Thời hạn visa sắp hết đối với những người tị nạn Ukraine tại Úc

A sign with the image of Vladimir Putin crossed out is in the foreground of a rally in Canberra

Ukraine supporters have gathered in Canberra to mark the second anniversary of the Russian invasion. Source: AAP / Mick Tsikas

Những người tị nạn Ukraine tìm nơi ẩn náu tại Úc khi quê nhà bị Nga xâm lăng vào hai năm trước cho biết họ đang ở trong tình trạng bấp bênh khi thời hạn visa của họ sắp hết.


Trước chiến tranh, ở Kyiv, Valentina Odarushenko điều hành một trường dạy tâm lý học.

Hiện nay cô mở một thẩm mỹ viện ở Sydney sau khi cô buộc phải trốn thoát khỏi đất nước và tị nạn ở Úc.

Đó là một sự thay đổi lớn mà cô không hề lường trước, nhưng Odarushenko nói cô đang tận dụng tối đa hoàn cảnh của mình, bất kể nó có thể bấp bênh đến mức nào.

"Tôi đã cố gắng hết sức ở đây nhưng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có lẽ chính phủ sẽ nói với chúng tôi vào tháng 3 sắp tới là: Được rồi, các bạn à, chúng tôi quá mệt mỏi với các bạn rồi. Làm ơn quay lại Ukraine đi.' Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra, điều đó thật khó khăn."

Đối tác kinh doanh của cô tại thẩm mỹ viện là một người Nga lớn lên ở Úc.

Cô cho biết, bất chấp xung đột giữa hai dân tộc, cô luôn đối xử với mọi người theo hành động của họ chứ không phải theo quốc tịch của họ.

"Quốc tịch của cô ấy không quan trọng, quan trọng là cô ấy đã làm gì. Bởi vì bạn thậm chí có thể là người Ukraine và bạn ủng hộ Nga. Điều đó tùy thuộc vào mỗi người, đó là lý do tại sao tôi chỉ nhìn vào hành động của một con người”.

Valentina, giống như nhiều người khác, cho hay họ đang sống trong tình trạng bấp bênh khi cuộc xâm lược của Nga kéo sang năm thứ ba.

Kể từ tháng 2 năm 2022, 13,500 công dân Ukraine đã đến Úc, với gần 4,000 người giữ visa nhân đạo tạm thời.

Đó là một con số thấp nếu so với hơn 6,3 triệu người tị nạn Ukraine đang trú ẩn trên khắp thế giới.

Khi chiến tranh bắt đầu - chính phủ liên bang cho hay họ đã cấp hơn 8,600 visa, hầu hết là visa tạm thời, có thời hạn ba năm.

Tuy nhiên, nhiều người đã buộc phải rời đi đến những nơi khác trên thế giới do những hạn chế đối với những người giữ visa nhân đạo ở Úc.

Ivan Levytsky nói anh gặp khó khăn trong việc tìm việc làm, vì anh buộc phải rời công ty, do visa của anh ở Úc hạn chế đi lại.

"Các điều kiện của visa nhân đạo khiến tôi không thể rời khỏi Úc, vì vậy tôi phải nghỉ việc ở công ty tôi đang làm và bắt đầu tìm kiếm một công việc khác ở Úc, nơi mà thị trường cho công việc của tôi không nhiều. Vì vậy tôi đã phải vật lộn với chuyện tìm việc làm."

Vợ anh, Yulia Levytsky, cho hay họ đã chuyển đến Romania vì điều kiện ở đây phù hợp với họ hơn.

“Bất kỳ chuyện gì họ cũng thúc chúng tôi phải làm cái này cái kia, điều đó không hề dễ dàng với chúng tôi. Nhưng bây giờ thì chúng tôi có những điều kiện hợp lý hơn để ở lại đây, và chúng tôi có thể rời đất nước để gặp cha mẹ mình."

Và đối với những người Ukraine sống ở Úc, thời hạn visa ba năm của họ sắp hết hạn và chiến tranh chưa kết thúc, thật khó để nghĩ về tương lai.

Iryna Zaiets là một người tị nạn đang phải đối mặt với những hạn chế của việc có visa tạm thời mà không có con đường trở thành thường trú nhân.

Cô nói cô phải đối mặt với những thách thức trong khi tìm việc làm và bảo đảm một khoản vay cho gia đình.

"Thật khó để tìm được một công việc tốt trong ngành dược phẩm mà không có thường trú nhân hoặc công dân. Chúng tôi không thể lên kế hoạch cho cuộc sống của mình quá một năm. Chúng tôi không thể vay tiền. Thậm chí chúng tôi không thể vay tiền để mua một chiếc xe mới. Thật khó để sống với sự giới hạn này."

Zaiets nói cô và những người Ukraine khác gặp khó khăn khi chuyển sang lựa chọn visa ổn định hơn.

"Trình độ tiếng Anh của chúng tôi, đây là lý do tại sao chúng tôi không thể nộp đơn xin visa tay nghề cao. Hầu hết người Ukraine đều gặp vấn đề tương tự. Họ không thể nộp đơn xin visa tay nghề vì kỹ năng tiếng Anh, vì tuổi tác, hoặc không thể cung cấp đủ hồ sơ, đặc biệt là khi lãnh thổ bị chiếm đóng."

Các nhà lãnh đạo cộng đồng Ukraine ở Úc muốn chính phủ thiết lập các lộ trình rõ ràng để được thường trú.

Đồng chủ tịch Liên đoàn các tổ chức Ukraine ở Úc, Stefan Romaniw nói sự an tâm là điều cần thiết đối với những người chạy trốn khỏi cuộc xung đột.

"Họ đang làm việc, một số sẵn sàng mua nhà, một số sẵn sàng khởi nghiệp, nhưng mặt khác, nhiều người đang rơi vào trạng thái trầm cảm vì không biết tương lai sẽ ra sao. Vì vậy, khi visa sắp hết hạn, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ không có ai bị đưa trở lại vùng chiến sự nên chúng tôi cho rằng sẽ có việc gia hạn visa. Nhưng điều chúng tôi đang tranh luận là sớm hay muộn thì một quyết định cũng cần phải được đưa ra. Chúng tôi đang đề xuất, hãy thực hiện quyết định ngay bây giờ. Cho mọi người sự lâu dài, cho họ sự ổn định và cho họ phẩm giá."

Chính phủ đã phản hồi, phát ngôn nhân của Bộ Nội vụ cho hay họ sẽ ưu tiên các đơn xin visa từ công dân Ukraine, đặc biệt chú ý đến những người có “mối liên hệ cá nhân mạnh mẽ với Úc”.

Khi được hỏi "Liệu Úc có xem xét các con đường trở thành thường trú nhân" tương tự như những gì đã được công bố ở New Zealand hay không – vẫn không có câu trả lời nào.

Bất chấp sự mơ hồ và nỗi đau đớn khi nghĩ về bạn bè và gia đình bị mắc kẹt ở Ukraine, cô Zaiets nói cô hy vọng cô và gia đình sẽ sớm có thể gọi Úc là quê hương.

"Tôi muốn ở lại vì chúng tôi đã bắt đầu cuộc sống mới ở Úc và tôi không muốn bắt đầu lại cuộc sống của mình. Con gái tôi rất Úc, thậm chí nó chỉ nói giọng Úc. Chúng tôi rất vui khi ở lại đây nhưng chúng tôi gặp rất nhiều thách thức."

Share