Cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói Bản địa trước Quốc hội kết thúc với kết quả ‘No’

R2R PODCAST GFX ABORIGINAL FLAG TORRES STRAIT FLAG_RED.jpg

Aboriginal and Torres Strait Islander flags. Source: SBS

Người Úc đã từ chối đề xuất đưa Tiếng nói Bản địa trước Quốc hội vào trong Hiến pháp, với kết quả bỏ phiếu “No” ở tất cả sáu tiểu bang cùng với Lãnh thổ Bắc Úc. Riêng Lãnh thổ Thủ đô Úc bỏ phiếu “Yes”.


Đa số cử tri Úc đã bỏ phiếu phản đối Tiếng nói Bản địa trước Quốc hội. Đây là cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên được tổ chức ở Úc trong 24 năm qua.

Một cử tri ở Tasmania cho biết bà đã bỏ phiếu “No”.

“Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người và tôi không nghĩ rằng điều đó không nên trở thành hiện thực. Thật đáng buồn khi chúng ta không thể là một nhóm thống nhất mà không cần phải chia tách họ ra– Tôi không nghĩ cộng đồng Thổ dân muốn điều đó xảy ra.”

Và đa số cử tri ở Tasmania hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên, cũng như tất cả các tiểu bang khác cùng Lãnh thổ Bắc Úc.

Riêng Lãnh thổ Thủ đô Úc đã bỏ phiếu “Yes”.

Nhà vận động cho chiến dịch “Yes”, ông Thomas Mayo, nói rằng ông rất đau lòng.

“Chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức vào việc này, không chỉ trong thời gian gần đây, không chỉ những người trong phòng này, mà bạn biết đấy, 70.000 tình nguyện viên trên khắp đất nước. Các nhà lãnh đạo của người Bản địa, đặt niềm tin vào người dân Úc và cố gắng làm điều gì đó. Hàng thập niên làm việc chăm chỉ và đứng lên bảo vệ quyền lợi của chúng tôi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào tối hôm nay.”

Thủ tướng Anthony Albanese đã tuyên bố rằng ông chấp nhận kết quả này.

Ông không đưa ra cam kết cụ thể nào nhưng hứa sẽ tiếp tục vạch ra những kế hoạch đầy tham vọng.

“Tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định của người dân Úc và tiến trình dân chủ đã đưa ra quyết định này. Khi chúng ta suy ngẫm về mọi thứ đang diễn ra trên thế giới ngày nay, chúng ta đưa ra những quyết định lớn lao một cách hòa bình và bình đẳng... Có một mức độ nhận thức mới mang tầm vóc quốc gia về những câu hỏi này. Chúng ta hãy biến điều đó thành mục tiêu mới của cả nước để tìm kiếm câu trả lời.”

Tổng trưởng Thổ dân sự vụ Linda Burney đã không kìm nén được cảm xúc khi nói những lời này với người Úc bản địa.

“Tôi biết những tháng vừa qua thật khó khăn, nhưng hãy tự hào về con người bạn, tự hào về danh tính của mình, tự hào về 65.000 năm lịch sử và văn hóa mà bạn là một phần và vị trí xứng đáng của bạn ở đất nước này. Chúng tôi sẽ tiếp tục, chúng tôi sẽ tiến về phía trước và chúng tôi sẽ phát triển. Đây không phải là sự kết thúc của công cuộc hòa giải, và trong những tháng tới tôi sẽ có nhiều điều để nói về cam kết mới của chính phủ trong việc thu hẹp khoảng cách.”

Thủ lãnh đối lập Peter Dutton nói rằng kết quả “No” là một điều tốt cho nước Úc.

“Tại mọi thời điểm trong cuộc tranh luận này, tôi luôn đưa ra những lời chỉ trích mà tôi cho là một ý tưởng tồi khi chia rẽ người Úc dựa trên nguồn gốc hoặc thời gian họ đến đất nước của chúng ta. Liên đảng, giống như tất cả người Úc, muốn giải quyết những khó khăn của người Bản địa. Chúng tôi chỉ không cho rằng Tiếng nói là giải pháp, và mặc dù những người bỏ phiếu Yes và No có thể có quan điểm khác nhau, nhưng những ý kiến khác biệt này không làm giảm đi tình yêu đất nước hoặc sự quan tâm của chúng ta dành cho nhau.”

Còn Thượng nghị sĩ Jacinta Nampijinpa thì hoan nghênh chiến thắng áp đảo của phe “No”.

“Họ đã nói không với sự chia rẽ về chủng tộc trong hiến pháp của chúng ta. Họ đã nói không với hành vi lạm dụng tâm lý, bắt nạt, thao túng. Họ đã nói không với sự bất bình và thúc ép từ các nhà hoạt động cho rằng chúng ta là một quốc gia phân biệt chủng tộc, trong khi chúng ta hoàn toàn không phải là một quốc gia phân biệt chủng tộc.”

Cập nhật thông tin về cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói Bản địa trước Quốc hội năm 2023 từ khắp Mạng lưới SBS, bao gồm quan điểm của những người thuộc các Quốc gia Thứ nhất trên NITV.

Ghé thăm cổng thông tin  để xem các bài viết, video và podcast với hơn 60 ngôn ngữ hoặc xem trực tuyến tin tức và phân tích, tài liệu và giải trí mới nhất, miễn phí tại .

Share