Nghiên cứu mới cho thấy trẻ em di cư và tị nạn đang tiếp cận giáo dục mầm non với tỷ lệ thấp hơn so với các bạn cùng lứa.
Nghiên cứu chung giữa Đại học Nam Úc và Dịch vụ Định cư Quốc tế Settlement Services International cho thấy sự phát triển của họ có thể gặp rủi ro lớn hơn.
Sally Brinkman là Giáo sư về Giáo dục Tương lai tại Đại học Nam Úc.
"Chúng tôi sử dụng Điều tra dân số về Giáo dục sớm của Úc, là điều tra dân số về sự phát triển của trẻ em ba năm một lần trên toàn quốc. Điều này ghi lại sự phát triển của tất cả trẻ em.
Chúng tôi nhận được thông tin của khoảng 96 đến 98% tổng số trẻ em. Sự phát triển đang được cải thiện trên toàn quốc. Điều này đúng với trẻ em có nguồn gốc văn hóa và ngôn ngữ đa dạng nhưng điều đáng lo ngại là có sự khác biệt giữa trẻ có nguồn gốc đa dạng văn hóa và trẻ không có nguồn gốc này."
Ở Úc, hơn một phần tư trẻ em [27%] nói nhiều hơn một ngôn ngữ ở nhà.
Dữ liệu Điều tra dân số về phát triển sớm của Úc cho thấy 82% trẻ em có nguồn gốc di cư và tị nạn đã tham gia một số hình thức giáo dục mầm non vào năm 2021.
Tuy nhiên, báo cáo 'Khởi đầu mạnh mẽ hơn, Tương lai tươi sáng hơn' cho biết đối với những đứa trẻ khác, tỷ lệ này là 90%.
Giáo sư Brinkman nói rằng việc không đi nhà trẻ có thể ảnh hưởng đến một người khi trưởng thành.
Các em có nguy cơ bị tổn thương về mặt phát triển đến 46% nếu không tham gia những hoạt động như nhóm vui chơi, hoặc các dịch vụ giữ trẻ và giáo dục mầm non khác. Nếu các em có thể tham gia các dịch vụ này trong những năm đầu đời, thì các em có nhiều khả năng được hỗ trợ hơn về mặt phát triển.Giáo sư Brinkman
Các gia đình có nhiều cơ hội được hỗ trợ hơn trong việc hiểu được những gì họ có thể làm trong môi trường gia đình để hỗ trợ sự phát triển của trẻ em."
Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em có nguồn gốc di cư và tị nạn tiếp cận hỗ trợ can thiệp sớm như trị liệu ngôn ngữ, trị liệu Phục hồi Chức năng hoặc hỗ trợ khuyết tật chỉ bằng một nửa so với những đứa trẻ khác.
Tiến sĩ Tadgh McMahon là Trưởng phòng Nghiên cứu và Chính sách tại Settlement Services International và đồng tác giả của nghiên cứu.
Ông nói rằng trẻ em nhập cư và tị nạn cần được tiếp cận nền giáo dục mầm non phù hợp và hỗ trợ can thiệp sớm phù hợp với nhu cầu.
"Khoảng cách đang được thu hẹp liên quan đến trẻ em đa văn hóa tiếp cận giáo dục mầm non nói chung, nhưng không có sự thay đổi và không có sự thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em đa văn hóa và những trẻ em khác tiếp cận hỗ trợ can thiệp sớm.
Những can thiệp sớm này bao gồm trị liệu, hỗ trợ ngôn ngữ, hỗ trợ học tập cho trẻ chậm phát triển hoặc cho trẻ bị khuyết tật nhẹ hoặc nặng; khoảng cách đó vẫn còn rất lớn."
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Giáo dục Mầm non vào tháng 2 cho thấy các nhân viên chăm sóc trẻ em và các nhà giáo dục cần được đào tạo để hỗ trợ tốt hơn cho trẻ em không nói tiếng Anh.
Các nhà nghiên cứu cho biết việc đi học có thể được cải thiện thông qua việc kết hợp các biện pháp phổ quát, có mục tiêu và tập trung để giải quyết các rào cản với việc học tập sớm.
Tiến sĩ McMahon cho biết những cách tiếp cận này liên quan đến công việc của chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ mầm non và nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ định cư.
"Nghiên cứu này chỉ ra mọi người đều đóng một phần vai trò. Nhiều gia đình tị nạn không nhận thức được lợi ích của việc học mà chơi, chơi mà học. Việc học mà chơi có thể không tồn tại ở quê nhà của họ và họ có thể không biết lợi ích đó là gì.
Những lợi ích này ngày càng trở nên nổi bật hơn ở Úc trong 10 đến 15 năm qua. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục mầm non có vai trò nhất định và đảm bảo rằng lực lượng lao động của họ đáp ứng về mặt văn hóa."
Mặc dù không được đưa vào báo cáo này, nhưng khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em Thổ dân cũng được coi là một vấn đề ở Úc.
Ngân sách liên bang mới nhất bao gồm một số sáng kiến nhắm vào các cộng đồng của các Quốc gia Bản địa, bao gồm 29,1 triệu đô la để cải thiện kết quả giáo dục và giáo dục mầm non.