Tại sao bà Nguyễn Thúy Hạnh, người đề xướng và điều hành Quỹ 50K, bị bắt?

Bà Nguyễn Thúy Hạnh (người thứ nhì, hàng đầu, bên trái) cùng người thân của các Tù nhân lương tâm tại cổng nhà tù khi đồng hành thăm nuôi

Bà Nguyễn Thúy Hạnh (người thứ nhì, hàng đầu, bên trái) cùng người thân của các Tù nhân lương tâm tại cổng nhà tù khi đồng hành thăm nuôi. Source: Nguyễn Thúy Hạnh

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho biết ngoài việc tham gia các cuộc biều tình bảo vệ cây xanh, chống Formosa thải chất độc ra biển miền Trung, chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Hạnh còn lập Quỹ 50K nhằm giúp gia đình các tù nhân lương tâm một cách rất hiệu quả. Tuy bà đã phải đóng Quỹ này vào cuối năm 2020 do áp lực của nhà cầm quyền, nhưng bà vẫn bị theo dõi, canh cửa, gây áp lực thường xuyên và nay nhà cửa bà lại bị niêm phong, cá nhân cũng bị khởi tố vì cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.


Trong thời gian gần đây, Hoa kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã liên tục lên án việc lực lượng an ninh Việ́t Nam đang ra sức đàn áp bắt bớ các nhà hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến, đồng thời báo động những sự đàn áp bắt bớ này đang diễn ra với mức độ ngày càng dồn dập hơn. 

Mới hôm 6/4/2021, Tổ chức Ân xá quốc tế đã công bố Bản Phúc trình Nhân quyền cho thấy những vụ bắt giữ và khởi tố tùy tiện các nhà bảo vệ nhân quyền đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam trong năm 2020.

Cũng theo Intenational Amnesty,  số lượng tù nhân lương tâm tại Việt Nam đã lên đến mức kỷ lục với ít nhất 173 người đang bị giam giữ, tức là mức cao nhất kể từ khi Ân Xá Quốc Tế bắt đầu thực hiện các bản báo cáo về những trường hợp này vào năm 1996.

Trong khi đó, năm 2020 cũng bị cho là năm đầy khó khăn cho các tù nhân chính trị và các nhà hoạt động tại Việt Nam.

Đó là kết luận trong bản báo cáo mà Dự Án 88 - một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và khuyến khích tự do ngôn luận ở Việt Nam - vừa công bố ngày 7/4/2021.

Bản phúc trình này cho biết chẳng những đại dịch COVID-19 dẫn đến việc chính quyền Việt Nam tăng cường giám sát công dân chặt chẽ hơn qua nhiều hình thức, mà còn là cái cớ để các tù nhân chính trị không được gặp gỡ gia đình, các phiên tòa cũng bị dời ngày xử vô hạn định, trong khi tình hình sức khỏe các tù nhân trong trại giam không được bảo đảm.

Xin đơn cử hai trường hợp tiêu biểu cho thấy tù nhân chính trị bị đối xử hà khắc, trong khi các nhà hoạt động bị bắt bớ giam giữ tùy tiện qua phần trao đổi với nhà báo Nguyễn Vũ Bình tại Hà Nội hôm 8/4/2021 về hai trường hợp được chính ông báo động trên trang Facebook cá nhân, đó là trường hợp của nhà báo Lê Anh Hùng và nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh (nghe cuộc phỏng vấn này trong phần audio đầu trang).

Trường hợp của blogger Lê Anh Hùng

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình viết trên trang Facebook cá nhân ngày 4/4/2021:
Sáng nay tôi nhận được điện thoại của bác Niêm, mẹ Lê Anh Hùng. Bác nói Lê Anh Hùng điện thoại về cho Bác nói bệnh viện đã tăng liều lượng thuốc tâm thần lên 12 viên! Phản đối không uống thì họ bắt trói lại và tiêm thuốc an thần! Thật vô cùng dã man và tàn độc!
Trường hợp của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho biết ngoài việc tham gia các cuộc biều tình đòi bảo vệ cây xanh, chống Formosa thải chất độc ra biển miền Trung, chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Hạnh còn gây quỹ từ thiện giúp gia đình tù nhân lương tâm bị khó khăn qua quỹ 50K (50.000 đồng) ṃôt cách rất hiệu quả, nhưng do áp lực của nhà cầm quyền nên bà đã đóng quỹ này từ cuối năm 2020.

Tuy nhiên bà và vẫn thường xuyên bị theo dõi, canh cửa, gây áp lực; và nay nhà cửa của bà bị niêm phong còn cá nhân bà thì bị bắt và bị khởi tố với cáo buộc tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. 

Đươc biết tài khoản của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh đã bị ngân hàng Vietcombank phong tỏa hồi năm 2020 sau khi bà đã quyên góp được hơn 500 triệu đồng trong công chúng để phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm, người đã bị cảnh sát cơ động bắn chết trong cuộc đột kích vào rạng sáng ngày 9/1/2020. Từ đó đến nay, bà liên tục đòi nhà cầm quyền phải trả lời minh bạch vụ phong tỏa này.

Luật sư Lê Quốc Quân cũng cho biết thêm về Quỹ 50K trên trang Facebook cá nhân:
Những người tử tế lần lượt bị chúng bắt đi. Chị là tri thức, có cuộc sống êm ấm và sung túc, nhưng rồi chị chọn con đường giúp người đầy chông gai. Quỹ 50K chị lập nên chỉ chuyên giúp đỡ những gia đình tù nhân lương tâm, những con người dễ bị tổn thương nhất. Khi người thân là những lao động chính bị bỏ tù oan, người ở ngoài thì bị tuyên truyền phân biệt hay xa lánh vì sợ liên luỵ.
Giới hoạt động trong nước đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ trường hợp của bà Nguyễn Thúy Hạnh mà họ cho là một vụ bắt giữ người vô cớ khác của Hà Nột, trong khi Tổ chưc  Ân xá Quốc tế - International Amnesty hôm 8/4/2021 cũng ra thông báo kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà.

International Amnesty nhận định:
Việc bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nỗ lực trắng trợn, có động cơ chính trị nhằm bị miệng một trong những nhà hoạt động cổ xúy cho nhân quyền được kính trọng nhất tại Việt Nam.



Share