Một trong những khuôn mặt âm thầm nhưng bền bỉ, từng giúp đỡ trong mọi công tác của cộng đồng người Việt ở Brisbane trong 40 năm qua mà giới sinh hoạt ai cũng biết đến là ông Nguyễn Văn Ẩn.
Tháng qua, những đóng góp tích cực của ông đã được công nhận một cách xứng đáng với giải thưởng Community Champion Award do Hội đồng Thành phố Brisbane trao tặng.
Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện sau đây giữa chúng tôi với ông Nguyễn Văn Ẩn và ông Tuấn Lê, người đã đề cử ông Nguyễn Văn Ẩn cho giải thưởng nói trên…
Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Nguyễn Văn Ẩn
Nguyễn Văn Ẩn: Dạ kính chào anh Trần Hưng Việt, cô Mỹ Dung và thính giả của SBS.
Hưng Việt: Dạ xin chào anh Tuấn Lê
Tuấn Lê: Dạ xin chào anh Trần Hưng Việt, chị Mỹ Dung và khán thính giả của SBS.
Mỹ Dung: Dạ kính chào anh Ẩn và anh Tuấn.
Hưng Việt: Đầu tiên xin được nói chuyện với anh Ẩn trước. Thưa anh Ẩn, anh có thể cho biết là anh đã và đang sinh hoạt giúp cộng đồng bao nhiêu năm rồi.
Nguyễn Văn Ẩn: Thưa anh, tôi đã sinh hoạt với cộng đồng từ năm 1989 đến nay đã được 35 năm rồi.
Hưng Việt: Đó là chỉ nói cộng đồng của chúng ta ở Brisbane này thôi mà trước đó anh tỵ nạn đầu tiên là Tân Tây Lan, hình như anh cũng bắt đầu sinh hoạt trong cộng đồng ở Chistchurch Tân Tây Lan trước đó phải hông anh?
Nguyễn Văn Ẩn: Dạ, thưa anh đúng, tôi đã được định cư ở Tân Tây Lan vào năm 1980. Lúc qua Tân Tây Lan chúng tôi có một cái may là đã gặp anh Trần Hưng Việt lúc đó ảnh đang là du sinh ở tại Christchurch, New Zealand, thấy hai anh em hợp gu với nhau mới thành lập cái hội người Việt Christchurch, New Zealand.
Hưng Việt: Như vậy là anh sinh hoạt từ năm 1980 cho tới nay là năm 2024 tức là 44 năm rồi phải hông ạ?
Nguyễn Văn Ẩn: Thì sau đó năm 89 tôi về Brisbane này và tiếp tục sinh hoạt tham gia với cộng đồng người Việt ở đây.
Hưng Việt: Thưa anh, qua một quá trình dài như vậy giúp trong cộng đồng thì anh thường anh làm những cái điều gì để giúp cộng đồng?
Nguyễn Văn Ẩn: Thưa anh, nói chung là sinh hoạt với cộng đồng thì tôi chỉ làm mấy cái việc lặt vặt chẳng hạn như lo chợ Tết cho đồng hương ở đây và Tết Trung thu cho các em thiếu nhi, chương trình thi Đố vui để học cho các trường Việt ngữ nhân dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3, còn công việc nhỏ nhặt như là vệ sinh dọn dẹp, coi văn phòng của cộng đồng, thành ra đôi lúc nói giỡn thì người ta thường nói tôi là ông Từ Cộng đồng.
Hưng Việt: Thưa anh Ẩn quá khiêm nhường để mà anh nói anh chỉ làm những cái việc lặt vặt đó thôi. Thí dụ như bây giờ anh nói anh giúp vào cái hội chợ Tết, thì công việc của anh giúp ở trong hội chợ Tết gồm những cái việc gì?
Nguyễn Văn Ẩn: Thưa anh, công việc cái Hội chợ Tết, Trung thu và Tết Nguyên đán của mình thì trang trí sân khấu, vẽ mấy cái bích chương, biểu ngữ, rồi nói chung còn những việc nhỏ nhặt nữa chẳng hạn như mình với những người khác cùng nhau dọn vệ sinh sau khi đồng hương mình đã dự hội chợ Tết về thì mình ra dọn dẹp vệ sinh để trả lại cái sân cho Hội đồng thành phố mà mình đã mượn.
Nói chung thì những đồng hương hoặc anh em trong ban chấp hành hoặc là những thân hữu họ thấy mình làm cái việc ý nghĩa như vậy thì họ cùng nhau họ đến tham gia đóng góp với mình. Chứ một mình thì không cách nào làm nổi hết.
Hưng Việt: Có một việc làm ở Hội chợ Tết không ai có thể thay thế anh được, ai cũng phải nhìn nhận cái điều đó không phải chỉ ở Brisbane thôi mà anh đã từng xuống Sydney đảm trách cái việc này rồi. Đó là gọi lô tô mà anh có biệt danh là anh Ẩn Lô tô. Thưa anh, anh học ở đâu những câu gọi lô tô và làm sao mà anh nhớ được những cái câu đó được hay vậy?
Nguyễn Văn Ẩn: Thưa anh thứ nhất là về cái khiếu, rồi thứ hai là đôi lúc mình cũng phải có một cái bảng dự bị kế bên mình nữa cho những câu nào mà dài đó thì mình có thể mình liếc vào trong cái bảng của mình để sẵn để mình hô, thì nói chung là với anh Việt, với Mỹ Dung biết là mình tánh hay đi sinh hoạt, mỗi năm Tết mấy ngày kỳ trước mà trước dịch, Tết Nguyên đán đến đều bay xuống Sydney để tham gia trong cái gian hàng lô tô để giúp vui ở đồng hương mình ở Sydney.
Hưng Việt: Bây giờ, tiếng Anh gọi là on the spot, tức là đặt anh vô một cái thế chẳng đặng đừng liền nhé. Anh có thể đọc một hai câu lô tô để biểu diễn thính giả được nghe không?
Nguyễn Văn Ẩn: Thưa anh cái này chắc mình cũng đã đọc ở trên SBS ở Sydney rồi thôi mình nghĩ… có cần đọc lại không anh?
Hưng Việt: Thứ nhất là chuyện anh đọc ở Sydney, thứ hai đây là cho cái bài chuyện Queensland và thứ ba nữa là muốn thử tài anh đặt anh ngay tại chỗ thành ra anh ráng anh nhớ một hai số thôi.
Nguyễn Văn Ẩn: Dạ rồi bây giờ mình bắt đầu một câu thôi nha.
Có nàng con gái, tuổi mới 13
Hình dáng kiêu sa, ướt át cái mượt mà,
Tuổi con gà mái, muốn chồng mà tê tái,
Hối thúc mẹ cha,
Cha mẹ rầy la,
Bỏ nhà em đi trốn … Con số 4.
Hưng Việt: Quá hay luôn, kính thưa quý vị thính giả, đúng là tài nghệ hiếm có phải không ạ.
Mỹ Dung: Dạ thưa anh Ẩn, em thấy là mỗi lần mà cộng đồng có một cái dịp gì thì anh là một người thầm lặng luôn luôn giúp đỡ cho cộng đồng, thì anh cho biết là lý do tại sao mà anh tận tâm phục vụ cho cộng đồng như vậy?
Nguyễn Văn Ẩn: Thưa cô, tôi vào tham gia với cộng đồng Queensland là để cùng nhau xây dựng Cộng đồng thêm vững mạnh.
Hưng Việt: Dạ, đó là một cái hết sức là quý giá thì mỗi thành viên của cộng đồng nên góp tay vào nhưng mà theo anh thì qua những cái sự góp tay đó thì Cộng đồng người Việt Tự do của chúng ta ở Úc nói chung và ở Brisbane này nói riêng đã phát triển đến cái mức độ nào? Đúng như ý anh mong muốn hay không?
Nguyễn Văn Ẩn: Dạ thưa anh tôi nhận thấy rằng cộng đồng Việt Nam ở Queensland nói riêng và cộng đồng người Việt tự do liên bang Úc Châu nói chung, mỗi ngày càng thêm phát triển đoàn kết hơn từ văn hóa đến chính trị và xã hội.
Về văn hóa như cộng đồng có những trường Việt ngữ để duy trì tiếng Việt cho các em thiếu nhi. Về chính trị, cộng đồng đã kết hợp với các tổ chức, hội đoàn chống lại những văn hóa vận của cộng sản Việt Nam. Họ len lỏi vào cộng đồng nhằm mục đích để gây chia rẽ, xáo trộn trong cộng đồng. Về xã hội, thì cộng đồng đã, đang có những công việc thiện nguyện để giúp đỡ đồng hương như hướng dẫn học tiếng Anh, hướng dẫn thi vào quốc tịch Úc v.v…
Muốn khai triển thêm cho sức mạnh của cộng đồng thì tôi nghĩ đó là cái bổn phận chung của tất cả mọi người chúng ta hiện đang định cư ở tại nước Úc này.
Hưng Việt: Bây giờ trở lại bằng tưởng lệ mà anh đã được nhận hôm Queensland Day 2024 vừa rồi thì cảm nghĩ của anh khi anh được mời tới để mà được trao giải thưởng và cảm nghĩ của anh khi anh nhận cái giải thưởng nó ra sao?
Nguyễn Văn Ẩn: Câu hỏi này khó trả lời, mừng thì cũng có, ngạc nhiên cũng có. Coi như mình rất xúc động anh Việt ơi.

Cùng người đề cử, ông Lê Minh Tuấn (trái)
Tuấn Lê: Dạ, em thấy họ muốn tổ chức một cái giải để mà ghi nhận cái sự đóng góp của tất cả người dân Queensland đặc biệt là ở trong cái vùng Inala, thì tự nhiên em nghĩ tới chú Ẩn liền. Trong vòng có nửa tiếng thôi là em hoàn tất cái hồ sơ đề cử, cho thấy cái chuyện đó là rõ ràng người thật, việc thật, nó xảy ra như vậy thành ra mình suy nghĩ tới đâu mình viết tới đó thôi, mình không cần hoa hòe văn chương gì hết, em viết ra hết những cái suy nghĩ của em về chú Ẩn.
Em biết được chú Ẩn ít nhất cũng khoảng 20 năm. Thì trong thời gian đó biết bao nhiêu cái sinh hoạt của cộng đồng mà cái ấn tượng nhất của em là gì? Là mỗi lần hội chợ Tết với Trung Thu, chú là cái người đầu tiên đi ra ngoài cái chỗ mà tổ chức. Hẹn 9 giờ, 8 giờ đã có mặt ngoài rồi. Rồi tới cuối cùng á khi mà đóng cửa dọn hết rồi, thì mọi người ra về hết. Mà chú cũng không kêu, cũng không hỏi ai hết trơn, em đi theo lần đầu rồi lần sau, rồi rồi trung thu, rồi Tết hoài mà bây giờ chắc cũng hai chục năm rồi.
Mình nói như vậy không có nghĩa là không ai giúp, nhưng mà tại vì chú Ẩn không có kêu người ta, chú tự làm, chú không có muốn kêu ai hết trơn, âm thầm làm như vậy rồi, vài lần sau bắt đầu nhiều người vô giúp, đi về tới đây là chất đồ lên, chất đồ xuống hết này kia, xong dọn xe xong hết mọi người đi ra về, chú cũng là người cuối cùng, mặc dù có nhiều người giúp nhưng mà cũng là người cuối cùng để mà chất hết đồ xuống xe rồi đóng cửa đi ra về.
Nếu mà nói ra đó thì anh chị thấy là chú Ẩn hình như hồi nãy giờ đó hình như quá khiêm nhường, phải không?
Em nhớ rồi là trong giấy mà đề cử đó em viết là em nhớ có một lần đó chú đi holiday nhưng mà chú nói là ngày đó chú sẽ trở về để mà set up cái hội chợ Tết. Rất là nhiều chuyện mà lý do tại sao em phải đề cử chú Ẩn.
Mình phải nói rằng trong cộng đồng mình rất là nhiều người có tinh thần giúp đỡ cộng đồng thì cộng đồng ngày hôm nay nó mới phát triển như vậy, rất nhiều, không phải riêng một mình chú Ẩn, nhưng mà mỗi cuộc trao giải này kia thì họ luôn luôn chọn ra với một con số nhất định thành ra em không đề cử hết được.
Khi mà bên ban tổ chức hỏi xin cái tấm hình nó liên quan đến cái chuyện mà chú Ẩn làm, em đi kiếm hoài luôn không có, em mới nhớ lại thì kiếm được hai tấm hình duy nhứt, tại vì chú lúc nào cũng là lo sân khấu xong rồi Sân khấu mà khi mà chuẩn bị mở màn, khi mà bắt đầu đó thì chú mất tiêu, chú đi công việc khác. Rồi tới chừng giờ chót cuối cùng đó, thì chú mới xuất hiện. Lên sân khấu một lần nữa, mà lên sân khấu để dọn dẹp.
Hưng Việt: Cảm ơn anh Tuấn đã chia sẻ những lý do mà anh đề cử anh Ẩn. Anh là một trong hai mươi người, nhận được bằng tưởng lệ của Hội đồng Thành phố trong dịp lễ Queensland Day vừa qua do Southwest Progress Australia tổ chức.
Có một điều nữa mà ít người biết anh Ẩn là một người rất là trực tính có điều gì họp trong ban chấp hành hay là khi họp lại để mà tổ chức một điều gì, anh Ẩn thấy không đồng ý là anh Ẩn thẳng thắn nêu lên với lại ban chấp hành và ban tổ chức. Thưa anh, anh thấy điều đó là một cái sự cần thiết để mà đóng góp cho sự hưng thịnh của cộng đồng nói chung hay không?
Nguyễn Văn Ẩn: Thưa anh tôi thấy cái việc mà đóng góp về ý kiến của mình đối với ban chấp hành, thì tôi có quan niệm tôi là mình góp ý để xây dựng, không phải mà góp ý để có mục đích là chia cắt giữa người này và người nọ, hoặc là vấn đề bất đồng ý kiến. Tôi chỉ muốn rằng là mình bất đồng nhưng mà đừng có bất hòa. Đó là cái châm ngôn của tôi.
Mỹ Dung: Dạ, mà trong suốt cái quá trình làm việc cho cộng đồng, anh có những kỷ niệm vui buồn nào không anh?
Nguyễn Văn Ẩn: Thưa cô, có chứ, một vài mấy kỷ niệm vui buồn mà trong thời gian tôi tham gia sinh hoạt của cộng đồng, như vui là khi thấy những sinh hoạt của cộng đồng được đồng hương tham gia đông đủ.
Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là khi mà tôi vào bệnh viện thì anh em trong cộng đồng không có quên tôi, vẫn hỏi thăm sức khỏe của tôi, đó là cái kỷ niệm mà tôi không bao giờ tôi quên được.
Vì thế mình nghĩ anh em quan tâm mình thì mình làm cái gì nhỏ thôi để đáp lại cái sự quan tâm của cộng đồng và anh em thiện nguyện viên.
Buồn thì là có những tiêu cực một vài cá nhân họ chưa nhận được sự lợi ích của cộng đồng chúng ta đã và đang xảy ra với cộng đồng chính mạch. Ý muốn nói là với cộng đồng chính mạch thì mình phải thể hiện những việc làm của mình để hòa nhập vào với cộng đồng chính mạch ở đây.
Hưng Việt: Như vậy theo anh thấy thì chúng ta chưa hội nhập đủ sao?
Nguyễn Văn Ẩn: Không thể gọi bao nhiêu là đủ anh Việt. Đó là mình góp được bao nhiêu thì mình đóng góp chứ còn mà đủ thì phải gọi là chưa bao giờ đủ, đến khi ngày mà mình già mà đi lụm cụm cũng chưa đủ nữa thành ra tôi nghĩ đối với cộng đồng là không bao giờ đủ hết.
Hưng Việt: Như vậy anh có thể cho một thí dụ là chúng ta có thể làm một điều gì cụ thể hơn nữa để mà hội nhập vào trong cái xã hội chính mạch.
Nguyễn Văn Ẩn: Nếu mình muốn hội nhập vào cộng đồng chính mạch ở đây đó, thì mình phải cùng nhau hội ý, góp ý lại những việc làm ưu và khuyết điểm của cộng đồng, để mà mỗi ngày càng thêm gần gũi, hội nhập với cộng đồng chính mạch ở đây.
Hưng Việt: Thưa anh Ẩn chúng tôi được biết là trong thời gian vừa qua, thì sức khỏe của anh có lúc không được khả quan lắm, phải vào bệnh viện, như vậy theo anh nghĩ thì trong thời gian sắp tới đó, anh cần có thêm nhiều người phụ giúp anh hơn là bây giờ hay không?
Nguyễn Văn Ẩn: Thưa anh tôi nghĩ rằng là thời gian từ ngày mà tôi bị dịch thì sức khỏe nó không có ổn định. Giống như hồi trước nó không có khỏe, thay hồi trước tôi đi mười bước thì chỉ có một phút thôi, bây giờ đi năm bước thôi cũng phải mất hai một phút thành ra nó không có được lanh lẹ, phải coi như là nó không có lanh lẹ giống như hồi xưa nữa. Với số tuổi năm nay cũng gọi là thất thập cổ lai hy, vậy là 75 tuổi rồi, thì mình thấy sức khỏe còn ngày nào đó thì mình phụ với cộng đồng ngày đó, bất cứ cộng đồng là cộng đồng chung, mình chỉ nghĩ tới cộng đồng nhiều hơn.
Hưng Việt: Cuối cùng như vậy thì thưa anh Ẩn, anh còn có điều chi anh muốn chia sẻ thêm với lại thính giả của chúng ta hay không?
Nguyễn Văn Ẩn: Dạ. Thưa anh, đối với thính giả của đài SBS, tôi kính chúc quý thính giả vạn sự an lành, cùng nhau xây dựng một cộng đồng người Việt mỗi ngày thêm vững mạnh, trong tinh thần tương thân tương ái. Trân trọng kính chào!
Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung, cũng như thính giả, chúng tôi thành thật chúc mừng ông Nguyễn Văn Ẩn cuối cùng cũng đã được công nhận những công sức đóng góp của ông vào cho những sinh hoạt ở đây.
Kính chúc ông được nhiều sức khỏe, bình an và luôn luôn nhìn thấy được những thành quả của Cộng đồng chúng ta.
Đồng thời cũng xin cảm ơn anh Tuấn Lê đã đóng góp vào trong cuộc mạn đàm ngày hôm nay, cũng nhờ có anh mà chúng ta mới có thể giới thiệu được những công sức của những người đóng góp một cách âm thầm như ông Nguyễn Văn Ẩn. Xin cảm ơn anh và cũng chúc anh và quý quyến được nhiều sức khỏe, bình an.
Tuấn Lê: Dạ cảm ơn anh Trần Hưng Việt, cảm ơn chị Mỹ Dung đã tạo cơ hội cho không phải riêng em hay riêng chú Ẩn mà có nhiều người biết đến những sinh hoạt của cộng đồng hay những công việc của người ta mà nó mang lại lợi ích đặc biệt là những người làm việc thiện nguyện cho cộng đồng như chú Ẩn đây, mình có cái cơ hội để mình nói cho thính giả khắp nơi biết được là cộng đồng của mình mỗi ngày đều có cái sự vận hành, đều có những người thiện nguyện người ta đóng góp vô để mà cho cộng đồng nó phát triển và hội nhập vô cộng đồng chính mạch của Úc. Cảm ơn thính giả SBS đã lắng nghe.
Mỹ Dung: Dạ cảm ơn anh Ẩn, cảm ơn anh Tuấn Lê.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Những người được tưởngh thưởng. Ông Nguyễn Văn Ẩn, hàng thừ nhì, người thứ nhì từ bên trái.