Những người ủng hộ Yes cho Tiếng nói Bản địa trước Quốc hội sau thất bại lịch sử của cuộc trưng cầu dân ý có dịp nhìn lại những gì vừa xảy ra.
Cuộc trưng cầu dân ý đã bị bác bỏ do đa số người Úc phản đối việc thay đổi hiến pháp nhằm thiết lập một ủy ban Tiếng nói của các dân tộc Bản địa.
Giờ đây, nhiều người Úc đang lo ngại hậu quả của những bất đồng từ những tranh luận xung quanh cuộc trưng cầu dân ý có thể dẫn đến sự chia rẽ cộng đồng và các tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của một số người Úc Bản địa.
Một người Sydney nói rằng kết quả bỏ phiếu là điều có thể tiên liệu được phần nào nhưng dù sao cũng đáng thất vọng.
"Tôi cảm thấy thất vọng. Rõ ràng, chúng tôi đã đoán trước kết quả No, nhưng tôi vẫn rất thất vọng. Rõ ràng là tôi đã bỏ phiếu Yes và tôi tin rằng đó là điều đáng lẽ phải được thừa nhận, để mang lại cho người Thổ dân nhiều quyền lợi hơn một tiếng nói cho sự tồn tại của họ như vậy. Tuy nhiên, rõ ràng là đa số người dân đã bỏ phiếu No."
Cuộc trưng cầu dân ý, lần đầu tiên được tổ chức ở Úc sau 24 năm, cuối cùng không nhận được đa số ủng hộ ở bất kỳ tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ nào ngoại trừ ACT.
Nhưng tại sao lại có sự phản đối mạnh mẽ như vậy đối với đề xuất Tiếng nói và đâu là con đường phía trước cho những người chủ trương thu hẹp khoảng cách?
Thủ tướng Anthony Albanese nói rằng ông chấp nhận kết quả nhưng lấy làm tiếc về những gì ông tin rằng có thể là thời khắc đoàn kết cho người dân Úc.
Ông nói đó luôn là một trận chiến khó khăn kể từ khi Liên đảng tuyên bố họ sẽ chống lại Tiếng nói vào tháng Tư.
"Việc phân tích chắc chắn sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa, nhưng sự thật là không có cuộc trưng cầu dân ý nào thành công mà không có sự ủng hộ của lưỡng đảng ở đất nước này. Không có."
Bài học đắc giá này cần được các lãnh đạo tương lai học kỹ trước khi tiến hành bất kỳ một cuộc trưng cầu dân ý thay đổi hiến pháp nào.
Về phía Đối lập, Peter Dutton đã lặp lại tuyên bố của mình rằng cuộc trưng cầu dân ý về Voice đã bị thất bại bởi sự chia rẽ của chính nó và điều này đáng lý là không nên xảy ra.
"Rõ ràng là cuộc trưng cầu dân ý đã không thành công và tôi nghĩ điều đó tốt cho đất nước chúng ta. Đây là cuộc trưng cầu dân ý mà Úc không cần phải có. Đề xuất và quy trình lẽ ra phải được thiết kế để đoàn kết người Úc chứ không phải để chia rẽ chúng ta. Và những gì chúng ta thấy tối nay là hàng triệu người Úc bằng xương bằng thịt đã phản đối cuộc trưng cầu dân ý gây chia rẽ của Thủ tướng."
Các nhà vận động Yes nói rằng một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu là việc chiến dịch No đã đưa thông tin sai lệch vào tài liệu chiến dịch rằng một số người ủng hộ No đưa các tuyên bố rằng một cuộc trưng cầu dân ý thành công có thể dẫn đến việc người Úc phải trả tiền bồi thường cho các dân tộc của các Quốc gia Thứ nhất, rằng nó sẽ tạo ra một ủy ban thứ ba ở quốc hội và rằng Ủy ban Bầu cử Úc đang ngấm ngầm ủng hộ cho một kết quả Yes.
Nhà vận động Yes là Thomas Mayo nói rằng công chúng Úc đã bị lừa dối.
"Peter Dutton đã không trung thực với người dân Úc. Ông ta đã nói dối người dân Úc. Chiến dịch No, những lời dối trá của họ đã khiến họ kiệt sức trong vài ngày qua. Tôi thực sự hy vọng rằng khi phân tích xong, điều đó sẽ được phơi bày tất cả người Úc xem."
Cuộc tranh luận công khai gay gắt xung quanh cuộc trưng cầu dân ý đã gây thiệt hại cho người Úc Bản địa, với Tổ chức Y tế do Cộng đồng Thổ dân Quốc gia Kiểm soát the National Aboriginal Community Controlled Health Organisation - NACCHO - cho biết đã có sự gia tăng đáng kể các báo cáo về phân biệt chủng tộc trước cuộc bỏ phiếu cũng như gây thiệt hại cho sức khỏe xã hội, tình cảm và tinh thần của Thổ dân và người dân đảo Torres Strait.
Và bây giờ, các học giả Bản địa lo ngại rằng kết quả trưng cầu dân ý có nguy cơ đặt các mục tiêu được nêu trong Tuyên bố Uluru từ Trái tim vào tình trạng lấp lửng về mặt chính trị - political limbo.
Tuyên bố Uluru từ Trái tim - Uluru Statement from the Heart là một kiến nghị quan trọng được đưa ra vào năm 2017 từ những tiếng nói vận động cho người Úc Bản địa. Tuyên bố này nêu lên việc cần có một Tiếng nói trước Quốc hội, cũng như cái được gọi là Ủy ban Makarrata nhằm tìm kiếm một hiệp ước giữa chính phủ và người dân các Quốc gia đầu tiên và nói lên sự thật về lịch sử đầy rắc rối của Úc.
Học giả Bản địa và đồng kiến trúc sư của đề xuất Tiếng nói Bản địa là Marcia Langton, nói với The Point của NITV rằng cô coi kết quả No là cái chết của những nỗ lực hòa giải.
"Rõ ràng là sự hòa giải đã chết. Phần lớn người Úc đã nói Không trước lời mời từ người Úc bản địa với một đề xuất tối thiểu là giúp chúng tôi có tiếng nói rõ ràng trong những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi. Và tôi nghĩ những người vận động 'No' đã có rất nhiều điều để trả lời trong việc đầu độc nước Úc chống lại đề xuất này và chống lại nước Úc bản địa."
Phó Thủ tướng Richard Marles nói với chương trình ABC's Insiders rằng chính phủ Lao động vẫn cam kết thực hiện Tuyên bố Uluru.
"Chúng tôi đã cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố Uluru. Đó là những gì chúng tôi đã đưa ra với người dân Úc và đó là lập trường rõ ràng của chúng tôi trong một thời gian dài. Đối với các bước đi cụ thể sắp tới, những gì chúng tôi cần làm lúc này theo tôi là chúng ta cần để mọi thứ lắng xuống trước đã. Ngay bây giờ, tôi nghĩ đó việc cần làm là sát cánh với người Úc Bản địa vào thời điểm này."
Trong khi một số cuộc thăm dò từ YouGov và Resolve Strategic, liên tục cho thấy phần lớn người Úc Bản địa ủng hộ Tiếng nói, thì sự nổi bật của các nhà lãnh đạo Bản địa như Warren Mundine và Jacinta Nampijinpa Price trong chiến dịch No khiến nhiều cử tri không rõ ràng về quan điểm của người Bản địa trong vấn đề này.
Warren Mundine nói với The Point của NITV rằng chiến dịch Yes đơn giản là không cung cấp thông tin chi tiết cho những cử tri quan tâm và theo ông họ coi Tiếng nói như một "cây đũa thần" để giải quyết các vấn đề phức tạp.
"Sẽ không có sự ăn mừng nào vì thực tế là công chúng Úc đã nói với chúng tôi rằng họ không muốn có Tiếng nói. Họ muốn chính phủ và những người khác ra tay và thực sự làm công việc cần phải làm. Tôi biết những người Úc muốn bỏ phiếu Yes, nhưng không thể ghi Yes vào lá phiếu bởi vì họ không nhìn thấy bất cứ điều gì trong Tiếng nói này nhưng không ai đưa ra cho họ các chi tiết. Không ai có thể cho mọi người thấy rằng nó sẽ giải quyết vấn đề thế nào. Nó không phải là một cây đũa thần."
Mặc dù kết quả này là một kết quả đáng thất vọng đối với những người ủng hộ Yes, nhưng nhiều cử tri như cư dân Darwin này lại vui vẻ khi cuộc trưng cầu dân ý đi qua.
"Tôi rất vui vì mọi chuyện đã kết thúc và chúng tôi đã thực hiện những gì mình nghĩ mà không bị người khác thuyết phục. Và bây giờ mọi chuyện đã kết thúc và tôi hy vọng rằng mọi người sẽ hòa thuận với nhau."
Và Thủ tướng Anthony Albanese kêu gọi đoàn kết.
Ông nói rằng ông không hối tiếc về cuộc trưng cầu dân ý và có nhiệm vụ thúc đẩy các mục tiêu và lợi ích của người Úc Bản địa.
"Họ không phải là cử tri Yes hay No. Chúng ta đều là người Úc. Có những người đã tham gia đã đứng trên sân khấu này cùng với tôi và diễu hành, những người đã dành cả cuộc đời cho việc này. Cả cuộc đời đấu tranh chỉ để được công nhận trong Hiến pháp ở đất nước chúng ta. Tôi có nghĩa vụ phải thực hiện."
Trước đây lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton nói về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai để bảo đảm sự công nhận hiến pháp đối với người Úc Bản địa, tuy nhiên này ông dường như đã lùi bước trước viễn cảnh đó, khi nói với chương trình Nine's Today vào tháng trước [[15 tháng 9]] rằng không ai muốn một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai.
Vì vậy, sự thất bại của cuộc trưng cầu dân ý này khiến con đường hướng tới việc công nhận hiến pháp trở nên không rõ ràng.
Cập nhật thông tin về phản ứng đối với kết quả trưng cầu dân ý về Tiếng nói bản địa trước Quốc hội năm 2023 từ khắp Mạng lưới SBS, bao gồm cả quan điểm của các Quốc gia Bản địa thông qua NITV. Truy cập SBS SBS Voice Referendum portal để đọc các bài viết, video và podcast bằng hơn 60 ngôn ngữ hoặc tin tức và phân tích truyền trực tuyến, tài liệu và giải trí mới nhất miễn phí tại Voice Referendum hub on SBS On Demand.