Sức khỏe là Vàng: Nhận biết sớm bệnh trầm cảm

pexels-liza-summer-6383189.jpg

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên thế giới. Source: Pexels/Liza Summer

Trầm cảm là một chứng bệnh đang ngày càng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Trầm cảm là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tự tử và tự hủy hoại thân thể. Thế nhưng nhận thức về trầm cảm còn hạn chế khiến nhiều người bệnh không được phát hiện và điều trị sớm.


Trầm cảm là tình trạng rối loạn tâm lý khiến người bệnh luôn có cảm giác buồn bã, chán nản, mất hứng thú trong hầu hết mọi hoạt động. Điều này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, suy nghĩ và hành động của người bệnh.

Người bị trầm cảm khó có thể làm việc hoặc sinh hoạt bình thường với gia đình và bạn bè xung quanh. Nghiêm trọng hơn là người bệnh có thể tự làm tổn thương bản thân, thậm chí tự tử.

Bệnh trầm cảm phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi lứa tuổi, bao gồm trẻ em.

Lứa tuổi phổ biến bị trầm cảm là khoảng 18 - 45 tuổi. Độ tuổi trung niên và tuổi già cũng dễ bị trầm cảm. Đó là các nhóm phải đối mặt với nhiều yêu cầu từ xã hội, và các thay đổi trong cuộc sống như tìm việc làm, kết hôn, sinh con, nghỉ hưu…

Các triệu chứng trầm cảm thường gặp

Một người có thể đang bị trầm cảm nếu trong vòng hơn 2 tuần lễ mà hầu như lúc nào cũng cảm thấy buồn bã, ủ rũ, chán nản hoặc dễ tức giận hơn, hoặc chẳng còn thích thú với những gì mà người đó thường thích.

Ngoài ra người bệnh có thể không muốn ăn uống dẫn đến sụt cân hoặc ăn quá nhiều dẫn đến tăng cân.

Đặc biệt triệu chứng phổ biến nhất là người bệnh gặp khó khăn về giấc ngủ, khó ngủ hoặc mất ngủ, hoặc ngược lại là ngủ quá nhiều và nằm gần như cả ngày.

Người bệnh trầm cảm có vẻ lúc nào cũng cảm thấy mệt hoặc thiếu năng lượng, thiếu động lực, khó tập trung suy nghĩ và ra quyết định. Điều đó khiến người bệnh thêm chán nản, tự ti.

Một số người bệnh trầm cảm không tin rằng bản thân đang bị bệnh nên không chịu hợp tác điều trị.

Nhiều lúc tình trạng trí nhớ kém khiến người bệnh cảm thấy vô dụng hoặc tội lỗi, cảm thấy mọi thứ trở nên quá khó khăn đối với bản thân.

Tình trạng trầm cảm nặng khi người bệnh nghĩ tới cái chết hoặc tự tử.

Có những triệu chứng khiến các bác sĩ không biết đó là bệnh trầm cảm nếu như không theo dõi bệnh nhân một thời gian hoặc là hỏi kỹ các triệu chứng khác kèm theo.
Bác sĩ Nguyệt Thái

Một số triệu chứng trầm cảm khác bao gồm nhức đầu hoặc đau nhức một vùng nào đó trên cơ thể, lo lắng, tim đập nhanh, cảm thấy yếu liệt cơ mặc dù thực sự các cơ của người bệnh không bị yếu.

Các triệu chứng nêu trên dễ gây nhầm lẫn với bệnh khác khiến việc chẩn đoán bệnh trầm cảm gặp khó khăn. Vì vậy cần sự hợp tác tốt giữa người bệnh và bác sĩ để xác định đúng bệnh và điều trị kịp thời.

Để hiểu rõ hơn về các dấu hiệu trầm cảm và phân biệt với các triệu chứng bệnh khác, mời quý vị vào phần Audio để nghe phần trình bày của Bác sĩ Nguyệt Thái trong chương trình Sức khỏe là Vàng.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share