Tương lai của Khối Thịnh Vượng Chung thế nào dưới triều đại Vua Charles III ?

Lidia Thorpe Greens MP Victoria Parliament

Lidia Thorpe - Greens MP, maiden speech in Victoria Parliament Source: AAP / AAP Image/Joe Castro

Thượng nghị sĩ thổ dân Gunditjmara của Đảng Xanh Lidia Thorpe nói rằng đã đến lúc đất nước thành lập Hiệp ước với các Dân tộc Thổ dân thuộc các Quốc gia Thứ nhất và trở thành một nước Cộng hòa.


Khối thịnh vượng chung bao gồm 56 quốc gia độc lập đa số là các cựu thuộc địa của Vương quốc Anh, bao gồm cả Úc.

Nay người ta bắt đầu bàn tán về tương lai của khối, liệu có còn tồn tại dưới triều đại của Vua Charles đệ tam?

Ý tưởng thành lập Khối Thịnh Vượng Chung xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 như một phản ứng trước sự suy giảm quyền lực của đế quốc Anh, khi các thuộc địa khác nhau bắt đầu giành được quyền tự chủ hoặc độc lập ở một mức độ nào đó. Họ thoát khỏi sự cai trị của đế quốc, theo những cách khác nhau và trong các giai đoạn riêng biệt.

“Đế chế Anh thực sự ở mức độ và quyền lực lớn nhất ngay sau Thế chiến thứ nhất. Vào đầu những năm 1920, Đế chế Anh cai trị một phần tư thế giới, họ có nhiều thuộc địa nhất. Nhưng đồng thời đế chế Anh cũng thu nhỏ lại nhanh nhất,” Giáo sư sử học của Đại học Quốc gia Úc ANU Angela Woollacott giải thích.

Trong khi các quốc gia như Nam Phi cắt đứt quan hệ với Đế quốc Anh vào những năm 1910 sau cuộc chiến Boer và Ireland cũng đòi quyền tự trị vào cùng thời điểm đó, thì các thuộc địa ở châu Phi và Caribe vẫn nằm dưới sự cai trị của người Anh lâu hơn.

Tại Úc châu, các thuộc địa trở thành tự quản và có cơ quan lập pháp riêng trước khi Liên bang ra đời vào năm 1901. Từ năm 1984, Úc bắt đầu cấp hộ chiếu riêng.

“Đế chế và Khối Thịnh Vượng Chung chồng chéo lên nhau. Khối thịnh vượng chung bắt đầu xuất hiện sau Thế chiến thứ nhất, nhưng trong nhiều chục năm, nó được gọi là 'Đế chế Anh và Khối thịnh vượng chung', phản ánh thực tế rằng một số thuộc địa đang giành được quyền tự chủ và độc lập, trong khi những thuộc địa khác thì không," Giáo sư Woollacott giải thích tiếp.

Năm 1947, Ấn Độ và Pakistan giành được độc lập, đây là một đòn chí mạng đối với sức mạnh của Đế quốc Anh và ảnh hưởng chính trị của nó đối với các thuộc địa của họ.

Tiến sĩ Cindy McCreery, Giảng viên Lịch sử lâu năm tại Đại học Sydney, lập luận rằng việc xây dựng Khối Thịnh Vượng Chung có liên quan trực tiếp đến sự tan rã của Đế chế Anh khi mà quyền lực chính trị thực sự của nó từ lâu đã bị đặt dấu hỏi.

“Ngày nay, nó bao gồm hơn 50 quốc gia, hầu hết là các nước cộng hòa. Tuy nhiên, có một số quốc gia thuộc Khối Thịnh Vượng Chung như Úc, giống như Anh, với Quốc vương Anh là nguyên thủ quốc gia,” Tiến sĩ Cindy McCreery nói.

Tư cách thành viên của Khối Thịnh Vượng Chung là tự nguyện và các q uốc gia thành viên có thể quyết định gia nhập hoặc rời khỏi khối.

“Hầu hết các thành viên của Khối Thịnh Vượng Chung hiện nay là các nước cộng hòa và họ quyết định có Tổng thống, trong hầu hết các trường hợp sẽ là nguyên thủ quốc gia, chứ không phải là Quốc vương Anh, nhưng điều đó không ngăn cản họ tiếp tục là thành viên của khối. Có là một số nước đã rời khỏi Khối Thịnh Vượng Chung, cũng có những nước gia nhập gần đây hơn, nhưng nhìn chung thì đó là một tổ chức khá ổn định kể từ đầu triều đại của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị," Tiến sĩ McCreery giải thích tiếp.


Nhưng Khối Thịnh Vượng Chung đã thay đổi như thế nào trong suốt 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị?

Giáo sư Woollacott của ANU tin rằng rất nhiều sự suy giảm của khối đã xảy ra trước khi Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào năm 1952, vì quyền lực của nó có liên quan đến ý tưởng về một Đế chế.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quyền kiểm soát các lãnh thổ thuộc địa đã được chuyển giao cho các quyền lực khác. Một ví dụ là Hồng Kông, từng là thuộc địa và lãnh thổ thuộc Đế quốc Anh từ năm 1841 nhưng đã được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

“Nó đã bị thu hẹp lại so với trước đây. Tôi không nghĩ nó có quyền lực hoặc địa vị tương tự trên thế giới bây giờ, ngay cả khi một số hoạt động như thể thao, như Đại hội Thể thao Khối Thịnh Vượng Chung và các sự kiện văn hóa và khác vẫn tiếp tục,” Giáo sư Woollacott giải thích.

Tiến sĩ Cindy McCreery nói trong khi Khối Thịnh Vượng Chung phát triển dưới thời của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, vị thế quốc tế của nó đã bị đặt dấu hỏi.

“Thực sự rất khó để xác định sức mạnh của Khối Thịnh Vượng Chung thực sự là gì, đó là một trong những lời chỉ trích chống lại khối rằng nó đã không thực sự làm được gì nhiều trong nửa thế kỷ qua.”

Barbados là vương quốc mới nhất từ bỏ Vương miện để trở thành một nước cộng hòa vào tháng 11 năm 2021. Sự băng hà của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đã tiếp tục kêu gọi Úc hãy làm theo. Thượng nghị sĩ thổ dân Gunditjmara của Đảng Xanh Lidia Thorpe nói rằng đã đến lúc đất nước thành lập Hiệp ước với các dân tộc thổ dân thuộc các Quốc gia Thứ nhất và trở thành một nước cộng hòa.

"Tôi tin rằng ngày càng nhiều người không muốn bị một thế lực thực dân từ một quốc gia khác sai khiến. Chúng ta muốn là đất nước của chính mình, tự quyết định vận mệnh của mình," TNS Thorpe nói.



Share