ bọc diễn tập quân sự. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc khai triển này, điều này gây ra mối đe dọa thực sự đối với an ninh khu vực. Chúng tôi vẫn cam kết giải quyết bất đồng với Philippines thông qua tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tuân thủ những lời hứa trước đó. Tuy nhiên, có giới hạn khi mà việc khiêu khích vẫn tăng cường và tiếp diễn."
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles cũng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Dong Jun Đổng Quân.
Ông nêu lên mối lo ngại về hai sự cố gần đây liên quan đến quân đội Trung Quốc và nhân viên quốc phòng Úc.
"Khi Trung Quốc bước lên một vai trò lớn hơn, giống như tất cả các cường quốc, Trung Quốc phải chấp nhận rằng sẽ có sự giám sát chặt chẽ hơn nhiều về cách họ sử dụng sức mạnh của mình và những quốc gia mà họ chọn để hợp tác. Chấp nhận những hạn chế như vậy là chìa khóa cho một trật tự quốc tế thành công và bền vững."
Tại Biển Hoàng Hải vào 4 tháng 5 năm nay, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bắn pháo sáng phía trước một máy bay trực thăng quân sự của Úc cất cánh từ tàu HMAS Hobart khi đó đang ở trong khu vực thực thi các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.
Trước đó, vào 14 tháng 11 năm 2023, đã xảy ra một sự cố khác ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, trong đó chính phủ Úc cho biết một tàu chiến Trung Quốc đã phát ra xung siêu âm khiến một thợ lặn hải quân của Úc bị chấn thương.
Các quan chức Trung Quốc phản bác rằng không có bất kỳ hành động nào của quân đội của họ đã tiến hành mà "có thể ảnh hưởng đến các thợ lặn Úc".
Một sĩ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đại tá Hanwen Ge trong số các khán thính giả trong khán phòng nghe bài phát biểu của ông Marles, bày tỏ rằng Trung Quốc không làm gì sai cả.
"Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành chiến tranh chống lại các nước láng giềng. Ngược lại, Trung Quốc hợp tác với các đối tác địa phương để đạt được sự hiểu biết lẫn nhau và thịnh vượng kinh tế trong 40 năm qua. Tất nhiên, với tư cách là một Quốc gia có chủ quyền Trung Quốc hiển nhiên có các quyền để bảo vệ an ninh quốc gia này, bao gồm cả việc hội nhập lãnh thổ và đặc quyền tạm hoãn theo sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế."
Ông Marles cho rằng tinh thần hợp tác là điều cần phải được đặt lên hàng đầu.
"Liệu tôi có thể cảm ơn đồng nghiệp đến từ Trung Quốc vì sự đóng góp vừa rồi chăng? Ý tôi là, xét cho cùng, nếu đó là một tuyên bố ủng hộ trật tự dựa trên quy tắc toàn cầu thì điều đó thực sự đáng hoan nghênh. Tôi muốn nói là, điểm duy nhất mà chúng tôi đang cố gắng đưa ra ở đây là trật tự dựa trên luật lệ toàn cầu vốn đã tồn tại từ cuối Thế chiến thứ hai và đã phát triển - nó đã được củng cố trong hòa bình và an ninh trong khu vực của chúng ta, và quan trọng là nó làm nền tảng cho sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế trong khu vực của chúng ta. Và Trung Quốc đã được hưởng lợi từ điều đó."
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh - đây là chuyến đi thứ hai của ông tới châu Á kể từ khi Nga xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Zelenskyy tổ chức các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo - bao gồm cả Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto - ông nói rằng ông đã đích thân đến hội nghị thượng đỉnh để thu thập sự ủng hộ từ bên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho một hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới ở Thụy Sĩ vào 15-16 tháng 6 này.
"Hòa bình ở Ukraine. Đó thực sự là những gì người dân chúng tôi cần. Đó thực sự là những gì người dân chúng tôi mong muốn và tất nhiên đối với tôi, điều rất quan trọng là được nghe tiếng nói của các bạn, tiếng nói của đất nước rộng lớn của các bạn, của xã hội các bạn tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ."