Theo nghiên cứu của tổ chức sinh viên quốc tế IDP, Úc không còn là điểm đến du học ưa thích của sinh viên quốc tế.
Báo cáo này dựa trên cuộc khảo sát với hơn 11.500 sinh viên quốc tế hiện tại và tiềm năng từ 117 quốc gia.
Hoa Kỳ soán ngôi Úc trở thành điểm du học hấp dẫn
Giám đốc Điều hành Khu vực Châu Úc và Nhật Bản của IDP, Jane Li, cho biết Hoa Kỳ hiện đang giữ vị trí hàng đầu.
"Chỉ sáu tháng trước, trong khảo sát cuối cùng của chúng tôi, Úc tự hào chia sẻ vị trí dẫn đầu với Canada là điểm đến ưa thích của hơn 10.000 sinh viên tham gia khảo sát.
Trong vòng khảo sát này, Mỹ vượt qua Úc, 24% số người được hỏi ủng hộ Mỹ, so với 23% sẽ chọn du học Úc. Mặc dù chúng ta vẫn đang giữ thế mạnh nhưng đang đứng sau Hoa Kỳ.Giám đốc Châu Úc và Nhật Bản của IDP, Jane Li
Bà Jane Li nói có nhiều lý do:
"Áp lực sinh hoạt và chính sách thị thực của chính phủ đang đè nặng lên tâm trí sinh viên quốc tế của chúng ta. Các yếu tố khác như khả năng chi trả tiền thuê nhà ở các thành phố lớn và học phí ở Úc cũng góp phần vào."
Các yếu tố chính ảnh hưởng đến sự lựa chọn của sinh viên bao gồm chất lượng giáo dục, triển vọng việc làm và giá trị đồng tiền.
Những thay đổi trong chính sách thị thực, đặc biệt là việc chính phủ Albanese thắt chặt thị thực sinh viên để điều tiết thị trường việc làm, cũng đã ảnh hưởng đến quyết định của sinh viên.
Sau khi mở cửa trở lại sau đại dịch, Úc đã chứng kiến đỉnh cao về lượng nhập cư với hơn 500.000 người mới đến vào năm ngoái.
Chính phủ đặt mục tiêu giảm con số này xuống còn 250.000 vào năm 2025, chủ yếu thông qua các quy định nghiêm ngặt hơn về thị thực sinh viên quốc tế, bao gồm việc xét duyệt xem đó có phải là sinh viên chân chính hay không và yêu cầu tiếng Anh cao hơn đối với sinh viên.
Úc cần 'sinh viên chân chính, có khả năng Anh ngữ'
Bộ trưởng Nội vụ Clare O'Neill cho biết những thay đổi này sẽ cải thiện chất lượng trải nghiệm giáo dục của sinh viên ở Úc và giảm nguy cơ bị bóc lột tại nơi làm việc.
Hiện giờ chúng tôi thấy những sinh viên đang gặp khó khăn với tiếng Anh có nguy cơ bị bóc lột cao hơn nhiều, họ có xu hướng làm những công việc được trả lương rất thấp và không thể thoát khỏi công việc đó trong thời gian ở Úc.Bộ trưởng Nội vụ Clare O'Neill
"Bây giờ chúng tôi muốn vận hành một hệ thống giáo dục tốt với tính liêm chính, chúng tôi cũng muốn tạo điều kiện cho học sinh của mình đạt được thành công. Chúng tôi sẽ không cho phép họ đến đây mà không có tiếng Anh căn bản để họ có thể làm việc".
Phí xin thị thực của Úc cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Vương quốc Anh.
Chính phủ đang xem xét tăng thêm ngân sách tháng 5 sắp tới và khoản phí này sẽ không được hoàn lại.
Cũng có những lo ngại một số người nộp đơn với tư cách là sinh viên có ý định làm việc thay vì học tập khi họ đến nơi.
Hơn 50.000 sinh viên tiềm năng đã bị từ chối đơn đăng ký trong vòng 3 tháng tính đến tháng 2 năm nay.
Trong cùng thời gian đó, số lượng đơn xin thị thực du học mới đã giảm lần đầu tiên sau hai năm.
Jane Li chia sẻ: "Điều này thực sự ít phản ánh những thay đổi chính sách cụ thể, mà cho thấy mọi người nhận thức Úc là một điểm đến kém hấp dẫn hơn. Chính phủ Úc tiếp tục có tỷ lệ từ chối thị thực cao với những sinh viên cực kỳ tài năng, chân chính, những người đã lên kế hoạch học tập tại Úc trong nhiều năm. Tin đồn về tỷ lệ từ chối visa cao đang lan rộng và những sinh viên xuất sắc này đang bắt đầu xem xét các điểm đến khác."
Nhà kinh tế học NAB Brody Viney nói với SBS News vào đầu năm nay rằng có tác động kinh tế từ sự sụt giảm số lượng sinh viên quốc tế.
"Sinh viên quốc tế chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho nền kinh tế phát triển trong năm qua. Ngoài mức tăng trưởng 1,5% trong năm vừa rồi, hơn một nửa mức tăng trưởng đó là do sự phục hồi đó và sinh viên quốc tế."
Giáo dục quốc tế mang lại giá trị 50 tỷ đô la cho nền kinh tế Úc vào năm ngoái. Về mặt xuất khẩu, giáo dục chỉ đứng thứ tư sau quặng sắt, than đá và khí đốt tự nhiên.
Jane Li cho biết sinh viên quốc tế có thể là nguồn tài nguyên quý giá đối với Úc:
"Họ đóng góp đáng kể vào sự đa dạng của Úc và lấp đầy những khoảng trống kỹ năng quan trọng trong lực lượng lao động của chúng ta. Tuy nhiên, khi theo đuổi các mục tiêu thay đổi cuộc sống của mình, họ phải đối mặt với những thách thức đáng kể liên quan đến việc làm và chi phí sinh hoạt cũng như việc hội nhập vào môi trường mới".