Marta 44 tuổi là một nữ doanh nhân thành đạt, từ Iran nhập cư Úc, làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực quản lý vận hành. Tuần này, cô đang bận rộn chăm sóc cây trồng tại một khu vườn cộng đồng để tưởng nhớ những người biểu tình thiệt mạng ở quê hương Iran của cô.
“Vì vậy chúng tôi chọn một số cây nhất định, đó là ô liu và lựu. Tất cả đều là những biểu tượng nhất định trong văn hóa Ba Tư. Điều này nhằm gửi một thông điệp hy vọng rất mạnh mẽ đến cộng đồng để mọi người cùng nâng cao nhận thức.”
Marta đã xây dựng cuộc sống mới ở Úc và đang theo học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Sydney. Đó là bằng cấp thứ ba của cô.
Cô có thể là một chuyên gia có trình độ học vấn cao, nhưng ký ức về thời gian bị cảnh sát đạo đức giam giữ ở Tehran vẫn luôn ám ảnh tâm trí cô.
“Tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu về nỗi lo lắng, sợ hãi khủng khiếp của mình mỗi khi nghĩ đến chuyện đó.”
Lúc còn là sinh viên ngành kỹ thuật tại trường đại học, Marta bị bắt trong khi đang đi dạo phố cùng với chồng sắp cưới của cô.
“Hồi đó, chúng tôi khoảng 19, 20 tuổi. Chúng tôi vừa hẹn hò với nhau, chúng tôi cùng nhau bước ra khỏi trường đại học để về nhà thì cảnh sát đạo đức ập đến. Một trong những chiếc xe tải lớn đáng sợ đó đã ập đến và họ thực sự đã giam giữ chúng tôi bởi vì chúng tôi ở cùng nhau.”
Một phụ nữ người Kurd tên là Mahsa Amini cũng bị cảnh sát đạo đức Iran giam giữ. Cô bị buộc tội không đội khăn trùm đầu đúng cách.
Mahsa Amini đã chết trong khi bị giam giữ vào tháng 9 năm ngoái. Điều này làm dấy lên một làn sóng lớn phản đối chính phủ.
Chính quyền Iran ban đầu nói rằng người phụ nữ 22 tuổi bị nhồi máu cơ tim.
Nhưng các nhân chứng cho biết cô đã bị đánh đập dã man.
Nhân viên điều tra của Iran sau đó nói rằng cái chết của cô có liên quan đến một tình trạng bệnh lý đã có từ trước.
Đối với Marta, ngày giỗ của Amini gợi lại những ký ức đau thương của chính cô.
“Đó là điều rất đáng sợ. Họ đưa chúng tôi đến trại tạm giam, cả tôi và chồng sắp cưới của tôi. Họ giam chúng tôi ở đó đến tận khuya và dùng rất nhiều lời đe dọa lăng mạ chúng tôi. Họ nói với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ đi ra tòa, nói với chúng tôi rằng nếu chúng tôi bị kết án thì chúng tôi sẽ mất quyền học đại học, mất cả sự nghiệp tương lai, chúng tôi sẽ không thể đi du lịch bởi vì rõ ràng đây sẽ là một một án tích bất lợi cho chúng tôi vì chúng tôi đã làm điều gì đó thực sự, thực sự sai lầm.”
Và tội danh của chàng trai 19 tuổi bị giam giữ tại một trại tạm giam ở Tehran và bị thẩm vấn là gì?
“Nắm tay, cười và nói đùa. Họ quy tội điều đó. Và sau đó họ quy chụp một số tội bổ sung, như một vài chiếc cúc trên áo khoác ngoài của tôi đã mở, và đó là điều hoàn toàn không đúng sự thật. Vô cùng căng thẳng và khó tin rằng bạn sẽ bị bắt vì thực sự có một mối quan hệ rất bình thường với một người đàn ông khác không phải là họ hàng của bạn.”
Marta cuối cùng đã được trả tự do mà không có tiền án tiền sự và cùng chồng di cư đến Úc vào năm 2010.
Học giả và tác giả người Úc gốc Anh Kylie Moore-Gilbert cũng bị giam tại nhà tù Evin ở Tehran – trong 804 ngày – với cáo buộc là gián điệp nước ngoài.
Bà Moore-Gilbert, người được trả tự do vào năm 2020, đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện ở Iran.
“Chúng tôi đã chứng kiến nhiều người biểu tình, những thanh niên, thậm chí có người vẫn còn là thanh thiếu niên, bị hành quyết hoặc bị kết án tử hình và có nguy cơ sắp bị hành quyết chỉ vì họ biểu tình trên đường phố. Và điều này đã xảy ra ở nhiều thành phố trên khắp Iran. Hiện tại có rất nhiều người đang bị tử hình mà các nhà hoạt động thực sự lo lắng. Họ có thể bị xử tử bất cứ lúc nào, và có lo ngại rằng trước lễ kỷ niệm một năm ngày mất của Masa Amini, chế độ Iran có thể xử tử nhiều người biểu tình hơn vì muốn cảnh báo để mọi người không biểu tình vào ngày kỷ niệm đó.”
Trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Iran, các video trên mạng xã hội cho thấy một số phụ nữ cắt tóc hoặc đốt khăn trùm đầu trên đường phố.
Các nhà chức trách đang đề xuất các hình phạt cứng rắn hơn đối với những người vi phạm luật bắt buộc che mặt, bao gồm các án tù dài hạn, đánh bằng roi và cấm đi lại.
Cảnh sát Iran đã gửi cho phụ nữ hơn một triệu văn bản cảnh báo phải “đeo khăn trùm đầu khi ngồi trong xe hơi, nếu không thì sẽ bị giam xe”.
Bà Moore-Gilbert nói rằng tình hình thật đáng lo ngại:
“Những luật mới hà khắc này khá đáng sợ đối với phụ nữ. Camera CCTV được lắp ở khắp nơi. Họ cũng đang sử dụng tin nhắn để quấy rối phụ nữ. Kiểu kết hợp giữa chính sách truyền thống và công nghệ để áp đặt các vấn đề đạo đức là khá đáng sợ. Điều đó thực sự đã đạt đến mức độ phân biệt đối xử nặng nề trong mọi trải nghiệm của phụ nữ khi sống ở Iran, và chúng ta cần gọi nó là phân biệt chủng tộc về giới tính.”
Theo tổ chức nhân đạo độc lập Human Rights Watch, trong tháng 9 này, chính quyền Iran đang tích cực đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Giám đốc của tổ chức là bà Daniela Gavshon giải thích:
“Chính quyền Iran mà chúng ta đang thấy đang thực sự tăng cường đàn áp. Vì vậy, trong vài tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến hơn mười nhà hoạt động bị bắt giữ. Và họ đàn áp những người bất đồng chính kiến, trong đó có cả luật sư. Những vụ bắt giữ tùy tiện này nhằm mục đích trấn áp sự bất mãn đang nổi lên, trong khi vi phạm nhân quyền đang diễn ra. Ví dụ như chúng ta đã thấy vào tuần trước, luật sư của gia đình Amini đã được triệu tập tới tòa.”
Marta có đại gia đình đang sống ở Iran và cô cũng lo ngại cho sự an toàn của họ. Một người họ hàng thân thiết của cô đã sống lưu vong 10 năm, hiện đang làm nhà báo và nhà hoạt động ở Tehran:
“Cô ấy thường xuyên bị quấy rối và lo sợ về những gì mà cô ấy làm. Cô ấy không ngừng tranh đấu, nhưng cô ấy vẫn đang bị bức hại.”
Đó là một lý do khiến Marta dành những ngày cuối tuần để trồng cây nhằm tưởng nhớ những người biểu tình ở quê hương đã thiệt mạng.
Tình nguyện viên Behzad Vafa giải thích:
“Đó là một hành động để nói rằng chúng ta không quên những người đã thiệt mạng. Đây không chỉ là sáng kiến của địa phương mà là của toàn thế giới. Tôi tin rằng rất nhiều người Iran trên khắp thế giới, bao gồm nhiều nơi ở Úc, Canberra, Brisbane, Vịnh Byron, Perth, cũng đang có sáng kiến tương tự, để tưởng nhớ những hy sinh và những người đã thiệt mạng trong cuộc đấu tranh vì một xã hội công bằng hơn.”
Tình nguyện viên Amir đang tưới nước cho những cái cây mới trồng. Ông cho biết nhiều người di cư từ Iran sẽ biểu tình vào ngày 16 tháng 9, ngày giỗ của Mahsa Amini.
Nhưng ông cũng nói rằng những người sống ở Iran sẽ thận trọng hơn:
“Rất khó để làm bất cứ điều gì. Ngay cả khi bạn tập hợp thành nhóm ba hoặc bốn người, họ vẫn sẽ bắt bạn. Đó là cảnh tượng của một cuộc chiến tranh trên một số đường phố ở Tehran. Và mọi người đã biết điều đó. Người dân ở đó rất thông minh - họ đang tìm cách khác để thể hiện sự tức giận của mình.”
Marta rất biết ơn vì cô được tự do bày tỏ quan điểm của mình ở Úc. Cô tự hào vì có thể hỗ trợ những người kêu gọi thay đổi.
“Chúng tôi có thêm động lực từ họ và chúng tôi biết điều đó sẽ mang lại kết quả. Nỗ lực sẽ phát triển từng ngày và chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được mục tiêu của mình.”