Vladimir Putin "có thể" đã phê chuẩn lệnh hạ sát cựu điệp viên Nga Litvinenko

Ex-Russian spy Alexander Litvinenko

Alexander Litvinenko at University College Hospital Source: BBC

Nga bác bỏ kết quả điều tra của Anh Quốc cho rằng cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko có thể bị ám sát theo lệnh từ FSB cách đây 10 năm.


Một phiên tòa do Chánh án người Anh, Sir Robert Owen chủ trì đã cáo buộc cựu nhân viên tình báo KGB Andrei Lugovoy và một công dân Nga khác là Dmitry Kovtun, đã đầu độc cựu điệp viên Nga Litvinenko, theo một mật lệnh của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), tiền thân là Cơ quan Tình báo Nga thời Soviet (KGB).
“Những gì đã xảy ra thật kinh khủng, báo cáo điều tra đã chứng thực cho những nghi ngờ của chúng tôi, rằng chính quyền đứng sau hành động ám sát. Đó là lý do chính phủ của tôi trục xuất các nhà ngoại giao Nga và ra lệnh bắt giữ các nghi phạm, chấm dứt việc hợp tác với cơ quan tình báo Nga,” Thủ tướng Anh, David Cameron
Sir Robert khẳng định mặc dù cả Lugovoy và Kovtun đều khăng khẳng phủ nhận cáo buộc này nhưng ông chắc chắn họ chính là thủ phạm đã hạ sát ông Litvinenko bằng chất độc phóng xạ Polonium 210.

“Những bằng chứng bổ sung cho thấy rằng vụ này do Lugovoy thực hiện, và được kiểm chứng bằng phương pháp khoa học khách quan.”

“Không có gì phải nghi ngờ rằng Alexander Litvinenko đã bị Lugovoy và Kovtun đầu độc.”

“Tôi cũng có thêm các bằng chứng khác để kết luận rất có thể chính Cơ quan an ninh Nga FSB đứng sau vụ này với sự chuẩn thuận của ông Patrushev, sau đó là người đứng đầu FSB, cũng chính là tổng thống Putin,” ông Owen nói.  

Cách đây 10 năm, trong lúc hấp hối, cựu điệp viên Nga phục vụ cho tình báo Anh Quốc, Alexander Litvinenkođã tiết lộ rằng chính Vladimir Putin đã ra lệnh ám sát ông.

Tuy nhiên, phải chờ đến tận ngày hôm nay, người ta mới công khai lời cáo buộc với tổng thống Nga.

Cuộc điều tra của Anh Quốc về cái chết của ông Litvinenko hồi năm 2006 đã đưa ra kết luận chính thức. Theo đó, hai người đàn ông Nga đã đưa một ly trà có chứa chất độc phóng xạ Polonium 210 cho cựu điệp viên Nga uống, trong một cuộc gặp gỡ ở một khách sạn tại thủ đô London.

Chánh án Robert Owen, người dẫn đầu cuộc điều tra này mô tả đây là một kế hoạch ám sát có thể được chính ông Putin chuẩn thuận.

Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ những kết luận của cuộc điều tra này và khẳng định, đây là cuộc điều tra mang động cơ chính trị.

Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nhấn mạnh, cuộc điều tra không khách quan.

“Chỉ có một mục đích duy nhất và mục đích ấy quá rõ ràng ngay từ ban đầu, đó là hạ thấp uy tín của nước Nga, hạ thấp những chính khách và những người đại diện cho nước Nga. Cuộc điều tra này không hề minh bạch,” bà Zakharova nói.

Trong khi đó, vợ của cựu điệp viên Nga, bà Marina Litvinenko đã hoan nghênh kết quả điều tra của Anh Quốc và thục giục nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Thủ tướng Anh, David Cameron cũng đã có phản ứng rất thẳng thắn trước kết quả điều tra về vụ ám sát cựu điệp viên Nga, được cho là theo lệnh của ông Putin.

Ông Cameron cho hay Anh Quốc đã ra lệnh đóng băng tài sản của hai nghi phạm người Nga và khẳng định không loại trừ việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga.

“Những gì đã xảy ra thật quá kinh khủng, báo cáo điều tra đã chứng thực cho những nghi ngờ của chúng tôi, rằng chính quyền đứng sau hành động ám sát.”

“Đó là lý do tại sao chính phủ của tôi trục xuất các nhà ngoại giao Nga, đồng thời đưa ra lệnh bắt giữ các nghi phạm và chấm dứt việc hợp tác với cơ quan tình báo Nga.”

“Những biện pháp trừng phát sẽ tiếp tục được đưa ra. Như chúng tôi thông báo, chúng tôi sẽ đóng bằng thêm các tài khoản khác và tham vấn với các cơ quan tố tụng để xem có thể thực hiện các bước tiếp theo như thế nào,” ông Cameron nói.

Ngay sau tuyên bố của ông Cameron, Đại sứ Nga tại London đã chỉ trích việc xử lý các vấn đề liên quan đến cái chết của ông Litvinenko.

Đại sứ Nga Alexander Yakovenko nhấn mạnh, những cáo buộc với nhà lãnh đạo Nga là một hành động khiêu khích trắng trợn và điều đó sẽ tổn hại thêm mối quan hệ song phương.

“Vụ này đã mất một thời gian dài mới đưa ra kết luận, điều đó khiến chúng tôi tin rằng đây là một hành động có chủ đích của Cơ quan tình báo Anh Quốc.”

“Chúng tôi không thể nào chấp nhận được việc báo cáo điều tra đưa ra kết luận rằng chính quyền Nga bằng cách nào đó đã dính líu đến cái chết của ông Litvinenko,” ông Yakovenko nói.

Về phía chính quyền Nga, họ vẫn luôn từ chối việc dẫn độ hai nghi phạm liên quan đến cái chết của cựu điệp viên Litvinenko, Andrei Lugovoi và Dmitry Kovtun, trong khi cả hai đều tuyên bố vô tội.

Ông Lugovoy đã phủ nhận bất cứ điều gì liên quan đến việc hạ sát cựu điệp viên Litvinenko, đồng thời khẳng định cáo buộc này là một trò hề.

“Tất cả những gì mà truyền thông Anh Quốc đề cập công khai, đều là giả dối, một sự dối trá trắng trợn và tôi không thể tìm ra thêm được một từ nào để mô tả sự dối trá đó,” ông Lugovoy nói.

Ông Alexander Litvinenko, 43 tuổi là một cựu điệp viên Nga, trước khi rời bỏ cơ quan an ninh Nga FSB, và buộc tội chính quyền Nga đứng sau vụ đánh bom các tòa nhà chung cư ở Nga hồi năm 1999, chứ không phải là phiến quân Chechnya như công bố.

Ông Litvinenko đã công khai chỉ trích người từng đứng đầu FSB, và nay là tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo đó, ông Putin và chính quyền của ông ta có liên hệ với các nhóm tội phạm có tổ chức.

Cựu điệp viên Nga Litvinenko đã tử vong chỉ 3 tuần sau khi ông uống một ly trà xanh, bị tẩm chất độc rất hiếm gặp, phóng xạ Polonium 210, trong thời gian ở khách sạn Millenium tại London.

Tại phiên tòa ở Anh, một người bạn của gia đình Litvinenko là ông Alexander Goldfarb đã làm chứng và khẳng định cuối cùng sự thật cũng được phơi bày dưới ánh sáng công lý.

“Bản báo cáo điều tra này đã công khai với mọi người tất cả những gì mà Litvinenko tìm mọi cách để nói ra khi anh còn sống.”

“Đó là chúng ta đang phải đối mặt với một chế độ độc tài sát nhân, với mục đích cơ bản là chống lại Tây phương.”

“Chúng ta đã phải mất hàng chục năm chúng ta mới công khai được thông điệp của anh ấy,” ông Goldfarb nói.

 

 

 


Share