Khi Nadia Mofrad đến Úc từ Tehran vào tháng 7 năm 2018, cô đã có những ước mơ lớn.
Ước mơ bắt đầu từ khi cô 12 tuổi, khi đó các môn về khoa học và công nghệ được coi là mục tiêu theo đuổi của các cậu bé.
"Tôi đã tham gia một cuộc thi vật lý. Tôi đặt hết tâm huyết của mình vào đó và tôi thi đấu trong nhiều tuần liên tiếp. Nhưng ngay khi tôi sắp được công bố là người chiến thắng, thì hiệu trưởng của một trường kia, đã nói chuyện với ban giám khảo và thay đổi kết quả theo hướng có lợi cho thí sinh của họ. Sự bất công khiến tôi cảm thấy tương lai của mình chắc chắn sẽ phải ở một đất nước khác."
Cô muốn có tương lai trong lĩnh vực mà dường như chỉ dành cho các cậu bé, và sau khi nghe cha cô kể lại về chuyến du lịch của cha cô đến Úc, xảy ra từ trước khi cô chào đời, cô bắt đầu muốn biết liệu mình có thể đạt được thành công ở nước ngoài hay không.

Nadia Mofrad said her English skills have helped her with job offers and making friends since coming to Australia. Source: Supplied / Nadia Mofrad
"Đó là một cú sốc lớn đối với tôi. Lần đầu tiên, tôi nhớ khi mới đến...Tôi đang ở sân bay lấy hành lý và nói cảm ơn. Một người đã nói với tôi: cheers. Và tôi nghĩ ủa mình đâu có đang uống rượu gì mà phải nâng ly chúc mừng. Tôi không biết tại sao họ lại nói cheers. Đó là cú sốc đầu tiên. Từ vựng cũng khác, không chỉ giọng nói. Và tôi phải nói rằng ba tháng đầu không hề dễ dàng chút nào.”
Bốn năm sau khi đến Úc, sau khi hoàn thành bằng Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế, cô đã nộp hồ sơ xin visa thường trú.
Cô phải tham gia bài kiểm tra tiếng Anh do Pearson tổ chức – còn được gọi là PTE – và phải mất vài lần trước khi cô đạt được số điểm 84 - nằm trong phân vị cao nhất.
Với số điểm này, quá trình nộp hồ sơ trở nên suôn sẻ và còn giúp cô có được lời mời làm việc nhanh chóng.
"Khi bạn biết nói những từ tiếng Anh hay hơn, phức tạp hơn và mang tính học thuật hơn, và diễn đạt được suy nghĩ của mình, thì tôi cảm thấy nó rất quan trọng trong trường hợp của tôi. Không chỉ để tìm việc làm. Tiếng Anh đã giúp tôi tìm được bạn bè từ khắp nơi trên thế giới. Sự đa dạng ở Úc thật tuyệt vời, và nó giúp tôi có sự tự tin để chào hỏi những người mới, những người xa lạ mà giờ đây đã trở thành những người bạn thân nhất của tôi, họ giống như gia đình tôi - gia đình mà tôi không có ở nước Úc này."
Hành trình này đã được phản ánh trong một phúc trình do Pearson tổng hợp, gồm 3.000 người xin visa đã thực hiện bài kiểm tra tiếng Anh trong sáu năm, cho đến năm 2023, để đạt được cột mốc tiếp theo trong hành trình của họ.
Vào tháng 11/2023, những cá nhân đó đã báo cáo mức lương và kết quả việc làm cao hơn, họ có thể kiếm nhiều hơn 20.000 đô la mỗi năm so với mức lương trung bình của Úc, sáu tháng sau khi đến Úc định cư.
Kết quả này có tác động lan tỏa đến nền kinh tế rộng lớn hơn của Úc, trong các lĩnh vực việc làm có tay nghề cao hoặc có nhu cầu cao.
Bà Sasha Hampson tại Pearson là nhà điều phối các mối quan hệ với các cơ quan trên toàn cầu, về bài kiểm tra tiếng Anh của công ty Pearson, bài kiểm tra này đã được sử dụng như một lựa chọn trong các hồ sơ xin visa Úc trong 10 năm qua.
Bà nói phúc trình mới nhất của Pearson tung ra ngày 21/3, là phúc trình đầu tiên mà công ty kiểm tra về nguyện vọng và kết quả của di dân - trước và sau khi làm bài kiểm tra PTE.
"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy số lượng cao nhất là những người làm trong lĩnh vực chăm sóc cao niên và người khuyết tật, y tá và các lĩnh vực có tay nghề cao như lập trình CNTT. Họ đã tham gia Bài kiểm tra tiếng Anh Pearson để đạt được những việc làm này và đạt được visa thường trú tại Úc. Họ cũng là những sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học của Úc với điểm số cao và nhanh chóng có việc làm ổn định. 91% trong số người được khảo sát đã có việc làm ổn định. Vì vậy, thực sự rõ ràng là những cá nhân này có đáp ứng được yêu cầu ngôn ngữ và sau đó có thu nhập cao và đóng góp tích cực.”
Bà Hampson nói việc công bố phúc trình vào Ngày Harmony Day, còn gọi là Ngày Quốc tế Xóa bỏ sự Phân biệt chủng tộc, ngày 21/3 – đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận những trường hợp di dân có tay nghề đã mang lại lợi ích cho xã hội và nền kinh tế Úc.
"Có thể nhiều người đang quan niệm rằng di dân không mang lại giá trị cho nước Úc, nhưng dữ liệu chắc chắn của chúng tôi cho thấy họ đang tích cực góp phần giải quyết những thách thức mà nước Úc gặp phải, đó là dân số già và tình trạng thiếu hụt tay nghề, và họ đang lấp đầy khoảng trống ở những nơi cần thiết nhất. Do đó góp phần vào nền kinh tế và năng suất. Đồng thời cũng đóng góp cho toàn xã hội."
Nadia cho hay cô đã ghi lại hành trình định cư của mình trên Instagram – cô đăng những câu chuyện về lần đầu tiên tiếp xúc những chú vẹt lorikeet của Úc cũng như những cú sốc văn hóa ban đầu - và cô rất ngạc nhiên khi thấy nó thu hút rất đông người xem.
"Mọi người chia sẻ cho bạn bè của họ, và những video đó phát triển nhanh chóng. Tôi rất tự hào vì đã có tới 94.000 người theo dõi; và tôi đang cố gắng giúp đỡ họ bằng cách chia sẻ kinh nghiệm định cư ở Úc mà tôi có. Ví dụ, khi bạn muốn đóng gói hành lý của mình và đi xuyên lục địa, bạn sẽ mang theo những gì? Và lái xe ở phía bên kia đường ra sao, hay những điều gì cần tránh mà ngay từ đầu nếu tôi biết thì mọi thứ sẽ thuận lợi hơn. Vì vậy, họ đã đồng hành cùng tôi trong suốt hành trình định cư. Tôi cũng cố gắng trả lời các câu hỏi về nước Úc và lối sống của người Úc."
Còn Eric John de Guzman đến từ Philippines cho hay tay nghề thầy giáo của anh không được công nhận ở Úc, khiến anh chuyển hướng làm công việc chăm sóc trẻ em và sau đó theo đuổi bằng Thạc sĩ Giáo dục Trung học.

Eric John de Guzman said taking the PTE exam boosted his confidence and helped him secure a job. Source: Supplied / Eric John de Guzman
"Tôi tin rằng nó chắc chắn đã giúp ích. Nó thực sự đã nâng cao sự tự tin của tôi về kỹ năng tiếng Anh bởi vì lúc đầu tôi nghĩ: điều gì sẽ xảy ra nếu trình độ tiếng Anh của tôi không đủ tốt? Nhưng sau đó với số điểm PTE cao, tôi nghĩ rằng không phải ai cũng thực sự có thể đạt được. Và tôi tin rằng nhà tuyển dụng cũng cảm thấy như vậy. Thấy tôi đạt được điểm cao, họ cảm thấy tin tưởng rằng tôi có thể làm được công việc hoặc làm tốt công việc. Vì vậy, tôi đã có được một việc làm ở nhiều trung tâm chăm sóc trẻ em khác nhau. Và nay cả trường trung học mà tôi đang dạy."
Anh nói ban đầu anh được cảnh báo không nên đến Úc bởi một số người tin rằng anh sẽ gặp phải sự phân biệt chủng tộc - nhưng đó không phải là trải nghiệm của anh.
"Thực ra tôi đã lo lắng khi nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra nếu tôi thực sự trải nghiệm sự phân biệt chủng tộc? Tôi tự hỏi mình sẽ phản ứng như thế nào hoặc tôi sẽ đương đầu với điều đó như thế nào, bởi vì nó sẽ thật kinh khủng. Tôi đã thấy những điều như vậy xảy ra trên các phương tiện truyền thông. Nhưng khi tôi đến đây thì không thấy. Thực ra khi nói đến văn hóa và sự đa dạng, nước Úc chính là nơi hội tụ. Ở đây có rất nhiều kiểu người khác nhau. Nhận thức được điều đó đã khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn. Vì vậy, nó khiến tôi cảm thấy như, ồ, sự khác biệt ở đây cũng không quá tệ."
Abul Rizvi là nguyên Thứ trưởng Bộ Di trú và hiện nay là học giả về chính sách nhập cư.
Ông nói mặc dù trình độ tiếng Anh không phải là yếu tố quyết định thành công duy nhất đối với những di dân có tay nghề cao, và có kinh nghiệm tích cực trong việc đạt được công việc mà họ tìm kiếm, nhưng tiếng Anh chắc chắn là một yếu tố có trọng lượng.
"Đừng hiểu sai ý tôi. Có rất nhiều di dân có trình độ tiếng Anh hạn chế nhưng vẫn có cuộc sống thực sự tuyệt vời ở Úc. Vì vậy, đó không phải là vấn đề toàn diện, nhưng nhìn chung, tiếng Anh tốt hơn sẽ tăng triển vọng thành công của bạn, cả trong thị trường lao động và trong xã hội Úc. Vì vậy, trong chừng mực chúng tôi có thể giúp di dân cải thiện tiếng Anh của họ, điều đó chỉ có thể có ích cho họ mà thôi."
Một báo cáo của Ủy ban Phát triển Kinh tế Úc ngày 13/3 xem xét trải nghiệm di dân rộng hơn, bao gồm cả chương trình visa nhân đạo, cho thấy trình độ tiếng Anh là yếu tố quan trọng giải thích tạo sao một vài di dân có mức lương thấp hơn.
Nghiên cứu này cho thấy những di dân đã ở Úc sáu năm kiếm được ít hơn 10% so với những người lao động gốc Úc.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng trình độ ngôn ngữ kém hơn đã làm giảm mức lương trung bình của những di dân khoảng 9%.
Chính phủ liên bang thông báo vào tháng 12/2023 rằng sẽ tăng yêu cầu về tiếng Anh kể từ đầu năm nay.
Chẳng hạn tiêu chuẩn tiếng Anh để xin visa du học sẽ tăng lên 6,0 (từ 5,5) trong bài kiểm tra IELTS - hoặc lên 51,6 (từ 45,4) trong điểm PTE.
Tiến sĩ Rizvi nói có nhiều cách giúp giảm bớt sự xung đột giữa kỹ năng tiếng Anh với tay nghề cho những di dân tay nghề cao - bao gồm các yêu cầu về tiếng Anh khác nhau đối với nhiều loại visa hơn, cũng như công nhận tốt hơn trình độ tay nghề quốc tế của di dân, trong đó vài trò của các nhà tuyển dụng rất quan trọng.
"Một mặt, các nhóm vận động hành lang là những chủ doanh nghiệp đã thật sự thúc đẩy vấn đề thiếu hụt tay nghề, họ vận động cho một chương trình di dân mở rộng. Họ muốn nhiều người được đưa vào nước Úc thông qua các dòng kỹ năng còn thiếu. Nhưng mặt khác, tỷ lệ nhận được visa do chủ doanh nghiệp tài trợ để di dân có được việc làm ngay lập tức là rất thấp. Điều mà các nhóm vận động hành lang này chưa giải thích được đó là tại sao lại có sự khác biệt. Nếu bạn nói rằng doanh nghiệp chúng tôi đang quá thiếu hụt, chúng tôi đang gặp phải những tình trạng thiếu hụt trầm trọng, tại sao lại không có thêm nhiều di dân đến Úc thông qua sự tài trợ của doanh nghiệp? Vậy nhóm vận động hành lang bao gồm những chủ doanh nghiệp - họ đang làm gì?”