Trở lại Penong và Ceduna sau 56 năm kể từ trưng cầu dân ý năm 1967

Penong and Ceduna - lost stop before the Nullabor (SBS).jpg

Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1967 về người thổ dân, các cộng đồng ở Penong và Ceduna ở Nam Úc đã ghi nhận tỷ lệ phiếu bầu “Không” cao nhất cả nước. SBS trở lại nơi này sau 56 năm, trong lúc Úc tiến hành trưng cầu dân ý để công nhận người dân các Quốc gia Thứ nhất trong hiến pháp với Tiếng nói Bản địa trước Quốc hội.


Vào năm 1967, cuộc trưng cầu dân ý thành công nhất ở Úc đã chứng kiến 9 trong số 10 người bỏ phiếu đồng ý, để tính thổ dân và người dân đảo Torres Strait vào cuộc điều tra dân số… và cho phép Khối thịnh vượng chung lập pháp cho họ.

Nhưng ở bờ biển phía tây xa xôi của Nam Úc, các cộng đồng ở Penong và Ceduna đã đi ngược lại xu hướng quốc gia, ghi nhận tỷ lệ phiếu bầu “Không” cao nhất trong cả nước.

Penong là điểm dừng chân cuối cùng ở phía nam Nullarbor.

Khoảng 300 người sống ở thị trấn nông nghiệp và khai thác mỏ, cùng các cộng đồng thổ dân gần đó.

Đây là nơi có cối xay gió lớn nhất nước Úc, và trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1967 về việc đưa thổ dân và người dân đảo Torres Strait vào cuộc điều tra dân số, đã gây chú ý trên toàn quốc khi là thị trấn có số phiếu “Không” cao nhất cả nước.

Bà Wanda Miller nhớ lại mọi chuyện diễn ra như thế nào trước cuộc trưng cầu dân ý năm đó.

“Người dân ở các thị trấn nhỏ không thừa nhận thổ dân. Chúng tôi bị bỏ lại ở ngoại ô thị trấn, chúng tôi không được phép vào các cửa hàng và những nơi tương tự nên hoàn toàn bị phớt lờ, trừ khi họ muốn một số người đàn ông dọn sạch các gốc cây của họ.”

Hơn nửa thế kỷ sau, bà tình nguyện tham gia Chiến dịch Yes ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý để công nhận người dân các Quốc gia Thứ nhất trong hiến pháp với Tiếng nói Bản địa trước Quốc hội.

“Vấn đề này đã được cải thiện khá nhiều nhưng chúng tôi vẫn chưa ngang hàng với phần còn lại của Úc
Tại điểm bỏ phiếu sớm của Ủy ban bầu cử ở Penong, người dân nói với SBS rằng thị trấn luôn có mối quan hệ hài hòa với cộng đồng bản địa.

“Vào thời đó, tất cả họ đều hòa nhập và rất tuyệt vời, bạn biết đấy, chúng tôi đã chơi bóng cùng nhau, làm việc và chơi cùng nhau."

 “Không có họ, chúng ta không thực sự là một cộng đồng, chúng ta sống cùng nhau, làm việc cùng nhau.”

56 năm đã trôi qua kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 1967, có vẻ như lịch sử đang lặp lại... đa số cử tri đã nói chuyện với SBS cho biết họ đang nói không với Tiếng nói Thổ dân trước Quốc hội.

Đối với họ, đó không phải là về chủng tộc, mà là sự mất lòng tin chung vào chính phủ, sự nhầm lẫn về việc Tiếng nói sẽ như thế nào và cảm giác điều này không thực sự cần thiết ở đây.

Vùng Ceduna gần đó - nơi 1/4 dân số là người bản địa - có lịch sử phân chia chủng tộc lâu đời.

Bà Sue Haseldine nhớ lại ngày bà bị từ chối vào bệnh viện.

“Tôi đang ốm nặng ở gần bể chứa nước mưa và chị tôi phải ra ngoài để kiểm tra, nhưng chúng tôi không được phép vào bệnh viện.”

Vùng Ceduna là nơi thử nghiệm thẻ ghi nợ (debit card) không dùng tiền mặt gây tranh cãi. Những người chỉ trích Tiếng nói ở đây cho rằng người nộp thuế sẽ phải chi tiêu cao cho các dịch vụ xã hội.

Trong khi đó, những người ủng hộ nói rằng đóng góp từ cộng đồng sẽ chuyển hướng tài trợ sang các chương trình hoạt động hiệu quả.

Ông Leroy Bilney, Giám đốc điều hành của Yadu Health Aborigen Corporation, một dịch vụ y tế thổ dân phi lợi nhuận do cộng đồng kiểm soát được thành lập lần đầu tiên vào năm 1978, cho hay:

“Điều tôi hy vọng là với chiến dịch Yes này, tất cả các giải pháp mà chúng tôi vẫn có cho đến ngày nay sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề của chúng ta”

Tại cuộc họp do các bên ký kết tuyên bố Uluru chủ trì, cộng đồng bày tỏ sự thất vọng khi chiến dịch Yes chính thức không đến được khu vực này. Bà Wanda Miller bày tỏ rằng “thật đáng thất vọng vì chúng tôi thực sự cần sự hỗ trợ.”

Nhưng vẫn đang có những dấu hiệu thay đổi.

Thế hệ tiếp theo đầy hy vọng, nói rằng họ tin rằng đang ở một bước ngoặt với nhiều thay đổi bởi cuộc đấu tranh của các thế hệ trước.

“Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta đã quen với lịch sử về những gì đã xảy ra hồi đó hơn. Thế hệ cũ, hai thế hệ trên họ chỉ mới tham gia vào cuộc điều tra dân số. Và con cái của họ gần như đã quen với việc được hòa nhập vào thế hệ này. Chúng tôi đã quen với nó rồi."

Quý vị có thể cập nhật thông tin về cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói bản địa trước Quốc hội năm 2023 từ SBS, bao gồm cả quan điểm của các Quốc gia bản địa thông qua NITV.

Xin mời truy cập cổng thông tin Tham khảo về Tiếng nói Bản địa của SBS: 

 



Share