Ý tưởng Tiếng nói của người bản địa trước quốc hội đã gây ra nhiều tranh cãi kể từ khi nó được người thổ dân đề xướng lần đầu tiên trong Tuyên bố Uluru từ Trái tim vào năm 2017.
Giờ đây, các cộng đồng di dân ở Úc dường như cũng đang kêu gọi đưa tiếng nói của họ vào Hiến pháp. Nhưng chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Cộng đồng Sắc tộc Úc, Carlo Carli, đã rất ngạc nhiên khi biết điều đó.
"Tôi không chắc ý tưởng này đến từ đâu. Nó không nên làm chúng ta mất tập trung vào tầm quan trọng của cuộc trưng cầu dân ý The Voice và nó cũng không nên là một mưu đồ chính trị để biến các hội đồng sắc tộc và cộng đồng sắc tộc chống lại những người thuộc các quốc gia bản địa đầu tiên của chúng ta."
'Ủy ban The Voice No Case' vận động bỏ phiếu KHÔNG trong cuộc trưng cầu dân ý dự trù vào tháng 10.
Nhóm này bao gồm Thượng nghị sĩ Đảng Tự do Quốc gia Jacinta Nampijinpa Price, cựu chủ tịch Đảng Lao động và ứng cử viên tự do Nyunggai Warren Mundine, chủ nhân công ty Kemara Enterprises Bob Liddle, chủ trại chăn nuôi Kings Creek Station ở Lãnh thổ phía Bắc Ian Conway, cựu phó thủ tướng John Anderson, và cựu bộ trưởng Lao động Gary Johns.
Ông Nyunggai Warren Mundine nói rằng Hiến pháp dành cho tất cả người dân Úc, kể cả di dân.
"Hiến pháp nói về tất cả người dân Úc - về tất cả những người đến đất nước này. Bây giờ chúng ta đã có những người di cư và người tị nạn đến đất nước này trong nhiều thập niên... khoảng vài triệu người sau chiến tranh thế giới thứ hai, những người đang chạy thoát chiến tranh, áp bức, thoát khỏi chế độ giết người và chế độ độc tài và họ đã đến Úc để có một khởi đầu tốt hơn, một cuộc sống tốt hơn cho bản thân, con cái của họ, v.v.. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ là một điều đúng đắn nếu không chỉ nói về sự thừa nhận của Người thổ dân và dân đảo Torres Strait trong 60.000 năm họ đã ở đây và những điều họ đã đạt được và làm được, đồng thời chỉ nói về một số bạo lực đã xảy ra mà thôi, và tôi nghĩ chúng ta cũng nên ca ngợi tất cả người Úc."
Thủ tướng Anthony Albanese nói nước Úc đa văn hóa sẽ ủng hộ tiếng nói của người bản địa trước Quốc hội.
"Đó là về sự tôn trọng. Cuộc bỏ phiếu diễn ra vào cuối năm nay sẽ chỉ xoay quanh hai vấn đề: đó là về sự công nhận và sẽ là về việc tham vấn về các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến người Thổ dân và người dân đảo Torres Strait."
Phó lãnh đạo của Đảng Tự do, Sussan Ley thúc giục chính phủ cung cấp thêm chi tiết chính xác Tiếng nói Bản địa trước Quốc hội là như thế nào.
"Chúng tôi ủng hộ sự công nhận hiến pháp đối với những người Úc đầu tiên của chúng ta. Nhưng chính phủ này đã ràng buộc điều đó với một khái niệm gọi là Tiếng nói mà họ không thể giải thích. Và cho đến khi họ cung cấp thông tin chi tiết, thì họ mới là những người đang đặt sự hòa giải vào tình thế nguy hiểm.”
Trong một thông báo được đưa ra vào cuối năm ngoái, những người đảng Quốc gia đã xác nhận rằng họ sẽ không ủng hộ Tiếng nói bản địa trước Quốc hội.