Những bất công trong hệ thống đối với một số bệnh nhân ung thư

Woman in hospital corridor

Đối với một số bệnh nhân ung thư, họ đang phải chiến đấu với không chỉ căn bệnh, mà còn là sự phân biệt đối xử Source: Getty / BSIP/UIG/Getty Images/Collection Mix: Sub

Đối với nhiều người ở Úc, nỗi lo sợ một ngày nào đó bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư là điều khiến họ kinh hãi. Nhưng điều làm họ còn sợ hãi hơn khi họ bị tách rời khỏi việc điều trị hữu hiệu kịp thời do rào cản ngôn ngữ hay địa lý và thậm chí giới tính. Một chiến dịch mới của Tổ chức Bệnh Bạch cầu mong muốn xóa bỏ khoảng cách này.


Thử hình dung vào thời điểm thử thách nhất trong cuộc đời - chẩn đoán mắc bệnh ung thư, thế nhưng cơ hội sống sót của bạn có thể không phải do căn bệnh mà do hoàn cảnh xuất thân của bạn hoặc nơi bạn sống.

Đó là điều đã xảy ra với Lynette Liddle.

Cô đang làm việc tại một cơ sở nghiên cứu y tế ở Alice Springs thì bị bệnh - và lúc đầu, cô được chẩn đoán là bị viêm loét dạ dày tá tràng.

Nhưng khi đến điều trị tại một bệnh viện khác ở Adelaide thì cô được cho biết là cô cũng bị ung thư máu.

"Tôi đi thẳng vào phòng phẫu thuật và khi tỉnh dậy thì được biết là tôi bị ung thư hạch và họ cũng đã thực hiện phẫu thuật cắt lách, cắt bỏ một một phần tuyến tụy và một phần dạ dày của tôi."

Mẹ cô cũng được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư tương tự nhưng quá trễ để cứu sống bà.

Mặc dù Lynette may mắn sống sót nhưng một trong những phần khó khăn nhất trong quá trình chẩn đoán của cô là bị tách khỏi gia đình và bạn bè vì cần phải ở gần bộ phận hỗ trợ y tế ở Adelaide.

Thêm vào đó là cô không thể làm việc, kéo theo khó khăn tài chính cùng với những tổn thương tinh thần.

"Tôi không có người thân đến thăm, tôi không thể có bạn bè vì là một Thổ dân. Tôi đã làm việc trong bệnh viện, tôi đã nghiên cứu các thử nghiệm lâm sàng, tôi có bằng tiến sĩ, vì vậy tôi biết mọi thứ diễn ra như thế nào. Nhưng phần lớn những điều mà tôi phải đối mặt là các vấn đề xã hội. Các bác sĩ luôn nói với tôi, chúng ta có thể giải quyết vấn đề y tế, nhưng bạn phải đối mặt với những tổn hại về mặt tâm lý đối với sức khỏe của mình. Mà như chúng ta biết, tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bạn, cộng thêm với sự hỗ trợ mà các bác sĩ và y tá đang chạy vắt giò lên cổ để có thể cáng đáng công việc."

Bill Stavreski là Trưởng phòng Nghiên cứu của Quỹ Bệnh bạch cầu Leukaemia Foundation nói trải nghiệm của Lynette khá phổ biến.

Tổ chức Bệnh bạch cầu đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy cứ 10 người Úc thì có 7 người lo ngại rằng các yếu tố như nơi họ sống, tuổi tác, giới tính, khuynh hướng tình dục, thu nhập hoặc thậm chí ngôn ngữ nói ở nhà có thể ảnh hưởng đến việc điều trị mà họ nhận được nếu chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

"Năm nay, gần 20.000 người Úc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Và chúng tôi cũng biết là có khoảng 6.000 người Úc sẽ chết vì ung thư máu. Nhu cầu chẩn đoán chính xác và nhanh chóng là rất quan trọng."

Ít nhất một số nỗi sợ hãi đó dường như có cơ sở.

Nghiên cứu của Quỹ Bệnh bạch cầu kết luận rằng những người sống trong khu vực, các dân tộc Bản địa, cộng đồng di cư hay giới tính thứ ba LGBTQIA+ nằm trong số những người có thể gặp phải những rào cản đáng kể trong việc chẩn đoán ung thư kịp thời - hoặc nhận được phương pháp điều trị và chăm sóc hỗ trợ tốt nhất hiện có.

“Có một khoảng cách lớn đang ảnh hưởng đến nhiều cộng đồng khác nhau. Và lý do cho điều này có thể là ngôn ngữ và có thông tin phù hợp về mặt văn hóa, do không hiểu hay do khả năng nắm bắt thông tin, mà cũng có thể là do không tiếp cận được với nguồn thông tin phù hợp. Vì vậy, đối với những người Úc mà ngôn ngữ ở nhà không phải là tiếng Anh thì việc có thông tin bằng ngôn ngữ đầu tiên của họ, khả năng xoay xở tìm tòi, nắm bắt được các dịch vụ điều trị ung thư là những trở ngại thường thấy trong việc có thể tiếp cận hỗ trợ, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng. Vì vậy, đối với tất cả các cộng đồng, việc không quen thuộc với hệ thống y tế là một trở ngại đáng kể trong việc tiếp nhận điều trị và chẩn đoán chính xác."

Nhưng sự phân biệt đối xử cũng là một yếu tố.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế Ged Kearney [[KAR-nee]] nói với podcast 'Hysterical' của đài SBS vào đầu năm nay rằng có sự phân biệt giới tính phổ biến đối với phụ nữ trong hệ thống y tế.

"Đơn giản là họ không được tin tưởng. Họ bị gán cho đủ thứ khủng khiếp nếu họ đến bệnh viện trong đau đớn mà bác sĩ không chẩn đoán nguyên nhân, rằng có thể họ đang làm trò để được cấp toa mua thuốc giảm đau hạng nặng, hoặc họ - sử dụng một thuật ngữ khủng khiếp - quái gở, hoặc họ làm quá lố, trong khi thực tế là người bệnh đang có những tình trạng nghiêm trọng xảy ra."

Người Úc Bản địa cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử.

Gần một nửa (49,7%) đã trải qua sự phân biệt đáng kể trong năm 2019, một con số đã tăng gấp đôi trong những năm trở lại đây - nhưng nhìn chung, dân số Thổ dân và Đảo Torres Strait có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn và tỷ lệ sống sót kém hơn.

Lynette Liddle cho biết kinh nghiệm của cô là hệ thống y tế chưa được chuẩn bị đầy đủ cho bệnh nhân của các Quốc gia Bản địa.

"Bây giờ tôi có thể hiểu rất rõ tại sao mọi người chỉ muốn bỏ cuộc và nói rằng, tôi chỉ muốn về nhà và chết vì quá trình điều trị kéo dài. Thật khó. Bạn phải kiên trì.... Nhưng là một Thổ dân tôi phải tính đến yếu tố tuổi thọ thấp hơn và không có nhiều bác sĩ được đào tạo để điều trị cho các bệnh nhân Thổ dân ở vùng sâu vùng xa hoặc nông thôn."

Bill Stavreski cho rằng những xu hướng này rất đáng lo ngại.

Quỹ Bệnh bạch cầu hiện đã phát động một chiến dịch mới với hy vọng sẽ giải quyết được những bất bình đẳng này.

Bill nói rằng họ muốn thấy các nguồn lực và chương trình nghiên cứu mới tập trung vào những nhóm dân số ưu tiên này để bất kỳ ai đều có cơ hội chẩn đoán chăm sóc và điều trị ung như như nhau bât kể họ là ai và đến từ đâu.

"Chiến dịch Fair Go của Tổ chức Bệnh bạch cầu tập trung giải quyết các vấn đề này ngay từ đầu song song với việc cung cấp thông tin, hỗ trợ và chăm sóc để bảo đảm rằng tất cả người Úc đều có thông tin cần thiết giúp họ đối mặt với bệnh ung thư máu. Chiến dịch Fair Go cũng sẽ cung cấp thông tin dành cho các chuyên gia y tế để có thể hỗ trợ và hỗ trợ các bệnh nhân và gia đình trong việc điều trị ung thư máu."

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay  


Share