Tuần lễ Hòa giải Quốc gia là gì?
Từ ngày 27/5 đến ngày 3/6, Tuần lễ Hòa giải Quốc gia kỷ niệm Cuộc trưng cầu dân ý năm 1967 và phán quyết Mabo của Tối cao pháp viện.
Chủ đề của năm nay là Hơn cả vạn lời nói. Sự hòa giải phải thể hiện bằng hành động.
Năm nay cũng đánh dấu 20 năm ra đời ủy hội Hòa giải Úc, một cơ quan quốc gia về vấn đề hòa giải.
Bà Karen Mundine là một phụ nữ người Bundjalung đến từ miền Bắc NSW - bà là Giám đốc điều hành của Ủy hội Hòa giải Úc.
"Hòa giải, đó là cuộc hành trình của mọi người dân Úc, là cách bạn suy nghĩ về mối quan hệ với Những người Úc đầu tiên, người Thổ dân và cư dân trên các đảo thuộc eo biển Torres, tất cả những người Úc ai cũng tham gia vào hành trình này, cho dù bạn là người mới đến hay bạn đã ở đây rất lâu."
Sự hòa giải là một trải nghiệm tích cực và có nhiều cách đơn giản để tham gia vào Tuần lễ Hòa giải Quốc gia.
"Khi nói đến Tuần lễ Hòa giải Quốc gia, thì đây chính là cơ hội cho tất cả chúng ta cùng dành một khoảnh khắc để nghĩ về những mối quan hệ, tạo điểm nhấn cho mối quan hệ đó, bằng cách mở ra những cuộc đối thoại mới cũng như khuyến khích tất cả cộng đồng tham gia vào sự kiện hoặc các hoạt động hòa giải."
Di dân và Hòa giải
Ông Mohammad Al-Khafaji, CEO Hội đồng Cộng đồng Sắc tộc Liên bang FECCA, thúc giục di dân hãy tham gia vào quá trình hòa giải.
"Chúng ta sẽ có tiếng nói mạnh mẽ nếu chúng ta góp chung giọng nói với những người Úc đầu tiên. Chúng ta biết rằng họ luôn chào đón chúng ta định cư tại đây. Nhiệm vụ và nghĩa vụ của chúng ta là phải hiểu biết về lịch sử, về những gì cộng đồng đó đã trải qua, bởi vì chúng ta đều cùng có chung trải nghiệm và đều khát khao thay đổi.
Chúng ta đều chứng kiến sự kỳ thị, chúng ta đều từng đối mặt với sự bất công, tôi đoán vậy, và chúng ta đều muốn được quyền tiếp cận bình đẳng tại đất nước này.
Tuy nhiên, bà Karen Mundine nói có thể có những nguyên nhân khiến nhiều di dân còn thờ ơ với quá trình hòa giải này. Nhưng bà khuyến khích họ tham gia vào Tuần lễ Hòa giải Quốc gia trong năm nay.
"Có lẽ một trong những rào cản lớn nhất là chúng ta không biết bắt đầu từ đâu, cũng như cảm thấy hơi e ngại, hoặc cảm thấy họ quá khác biệt. Thật ra chúng ta có rất nhiều điểm chung và có nhiều cách để chúng ta trân trọng nền văn hóa của nhau và xiển dương cho sự đa dạng của đất nước, tôi nghĩ điều này sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn lên."
Giám đốc điều hành FECCA Mohammad Al-Khafaji đồng ý rằng nhiều người có thể không biết phải nói gì hoặc không biết họ có tham gia đúng chỗ hay không. Những người chưa học qua trường lớp tại Úc có thể gặp phải những rào cản thêm nữa.
"Tôi nghĩ vấn đề ở đây là nhiều người không hiểu hòa giải nghĩa là gì hoặc quá trình hòa giải này đang cố gắng đạt được điều gì. Nó càng khó khăn hơn cho các cộng đồng di dân, với tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ.
"Tôi nghĩ chúng ta cần tự mình tìm hiểu vấn đề và bảo đảm rằng chúng ta có một mối quan hệ khắng khít với Những người Úc đầu tiên, bởi vì nếu không thực hiện điều này, thì chúng ta chưa thể thật sự tự hào rằng mình là một công dân Úc."
Hướng dẫn Khuyến khích Sự tham gia quá trình Hòa giải Quốc gia
Nhận ra những rào cản với di dân, FECCA đã thúc đẩy nhằm thực hiện một bản hướng dẫn cho người di dân mang tên Khuyến khích Sự tham gia quá trình Hòa giải Quốc gia 2020.
"Tài liệu này đã cố gắng đưa ra những cách thức mà các cộng đồng di dân có thể tham gia cùng với Những người Úc đầu tiên trong Tuần lễ Hòa giải Quốc gia. Vì vậy, đây là điểm khởi đầu nhằm mở ra cuộc trò chuyện, mở ra một cánh cửa và thực sự cho phép mọi người bắt đầu cuộc trò chuyện đó.
"Mọi người đều có trách nhiệm tham gia và không có cách làm nào đúng và sai, mà điều quan trọng nhất là đạt được mục đích - cố gắng tham gia một cách thiện chí, cố gắng tìm hiểu về nền văn hóa và lịch sử của nhau cũng như những gì người di dân cần làm để giúp nâng cao tiếng nói của Những người Úc đầu tiên."
Bản Hướng dẫn tham gia hòa giải của FECCA nêu bật một ví dụ mạnh mẽ đó là dịch vụ hỗ trợ người cao niên Diversitat tại vùng Geelong, Victoria.
Tổng giám đốc dịch vụ Diversitat, bà Robyn Martinez đã tập hợp các thành viên của cộng đồng Karen và Karenni tại địa phương và người Wathaurong, vốn là Chủ sở hữu truyền thống của khu vực này, nhằm tạo ra một chương trình về nguồn nước.
Dịch vụ Diversitat cũng kết nối những người cao niên từ các cộng đồng đa văn hóa và cộng đồng người đồng tính LGBTI thông qua các dự án sân khấu và phim.
"Đây thật sự là sự thông hiểu, và nhìn ra được những điểm chung dù đó là ưu điểm hay nhược điểm. Bạn biết đấy, chúng ta có rất nhiều điểm chung. Ngôn ngữ và thuật ngữ trong cả ba nhóm này đều quan trọng cũng như thực sự có ý nghĩa đối với văn hóa và tín ngưỡng, tinh thần, hay những điều tương tự."
Bà Robyn Martinez nói rằng những nhóm này còn phải đối mặt với những vấn đề mà họ đều gặp phải giống nhau.
"Chúng tôi muốn xem các nhóm này sẽ tương tác như thế nào và cũng cho mọi người cơ hội gặp gỡ các nhóm khác biệt nhau, nhằm hiểu biết về thế mạnh và sở thích của họ, cũng như hiểu biết về những khía cạnh mà có thể là điểm chung mà họ gặp phải - đó là sự phân biệt sắc tộc, sự áp bức hoặc bị mất nước."
Bà nói kết quả của những lần tương tác này đã tiếp thêm sự thông hiểu, tình bạn và hạnh phúc.
Bản Hướng dẫn Khuyến khích tham gia hòa giải của FECCA là một công cụ có giá trị nhằm giúp các cộng đồng di dân và tị nạn tương tác với Tuần lễ Hòa giải Quốc gia cũng như tìm hiểu về các giá trị của nước Úc từ một góc độ khác.
Tham gia vào Tuần lễ Hòa giải Quốc gia cũng có thể rất đơn giản chẳng hạn bạn có thể sử dụng hình ảnh về Thổ dân trên trang mạng xã hội của bạn, hoặc trên email của bạn nhằm góp thêm tiếng nói của mình vào quá trình hòa giải.
Bà Karen Mundine giải thích.
"Có rất nhiều cách mà người Úc di dân có thể tham gia, chẳng hạn họ có thể vào xem trang mạng của chúng tôi và tìm thấy những hoạt động hòa giải đang xảy ra tại địa phương, họ cũng có thể truy cập một số tài nguyên tuyệt vời mà SBS đã có, từ phim ảnh cho đến các chương trình phát thanh, và sau đó cũng có thể nói chuyện với gia đình của bạn và cộng đồng của bạn về lịch sử hòa giải này."
Tuần lễ Hòa giải Quốc gia kêu gọi mọi người cần phải hành động một cách dũng cảm và mang lại tác động lớn lao hơn, và bà Karen Mundine nói rằng mỗi một người đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải này.
"Vì vậy, nếu đây là lần đầu tiên bạn tham dự một sự kiện trong Tuần lễ Hòa giải Quốc gia, thì đã là một hành động dũng cảm. Nếu bạn làm điều này hàng năm, có lẽ đã đến lúc bạn có thể tự tổ chức một sự kiện gì đó trong năm nay.
"Và nếu bạn đang tổ chức sự kiện có liên quan hoặc đã từng làm nhiều điều khác rồi, thì có lẽ năm nay đã đến lúc nên bắt đầu cuộc nói chuyện nghiêm túc với bạn bè và gia đình, những người không chia sẻ quan điểm với bạn về vấn đề này."
Quý vị có thể tìm thấy các nguồn thông tin về Tuần lễ Hòa giải Quốc gia trên trang mạng của tổ chức Hòa giải Úc tại www.reconciliation.org.au.
Bản Hướng dẫn Khuyến khích tham gia hòa giải của FECCA hiện có trên website của tổ chức này tại: fecca.org.au.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại