Kể từ ngày 7 tháng 10, gia đình Zuhair đã mắc kẹt trong cuộc chiến tại Gaza.
Tren đống đổ nát tàn tích của ngôi nhà bị phá hủy của họ, ba đứa cháu gái của Zuhair và một đứa bé ba tháng tuổi trú ẩn.
"Mỗi sáng, chúng thức dậy và nhìn về vết máu nơi mẹ chúng - Lubna, chị gái tôi - bị chết. Khi tôi nói chuyện với các cháu thì chúng rất là khủng hoảng."
Khu nhà ở tạm bợ này khác xa với trang trại bình dị của Zuhair ở Úc, nơi anh đã sống trong tám năm qua.
Cừu, lạc đà không bướu và cây anh đào rải rác trên khuôn viên của khu đất, nằm ở Young, một thị trấn ở sườn núi phía tây nam của New South Wales.
Sau khi ngôi nhà của gia đình ông ở Gaza bị phá hủy vào tháng 11, Zuhair đã gửi video về khu đất rộng lớn của mình cho gia đình người thân của ông đang trú ẩn trong một ngôi trường chật chội ở Thành phố Gaza xem.
Ông nói với họ rằng đây có thể là ngôi nhà mới của họ.
"Họ mong muốn được ở đây. Họ hy vọng được ở đây và trải nghiệm lối sống nông thôn; dành thời gian cho gia đình và các con tôi, họ chỉ mong thoát khỏi vùng chiến sự đó."
Zuhair lần đầu tiên đến Úc vào năm 1995 để học tập.
Người đàn ông 48 tuổi này có hơn một chục bằng đại học, cũng như giấy phép phi công.
Ông làm nhân viên sức khỏe tâm thần tại bệnh viện địa phương và tại trang trại của mình, sống một cuộc sống tự lập với vợ và bốn đứa con.
Nhưng ông bị ám ảnh bởi tin tức từ Gaza.
Vào tháng 11, chị gái Lubna, chồng, hai con trai và con rể của bà đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào nhà của họ ở Thành phố Gaza.
"Thảm nhất là phải mất bốn ngày để có thể đưa thi thể của chị ấy từ dưới đống đổ nát lên vì tôi thấy chị ấy cần được chôn cất tử tế. Mười lăm ngày sau, mộ của chị ấy đã bị xe ủi đất và quân đội Israel cày lên khi họ đi vào một trong những ngôi mộ. Vì vậy, thi thể của chị ấy lộ ra và họ phải chôn cất chị ấy một lần nữa."
Ba người cháu gái của Zuhair — 25, 21 và 18 tuổi — đã sống sót sau cuộc không kích.
Một trong số họ đang mang thai vào thời điểm đó và cách đây ba tháng đã sinh em bé sinh đặt tên Lubna, theo tên bà ngoại của bé tức chị gái Zuhair.
Các cháu gái của ông nằm trong số hơn 30 thành viên gia đình mà Zuhair đã cố gắng xin thị thực du lịch Úc kể từ khi họ phải di tản vào tháng 11 do cuộc chiến diễn ra.
Mọi đơn xin đều không thành công.
Kể từ ngày 7 tháng 10, Úc đã cấp thị thực cho gần 3.000 công dân Palestine — hầu hết là thị thực loại 600 hoặc thị thực du lịch.
Số đơn xin bị từ chối nhiều hơn gấp đôi (7.111).
Khoảng 1.300 người Palestine có thị thực được chấp thuận đã đến Úc.
Trong cùng thời gian, 8.746 thị thực đã được cấp cho công dân Israel chạy trốn khỏi khu vực này và 235 thị thực đã bị từ chối.
Phản ứng nhân đạo của Úc đối với cuộc xung đột đã trở thành chủ đề tranh luận chính trị trong tuần này, sau những bình luận của Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton rằng những người Palestine chạy trốn khỏi Gaza không nên được cấp thị thực.
Những phát biểu này đã đặt ra câu hỏi về việc liệu lệnh cấm hoàn toàn có cấu thành sự phân biệt đối xử hay không và bình luận của Peter Dutton đã bị Đảng Lao động, Đảng Xanh, một số nghị sĩ độc lập và các nhóm ủng hộ Palestine lên án rộng rãi.
Trong số những người chỉ trích có Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare, người có khu vực bầu cử Blaxland ở phía tây nam Sydney có đông đảo người Ả Rập và Hồi giáo.
Ông đã gửi lời mời Lãnh đạo phe đối lập đến gặp những người tị nạn Gaza trong khu vực bầu cử của mình.
"Đây là những người đã bị đánh bom nhà cửa, trường học, bệnh viện, trong một số trường hợp là con cái của họ bị đánh bom. Hãy đến thăm họ, nhìn vào mắt họ và tôi nghĩ ông ta sẽ học được một chút."
Nhưng việc phê duyệt thị thực không phải là trở ngại duy nhất mà những người cố gắng chạy trốn khỏi Gaza phải đối mặt.
Trong ba tháng, hầu như không ai có thể rời khỏi vùng lãnh thổ bị bao vây, ngay cả khi có thị thực nước ngoài được chấp thuận.
Đó là bởi vì, vào ngày 6 tháng 5, Israel đã phát động cuộc tấn công trên bộ ở phía nam dải đất này, đóng cửa Cửa khẩu Rafah.
Nó vẫn đóng cửa như vậy kể từ đó.
SBS News đã được thông báo rằng vẫn còn một số người Úc đang bị mắc kẹt ở đó, mặc dù đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ.
Bộ Ngoại giao và Thương mại ((DFAT)) cho biết trong một tuyên bố:
“Cửa khẩu biên giới Rafah do chính quyền Ai Cập và Israel kiểm soát, không phải Chính phủ Úc. Bộ Ngoại giao và Thương mại DFAT tiếp tục làm mọi cách có thể để hỗ trợ người Úc và các thành viên gia đình trực hệ của họ - bao gồm cả cha mẹ vẫn ở Gaza muốn rời đi nhưng không đi được. Trong suốt cuộc xung đột, họ đã áp đặt các hạn chế chặt chẽ đối với những người có thể đi qua biên giới và hiện tại nó đã đóng cửa. Trong khi chúng tôi đang làm mọi cách có thể, Chính phủ Úc phải tuân thủ hệ thống này, giống như các quốc gia khác có công dân ở Gaza."
Bốn tháng sau khi chị gái Zuhair mất, anh trai Mahmoud của ông cũng chết.
Ông Mahmoud bị bắn vào ngực và bụng khi đang đứng trên ban công nhà mình.
Các con của Mahmoud nghe thấy tiếng hét và kéo ông vào nơi trú ẩn.
Ông đã chảy máu trong 16 giờ.
"Anh ấy là người tư vấn, là nguồn yêu thương của tôi, là tất cả đối với tôi. Cho đến giờ tôi vẫn không thể tin rằng anh ấy đã ra đi. Anh ấy là một người anh trai cùng lớn lên với tôi, chúng tôi có nhiều kỷ niệm và anh ấy không làm gì sai cả."
Mặc dù đã cố gắng hết sức, Zuhair El Henday vẫn không thể xin được thị thực du lịch Úc cho gia đình còn lại của ông ở Gaza.
Người đàn ông Úc gốc Palestine này tự hào đã trở thành công dân Úc vào năm 2003, cho biết chính phủ đã làm ông thất vọng.
"Tôi đã chứng minh rằng mình là một công dân thực thụ và tôi đóng góp cho đất nước này, đóng góp cho cộng đồng. Vậy tại sao tôi lại không có quyền đưa gia đình mình đến đây để họ được an toàn?"
Trong một tuyên bố với SBS News, Bộ Ngoại giao và Thương mại - Department of Foreign Affairs and Trade DFAT cho biết "chính phủ thừa nhận rằng đây là thời điểm vô cùng đau buồn đối với những người có bạn bè và gia đình ở Gaza".
Người Phát ngôn của Bộ Nội vụ (Department of Home Affairs) cho biết việc cấp thị thực là một phần trong "nỗ lực của toàn chính phủ nhằm quản lý và giám sát tác động của cuộc xung đột Hamas-Israel".
Trong khi một số đơn xin thị thực không thành công liên quan đến rủi ro an ninh, các chuyên gia cho biết hầu hết đều bị từ chối vì người nộp đơn không phải là khách du lịch thực sự.
Những người ủng hộ nhân đạo đang kêu gọi thay đổi lộ trình cấp thị thực.
Luật sư giám sát cấp cao của Dịch vụ Tư vấn và Hỗ trợ Tị nạn (Refugee Advice & Casework Service - RACS) Ahmad Sawan cho biết thị thực loại 600 không được "xây dựng có mục đích" cho những người chạy trốn khỏi vùng chiến sự.
"Thị thực du lịch có một thành phần kèm theo, trong đó bạn cần đáp ứng các tiêu chí để được cấp thị thực nhập cảnh tạm thời, đối với nhiều người đang chạy trốn khỏi tình huống như hiện nay thì điều này không thực tế. Các thành viên trong cùng một đơn vị gia đình - một nửa sẽ được cấp và sẽ đến Úc, sau đó, đột nhiên, cùng một đơn vị gia đình đã nộp đơn với lý do tương tự đã bị từ chối vì không đáp ứng được yêu cầu đó."
Vì không có con đường rõ ràng để tái định cư cho gia đình, Zuhair vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Ông vừa nhẹ nhõm vừa sợ hãi khi nhận được tin nhắn văn bản và cuộc gọi từ những người thân yêu của mình ở Gaza: nhẹ nhõm vì họ vẫn còn sống, nhưng đồng thời cũng lo sợ cho không biết có nhận thêm tin chết chóc nào nữa hay không.
"Sau đó, chúng tôi chỉ nói lời tạm biệt. Chúng tôi không biết khi nào chúng tôi sẽ nói chuyện lại, vì vậy thật khó khăn."