Không có thêm phong toả, nhưng tại sao siêu thị vẫn không có đủ hàng hoá?

Empty shelves at a supermarket in Sydney

Empty shelves at a supermarket in Sydney Source: AAP

Các nghiệp đoàn của Úc hôm thứ Hai 17/1 đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bàn về những vấn đề đang xảy ra trong chuỗi cung ứng trong tình hình sự bùng phát biến chủng Omicron đã khiến hàng ngàn nhân viên phải cách ly và hậu quả của nó đã ngay lập tức tác động trực tiếp đến từng gia đình.


Nếu quý vị có đi siêu thị gần đây, chắc quý vị cũng có thể nhận thấy rằng nhiều kệ hàng đang trống rỗng và thay vào đó là những bảng hiệu thông báo giới hạn số lượng được mua những sản phẩm thiết yếu.

Theo lời giải thích của tiến sỹ David Leaney đến từ Đại học Quốc gia Úc, thì nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do sự bùng phát của biến chủng Omicron đã gây nên tình trạng thiếu hụt lao động, từ đó gây ra áp lực lên chuỗi cung ứng trên toàn quốc.

“Tại thời điểm nay, vấn đề hoàn toàn nằm ở sự thiếu hụt nhân lực. Tất nhiên tình hình này chỉ xảy ra trong ngắn hạn, nhưng chúng ta có thể thấy sự thiếu hụt đáng kể khi một chuỗi bán lẻ hoặc một cửa hàng bỗng mất đi một phần ba nhân viên. Điều đó không gây ảnh hưởng lên toàn bộ chuỗi cung ứng của các cửa hàng, nhưng đối với một cửa hàng đơn lẻ, thì khi thiếu hụt nhân viên làm việc, họ sẽ không thể đưa hàng hoá ra quầy kệ được.”

Để giải quyết tình trạng này, những yêu cầu cách ly đã được thay đổi đối với người làm việc trong lĩnh vực thiết yếu, bao gồm lĩnh vực vận tải, chuyên chở và hậu cần, trạm xăng, năng lượng, tài nguyên, nước, xử lý nước thải, giáo dục, giữ trẻ và truyền thông.

Những người tiếp xúc gần vẫn có thể tiếp tục làm việc nếu họ không có triệu chứng bị coronavirus, và nếu họ có kết quả âm tính từ xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Những yêu cầu về visa cũng đã được nới lỏng đối với sinh viên quốc tế, cho phép sinh viên quốc tế được làm việc hơn 20 tiếng mỗi tuần.

Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg nói rằng những điều chỉnh này là điều cần thiết để giảm thiểu tối đa những tác động lên nền kinh tế.

“Việc phân tích từ Ngân khố đã cho thấy khi chúng ta bước vào giai đoạn đỉnh điểm bùng phát Omicron, khi đó có khả năng sẽ có 10% lực lượng lao động cả nước vắng mặt cùng lúc.”

Những doanh nghiệp như siêu thị Coles thì đã sớm có điều chỉnh trước đó.

Ông Kevin Gunn, giám đốc điều hành mảng hoạt động trung tâm của Coles, cho biết,

“Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều thay đổi: chúng tôi cho phép nhân viên làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhiều nhân viên trong bộ phận chúng tôi được phép làm thêm giờ tại các cửa hàng và tại các cơ sở phân phối, và chúng tôi cũng đã bắt đầu tổ chức những nhóm làm việc mới.”

Bên cạnh đó, chìa khoá mấu chốt cho kế hoạch này là sử dụng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh, RAT, nhưng hiện cũng đang bị thiếu hụt nguồn cung.

Theo thông tin của chính phủ, 100 triệu bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ có mặt trong vòng 2 tuần tới, và đang có thêm 80 triệu bộ xét nghiệm đã được đặt mua.

Thế nhưng phát ngôn nhân Ngân khố của Lao động, Jim Chalmers nói rằng điều này không thể giải quyết được vấn để gốc rễ.

“Nếu nhìn vào thông cáo từ nội các quốc gia, vấn đề ở đây là chỉ có một phần nhỏ dân số có thể mua được bộ xét nghiệm, trong khi hiện tại phần lớn không thể tìm ra được hoặc không thể mua nổi.”

Những người có thẻ ưu tiên có thể đủ điều kiện để nhận 10 bộ xét nghiệm miễn phí.

Nhưng các nghiệp đoàn thì muốn tất cả mọi người đều phải được nhận bộ xét nghiệm miễn phí.

Thư ký của Nghiệp đoàn Hội đồng Thương mại Úc (ACTU), Sally McManus, đang đe doạ sẽ kiện nếu các nhân viên bị buộc phải làm việc trong lúc đang bị nhiễm virus.

“Điều đầu tiên trong danh sách cần làm là phải cung cấp bộ xét nghiệm kháng nguyên RAT miễn phí cho tất cả mọi người, đây là công cụ tiên quyết để người lao động và mọi người trong cộng đồng cần có nhằm giữ cho bản thân và những người xung quanh được an toàn và giảm sự lây lan.”

Nhưng ngay cả khi việc mua các bộ xét nghiệm kháng nguyên được đẩy nhanh tiến độ, thì sự thiếu hụt vẫn có thể kéo dài trong nhiều tuần sắp tới.


Share