Thủ tướng Albanese tự tin trước cuộc trưng cầu dân ý công nhận người Bản địa

CHIFLEY CONFERENCE CANBERRA

Prime Minister Anthony Albanese addresses the 2023 Chifley Research Centre Conference at the National Press Club of Australia in Canberra, Sunday, February 5, 2023. (AAP Image/Mick Tsikas) NO ARCHIVING Source: AAP / MICK TSIKAS/AAPIMAGE

Thủ tướng đã đặt ra ưu tiên hàng đầu của mình trước ngày họp quốc hội đầu tiên của năm 2023, đó là công nhận người dân của các Quốc gia Đầu tiên theo hiến pháp, và tôn vinh Tiếng nói Bản địa trước Nghị viện. Ông Anthony Albanese nói rằng ông lạc quan về phẩm chất tốt đẹp của quốc gia để bỏ phiếu đồng ý trong cuộc trưng cầu dân ý, giữa những phong trào ồn ào phản đối Tiếng nói.


Thủ tướng Anthony Albanese đã sử dụng một bài phát biểu quan trọng để thu hút sự ủng hộ cho cuộc trưng cầu dân ý năm 2023, công nhận Người bản địa trong Hiến pháp và Tiếng nói của Người bản địa trước Quốc hội.

Trong một bài phát biểu tâm huyết tại Hội nghị của Trung tâm Nghiên cứu Chifley ở Canberra, ông Albanese nói rằng người Úc có cơ hội hiện đại hóa hiến pháp.

Nếu không phải bây giờ, thì khi nào? Sáu năm sau Tuyên bố Uluru từ trái tim. 56 năm sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1967. 122 năm sau khi thành lập Liên bang. Nếu không phải bây giờ, thì khi nào? Cuộc trưng cầu dân ý năm 2023 là về hai điều: công nhận và tham vấn.

Ông Albanese đã phản ánh về cuộc trưng cầu dân ý thành công năm 1967, khi 90% người Úc bỏ phiếu loại bỏ một điều khoản trong hiến pháp, nói rằng người bản địa sẽ không được đưa vào cuộc điều tra dân số.

56 năm sau, ông nói rằng thế hệ người Úc lúc này có cơ hội để trở nên tốt hơn.

"Thay vì loại bỏ một điều khoản không còn phù hợp với chúng ta nữa. Chúng ta có thể thực hiện một thay đổi nói lên tương lai mà chúng ta tìm cách xây dựng. Chúng ta có thể bỏ phiếu để không xóa bỏ điều tiêu cực mà thêm điều gì tích cực. Để công nhận người Thổ dân và Dân đảo Torres Strait trong giấy khai sinh của quốc gia chúng ta."

Nhưng giữa những lời chỉ trích từ khắp các lĩnh vực chính trị đối với Tiếng nói - The Voice, ông Albanese đang cố gắng tạo ra một sự đoàn kết.

Đúng, đã có những người đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội. Thổi bùng sự phẫn nộ, cố gắng bắt đầu một cuộc chiến văn hóa. Đó là hệ quả tất yếu của việc cố gắng đạt được sự thay đổi.

"Luôn có những người muốn tạo ra sự nhầm lẫn và kích động chia rẽ, để cố gắng trì hoãn sự tiến bộ. Nhưng những thời điểm quyết định của quốc gia, chẳng hạn như cuộc trưng cầu dân ý này, cũng là cơ hội để người dân của chúng ta thể hiện những phẩm chất tốt nhất của họ: sự hào phóng, ý thức công bằng và sự lạc quan đối với tương lai."

Cụ thể, ông muốn thấy sự ủng hộ của lưỡng đảng từ các chính trị gia, những người mà ông nói rằng có thể đi đầu dẫn đường.

"Tôi hoan nghênh bất kỳ đóng góp mang tính xây dựng nào cho quy trình lập pháp, cho hình thức của chiến dịch, cho sự thành công của kết quả. Tôi coi đây là cơ hội để xây dựng sự đoàn kết quốc gia, thể hiện điều tốt nhất trong nền chính trị của chúng ta, để chứng minh rằng Nghị viện của chúng ta cam kết hòa giải, Thu hẹp Khoảng cách và mang lại nhiều cơ hội hơn cho người Thổ dân và Dân đảo Torres Strait."

Giáo sư Megan Davis là thành viên của nhóm làm việc trưng cầu dân ý của chính phủ liên bang, và là đồng tác giả của Tuyên bố Uluru từ Trái tim, là nơi đề xuất Tiếng nói lần đầu tiên được đề xuất.

Cô nói với A-B-C rằng mặc dù điều quan trọng là phải đảm bảo sự ủng hộ từ Nghị viện, nhưng lá phiếu phụ thuộc vào toàn quốc gia.

"Tất cả người Úc có thể thấy rằng có điều gì đó phải thay đổi. Lần này không giống như cuộc trưng cầu dân ý cho một thể chế cộng hòa năm 1999, nơi họ nói, "Nó không hỏng, đừng sửa chữa nó." Tất cả người Úc có thể thấy rằng tình trạng hiện tại không phù hợp, có gì đó bị hỏng và nó cần được sửa chữa."

Thế nhưng phe đối lập dường như vẫn không được thuyết phục. Đảng Tự do hiện vẫn chưa thống nhất trong việc đưa ra quan điểm của đảng, trong khi đảng Quốc gia phản đối.

Người phát ngôn của Liên minh về các vấn đề bản địa, Julian Leeser, đã bảo vệ yêu cầu của thủ lãnh đối lập Peter Dutton, về việc cung cấp thêm thông tin về cách thức hoạt động của Tiếng nói.

"Những câu hỏi mà Peter Dutton đưa ra, là những câu hỏi mà người Úc đã hỏi ông ấy khi ông ấy đi thăm những vùng khác nhau, chúng là những câu hỏi mà tôi đã được người Úc hỏi khi tôi đi đến các nơi. Và chúng tôi nghĩ rằng đây là những câu hỏi sẽ tiếp tục được hỏi trong suốt chiến dịch trưng cầu dân ý."

Ông Leeser, người vốn ủng hộ Tiếng nói, nói rằng ông thất vọng trước những bình luận của Thủ tướng.

"Ông ấy biến vấn đề này thành một vấn đề chính trị bằng cách nói về cuộc chiến văn hóa."

Thủ tướng cần thuyết phục mọi người chứ không phải buộc tội, công việc của ông ấy với tư cách là nhà lãnh đạo quốc gia của chúng ta là giải thích và thuyết phục.

Ông Albanese đã nhắc lại rằng Tiếng nói sẽ không có bất kỳ quyền lập pháp hoặc quyền phủ quyết nào, trong bối cảnh có nhiều câu hỏi về phạm vi tiếp cận của nó.

Ông cũng đã bác bỏ những lo ngại do thượng nghị sĩ đảng Xanh Lidia Thorpe đưa ra, rằng việc thêm vào Tiếng nói sẽ có tác động đến chủ quyền của Người bản địa.

Đảng Xanh đang chuẩn bị công bố quan điểm của họ trong tuần này khi Quốc hội tiếp tục nhóm họp.

Thủ tướng hy vọng người Úc sẽ đưa ra quyết định sáng suốt khi họ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý.

Tôi luôn lạc quan về phẩm chất của người Úc. The Voice sẽ là một thành tựu quốc gia mà mọi người Úc có thể cùng chia sẻ. Vận động cho nó, bỏ phiếu cho nó, ăn mừng thành công của nó.

"Cùng đóng vai trò của mình trong một bước tiến lịch sử đối với đất nước chúng ta. Để đón nhận một tương lai tốt đẹp hơn, công bằng hơn và tôn trọng hơn. Để thêm lá phiếu và tiếng nói của họ vào thông điệp chúng ta gửi đến thế giới, về quốc gia hiện đại của chúng ta, sự trưởng thành của chúng ta, sự thống nhất của chúng ta, và cam kết của chúng ta đối với việc Hòa giải ."

Share