Thế giới đã mất bảy tháng để ghi nhận một triệu ca tử vong đầu tiên liên quan đến vi-rút sau khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020.
Nhưng chỉ trong bốn tháng tiếp theo, một triệu người khác đã chết, và kể từ đó cứ mỗi 3 tháng lại có thêm một triệu người khác, cho đến khi con số thiệt mạng lên tới 5 triệu người vào cuối tháng 10 năm ngoái.
Hiện tại, số người chết do COVID-19 chính thức trên toàn cầu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, đã lên tới sáu triệu người.
Nhưng theo lời Tikki Pang, Giáo sư thỉnh giảng về Y tế Toàn cầu đến từ Đại học Quốc gia Singapore, thì con số tử vong thực sự có khả năng còn cao hơn nhiều.
“Nếu bạn bỏ qua con số tử vong do COVID-19 được xác nhận là 6 triệu người, thì tỷ lệ tử vong thực tế là khoảng 21 triệu. Và như đã từng đề cập, đó là tính đến những trường hợp tử vong không được chẩn đoán, những trường hợp tử vong xảy ra tại nhà, tính toán thiếu, báo cáo thiếu vì thiếu xét nghiệm, và đó là tất cả những gì đang xảy ra ở các nước đang phát triển.”
Trong tình hình nhiều quốc gia đang tái xây dựng nền kinh tế khi tỷ lệ tử vong đã giảm xuống, thì cột mốc quan trọng này là lời nhắc nhở về bản chất của virus đó là nghiêm trọng và thường không thể lường trước được.
Đặc biệt Nam Phi đã bị ảnh hưởng nặng nề, với hơn 3,5 triệu ca nhiễm và hơn 99.500 ca tử vong kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát.
Bà Thoko Dube đã mất con trai riêng và con gái của bà chỉ trong vài ngày sau khi nhiễm virus.
“Gia đình vẫn đang chống chọi với nỗi đau. Họ đã chấp nhận điều đó vì chuyện cũng đang xảy ra với nhiều gia đình khác. Điều duy nhất chúng tôi sợ rằng một số thành viên trong gia đình có thể đã bị nhiễm, may mắn mọi người đều khỏe mạnh nhưng chúng tôi cũng đã rất thận trọng kể từ đó.”
Bà tin rằng nếu người thân được tiêm phòng, họ có thể đã sống sót.
Nam Phi đã triển khai hơn 31 triệu liều vắc-xin, có nghĩa là gần 50% dân số trưởng thành hiện được tiêm liều hai lần.
Ông Omar Hoosen đã từ chối tiêm chủng vì ông không chắc về độ an toàn của vắc-xin. Thế nhưng sau khi mất một người anh em vì COVID-19 và bản thân cũng bị nhiễm virus, ông đã thay đổi quyết định.
“Mọi người đã trở nên tự mãn. Bạn đang thấy mọi người xung quanh không còn đeo khẩu trang nữa. Có lẽ bây giờ chính phủ sẽ dần loại bỏ quy định đeo khẩu trang, và có thể những người được tiêm chủng sẽ bắt đầu không thực hiện những quy tắc giữ khoảng cách. Kiểu như, ai cũng cho rằng ‘chúng tôi muốn sống cuộc sống của mình, chúng tôi muốn trở lại cuộc sống trước đây.”
Mặc dù việc đeo khẩu trang vẫn là bắt buộc, nhưng hầu hết các hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút đã được dỡ bỏ trên khắp Nam Phi.
Nhưng tại Hồng Kông lại là một hiện thực rất khác.
Các nhà chức trách đang kiểm tra toàn bộ dân số 7,5 triệu người ba lần trong tháng này, vì họ áp dụng chiến lược "zero-COVID" của Trung Quốc đại lục.
Khi số người chết ở Hồng Kông tăng cao, hệ thống y tế vốn đã quá tải nơi đây lại phải vật lộn để đưa những người chết về nơi an nghỉ.
Derek Cheng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Tang lễ Hồng Kông, nói rằng bộ máy hành chính không thể theo kịp với tỷ lệ tử vong đang tăng cao.
“Bộ Y tế đã thực sự mở rộng năng suất hỏa táng nhưng với sự gia tăng số người tử vong, có rất nhiều hồ sơ giấy tờ tồn đọng. Các cơ quan chính phủ tham gia vào công việc này cũng có nhân viên dương tính với COVID-19 và điều đó hạn chế năng suất làm việc. Do đó, việc hỏa táng hoặc chôn cất tử thi bị trì hoãn rất nhiều.”
Khi tỷ lệ tử vong ở các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary và Romania vẫn ở mức cao, khu vực lại đang tiếp nhận thêm hơn một triệu người tị nạn đến từ Ukraine, một quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tỷ lệ nhiễm và tử vong cao.
Stephen Leeder là giáo sư danh dự về sức khỏe cộng đồng và y học cộng đồng tại Đại học Sydney.
Ông nói với SBS News ông tin rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề COVID-19 trên khắp Đông Âu.
“COVID là nguyên nhân tử vong chủ yếu ở các nhóm kinh tế-xã hội thấp hơn và các nhóm dân số có sự gián đoạn xã hội do chiến tranh hoặc nạn đói hoặc suy thoái môi trường. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy những trường hợp bị COVID trong số những người tị nạn hơn nhiều hơn nếu họ được sống yên bình ở quê nhà.”
Và tại Hoa Kỳ, bất chấp sự giàu có và sự sẵn có của vắc-xin, quốc gia này đã có gần một triệu trường hợp tử vong được báo cáo.
Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, Giáo sư Robert Booy nói với SBS News rằng điều này là do khoảng cách chênh lệch về mặt kinh tế xã hội.
“Hoa Kỳ là một quốc gia đặc biệt ở chỗ họ một số người thì có mức sống cao nhưng một số khác thì không. Và kết quả là tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở những người gốc Tây Ban Nha hoặc da đen cao hơn nhiều. Những người da trắng nghèo cũng vậy, có nguy cơ mắc bệnh và tử vong gia tăng, và do đó, mặc dù tầng lớp trung lưu và người giàu có đủ khả năng mua vắc xin và hưởng dịch vụ chăm sóc tốt, nhưng điều đó không áp dụng cho những người nghèo hơn ở Mỹ.”
Trong khi đó, các hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương - nơi mà việc cô lập về mặt địa lý lại là sự bảo vệ cho người dân trong hơn hai năm qua - hiện đang vật lộn với những đợt bùng phát và tử vong đầu tiên do biến chủng Omicron.