Việc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu nhưng người dân Úc sẽ chính thức đi bỏ phiếu vào ngày 14/10.
Tuy nhiên, nhiều người trong đó không ít những người có nguồn gốc nhập cư, vẫn chưa quyết định.
Resolve Strategic thay mặt cho Nine Newspapers thực hiện cuộc thăm dò trước kỳ bỏ phiếu cho thấy 18% cử tri không phải gốc Anh vẫn chưa quyết định.
Sydney Alliance Liên minh Sydney là một liên minh gồm hơn 40 tổ chức xã hội dân sự, bao gồm các nhóm tôn giáo, công đoàn và cộng đồng.
Người đồng tổ chức là Chantelle Ogilvie-Ellis [[oh-gil-vee ellis]] nói rằng phần lớn sự thiếu quyết đoán của cộng đồng người di cư xuất phát từ việc họ không chắc chắn về thông tin họ nhận được.
"Cho dù đó là thông tin trên mạng xã hội hay những điều được người khác truyền lại cho họ hay thậm chí những điều họ đọc được trên phương tiện truyền thông, tin do máy đọc, tin nhại, tin giả, họ không biết chính xác nguồn gốc những thông tin đó đến từ đâu và có nên tin hay không."
Sự thiếu tin tưởng này đã góp phần dẫn đến việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Các ứng dụng truyền thông xã hội như Tik Tok đã tràn ngập nội dung về Tiếng nói - với cả chiến dịch chính thức của cả hai bên Yes và No đều sử dụng nền tảng này để thu hút cử tri.
Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong khẩu hiệu của chiến dịch No, 'If You Don't Know, Vote No'' 'Nếu bạn không biết, hãy bỏ phiếu không.'
Và đó là thông điệp dẫn đầu mà nhà vận động No và lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton đang tìm cách tận dụng.
"Vấn đề là đối với những người như Anthony Albanese và Linda Burney, họ đã không thể giúp đỡ người Úc Bản địa và họ đã đẩy đất nước chúng ta vào con đường chia rẽ. Đã có những gia đình tranh cãi với nhau, đã có những cộng đồng tranh cãi với nhau. Thủ tướng đã nhiều lần được khuyên không nên đưa đất nước đi theo con đường này, nhưng ông ấy đã có chủ ý làm như vậy. Ông ấy phải đủ dũng khí để đứng lên và chịu trách nhiệm vì những sai lầm ông ấy mắc phải."
Trong khi đó, Thủ tướng Anthony Albanese nói rằng ông đã thấy đầy đủ thông tin sai lệch xung quanh The Voice.
"Ý tưởng rằng Tiếng nói sẽ có tiếng nói trong Ngân hàng Dự trữ về quyết định lãi suất thì thật sự khá là vô lý. Và họ biết vậy. Nhưng cũng có thông tin tồi tệ hơn trên một số phương tiện truyền thông xã hội, về những âm mưu của thế giới , rằng Liên Hợp Quốc sẽ kiểm soát tất cả đất đai ở Úc. Tất cả đất đai. Bạn sẽ mất quyền sở hữu tư nhân đối với nhà của mọi người, nếu bỏ phiếu Yes. Điều đó thật vô lý."
Một cuộc thăm dò gần đây của Essential Research cho thấy lập trường No hiện có tỷ lệ 49% so với 43% của Yes, trước đây tỷ lệ này là 51% cho No và 41% Yes.
Tiến sĩ Shireen Morris giảng dạy luật hiến pháp tại Đại học Macquarie và là cựu ứng cử viên của Đảng Lao động liên bang nói rằng điều quan trọng là không nên phức tạp hóa vấn đề.
"Đó là câu hỏi Yes/No. Chúng ta có nói Yes để công nhận người dân bản địa trong hiến pháp, mà trước đây họ đã bị loại trừ, thông qua việc ủng hộ thành lập ủy ban Tiếng nói để họ có thể tư vấn các chính sách và luật liên quan đến họ. Vì vậy, nó chỉ là việc các cộng đồng Người Bản địa có quyền lên tiếng khi chính phủ và quốc hội đưa ra quyết định tác động đến cộng đồng của họ. Tất cả những điều này chỉ là vậy ... Và điều vô cùng quan trọng là có được thông tin thực tế và chính xác cho vấn đề này, rằng đây là sự công nhận thông qua tiếng nói tư vấn."
Chantelle Ogilvie-Ellis của Liên minh Sydney nằm trong số những người đang tìm cách khắc phục sự lan truyền thông tin sai lệch trong các cộng đồng đa văn hóa.
Bà nói rằng một phần quan trọng của việc này là làm việc với các nhà lãnh đạo địa phương để bắt đầu các cuộc thảo luận về Tiếng nói.
"Điều chúng tôi nhận thấy là rất nhiều người đang liên hệ với những người mà họ đã tin tưởng để xin lời khuyên. Đó là vì họ thực sự coi trọng trách nhiệm lá phiếu bầu của mình. Họ muốn làm điều đúng đắn. Tôi đã nghe mọi người nói, 'Tôi rất muốn làm điều đúng đắn nhưng tôi không biết phải làm gì' vào ngày 14 tháng 10. Vì vậy, có thể họ đến gặp mục sư hoặc nếu là đạo Hồi họ gặp Imam, hoặc một người bạn mà họ tin tưởng hay một người nào đó mà họ thực sự tôn trọng trong cộng đồng, để trao đổi và nghe lời khuyên. Do vậy, chúng tôi thực sự khuyến khích các nhà lãnh đạo nắm bắt cơ hội đó, tự tìm hiểu thông tin và nói chuyện với cộng đồng của mình, cung cấp hướng dẫn, đồng thời luôn tôn trọng việc mỗi người đưa ra quyết định riêng họ về Tiếng nói."
Một yếu tố khác trong việc chống lại thông tin sai lệch trong cộng đồng người di cư là sử dụng các tài liệu dịch thuật ra các ngôn ngữ.
Eva Hussein là một người tị nạn và hiện là giám đốc phát triển và các mối quan hệ tại Polaron, một nhà cung cấp dịch vụ dịch thuật và các tài liệu bằng ngôn ngữ trên Voice.
Bà cho biết nhóm của bà nhanh chóng nhận ra rằng các cộng đồng đa văn hóa ở Úc có rất ít thông tin.
"Với sự tài trợ của tổ chức Cuộc Sống không Cản trở- Life Without Barriers, chúng tôi đã dịch một số dữ liệu để mọi người có thể truy cập được gồm: video, các chuyên đề trên truyền thông mạng, văn bản nguồn, sang 53 ngôn ngữ khác nhau bao gồm cả ngôn ngữ ký hiệu AUSLAN và các ngôn ngữ Thổ dân."
Văn bản nguồn tiếng Anh được phát triển với sự cộng tác của cộng đồng Thổ dân.
Để có được một bản dịch chất lượng, bà Hussein cho biết nhóm của họ có bốn dịch giả làm việc cho mỗi nhóm ngôn ngữ và hơn 250 người làm việc trong dự án.
Bà nói các tài nguyên của họ kể từ đó đã được hàng ngàn người trong các cộng đồng đa văn hóa đọc, nghe và xem.
"Chúng tôi muốn bảo đảm rằng những thông điệp này được nhanh chóng đi tới công chúng, trong lúc các bản dịch chính thức của chính phủ thì dài hơn. Và chúng tôi cảm thấy rằng có lẽ mọi người không có thời gian để đọc những thông điệp dài, vì vậy chúng tôi đã viết ngắn gọn và sắc nét và dễ dàng truy cập."
Sản xuất những tài liệu này là một chuyện và để những thông điệp này đến được đúng cộng đồng lại là một việc hoàn toàn khác, bà Hussein nói.
"Chúng tôi tin tưởng những người lãnh đạo cộng đồng có khả năng giải thích cho cộng đồng của họ bằng ngôn ngữ của họ. Có những người lãnh đạo cộng đồng và cả các tổ chức như Hội đồng Cộng đồng Dân tộc Victoria, và FECCA tức Liên đoàn các Cộng đồng Dân tộc Úc, đã thực sự giúp đỡ qua việc phổ biến những thông điệp này. Và suy cho cùng, mọi người phải tự quyết định."
Hội đồng Cộng đồng Dân tộc Victoria (ECCV), trong ba tháng qua, đã phối hợp với các cộng đồng đa văn hóa để chia sẻ thông tin bằng ngôn ngữ về cuộc trưng cầu dân ý.
Jimmy Li là Chủ tịch Chi hội Victoria của Hội đồng Cộng đồng người Hoa tại Úc nói rằng mặc dù có rất nhiều thông tin về The Voice bằng tiếng Trung trên mạng nhưng ông cũng nhận thấy có nhiều thông tin sai lệch được dịch ra.
"Chúng tôi đã cố gắng chống lại loại thông tin sai lệch này thông qua các diễn đàn và thông qua các cuộc thảo luận trên mạng xã hội. Như bạn có thể thấy trên trang web của chúng tôi, chúng tôi kêu gọi mọi người đọc chính câu hỏi trưng cầu dân ý. Ba điểm. Câu hỏi rất đơn giản. Và cũng để đọc những quan điểm, ý kiến đó của các chuyên gia, chuyên gia pháp lý, luật sư, thẩm phán và học giả. Tất nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng một số người không đọc những điều đó hàng ngày. Họ chỉ đọc những điều đó trên mạng xã hội. Vì vậy, điều đó đã xảy ra ở một mức độ nào đó, thật khó chịu. Nhưng chúng tôi đang cố gắng hết sức."
Trong những trường hợp này, Tiến sĩ Shireen Morris cho rằng điều quan trọng là cộng đồng phải đẩy mạnh và nắm chắc nguồn gốc các thông tin mà họ có được.
"Cuộc trưng cầu dân ý này yêu cầu mỗi người trong chúng ta phải đứng lên với tư cách là người Úc và mỗi người đều quan trọng. Vì vậy, hãy truy cập voice.gov. và multiculturalforvoice.org để lấy thông tin. Nó có sẵn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Và đây là một đề xuất rất đơn giản, Yes hoặc No để công nhận người dân bản địa bằng cách cho họ tiếng nói tư vấn. Vì vậy, chúng ta hãy trở thành một phần của thời điểm thống nhất này và Hãy là một phần của cuộc đàm thoại."
Cập nhật thông tin về cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói Bản địa trước Quốc hội năm 2023 từ khắp Mạng lưới SBS, bao gồm cả quan điểm của các Quốc gia Bản địa thông qua NITV. Truy cập cổng Tham khảo Tiếng Nói của SBS để đọc các bài viết, video và podcast bằng hơn 60 ngôn ngữ hoặc phát đi trực tuyến tin tức và phân tích, tài liệu và giải trí mới nhất miễn phí về Cuộc trưng cầu Dân ý tại SBS On Demand.