Hưng Việt: Xin chào cô Viên Trương, cô Carol Devine, cô Chi Nguyễn và anh Vinh Đào.
Viên Trương: Dạ em tên là Viên Trương. Em là nhân viên quản lý văn phòng cộng đồng và đồng thời là nhân viên xã hội. Xin thay mặt cho các bạn gửi lời chào tới chú Hưng Việt, chị Mỹ Dung và thính giả đài SBS.
Mỹ Dung: Xin chào tất cả các em.
Hưng Việt: Đầu tiên thì cô Viên Trương, cô là quản lý của văn phòng cộng đồng, cô có thể cho biết tóm tắt công việc của các nhân viên trong văn phòng cộng đồng thì bao gồm những lãnh vực gì?
Viên Trương: Dạ thưa chú, các nhân viên Cộng đồng hiện giờ là đảm nhận ba lĩnh vực khác nhau hỗ trợ cộng đồng.
Đầu tiên là chương trình cứu trợ khẩn cấp còn gọi là ER (Emergency Relief), sẽ hỗ trợ tài chính và cung cấp các như yếu phẩm cho những người đang gặp các hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ giúp họ vượt qua những khó khăn ngay lập tức mà còn giúp ngăn ngừa khủng hoảng tài chính trong tương lai bằng cách là các nhân viên sẽ giới thiệu cho họ đến các dịch vụ hỗ trợ tài chính và xã hội phù hợp.
Tiếp theo là chương trình kết nối cộng đồng gọi là CCP (Community Connect Program) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các cá nhân và gia đình đang đối mặt với các vấn đề phức tạp như bạo lực gia đình, bạo hành tình dục, sức khỏe tâm thần và các vấn đề về nhà ở, kết nối người dân với các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng và chuyên gia, đồng thời hỗ trợ tài chính nếu cần thiết để giúp họ vượt qua các khó khăn.
Cuối cùng là dịch vụ hỗ trợ cộng đồng gọi là NHC (Neighbourhood Center), chẳng hạn như hỗ trợ họ điền các cái đơn, gọi điện thoại và cung cấp các thông tin cần thiết.
Bên cạnh đó Cộng đồng còn tổ chức nhiều hoạt động đa dạng như các lớp học tiếng Anh, tin học, quốc tịch, lớp vẽ, thư pháp, khiêu vũ và Tai Chi. Những hoạt động này không chỉ tạo cơ hội học hỏi mà còn thúc đẩy sự phát triển cá nhân và kết nối trong cộng đồng.
Hơn nữa thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ thông tin, mời các chuyên gia đến trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giúp cộng đồng tiếp cận được nguồn tài nguyên cần thiết.
Mỹ Dung: Vậy ở đây có bao nhiêu nhân viên cả thảy hả em, rồi tất cả đều là part time hay sao?
Viên Trương: Dạ hiện tại cộng đồng có tổng cộng bảy nhân viên trong đó có ba nhân viên là part time phụ trách ba mảng chính như đề cập ở trên là ER, CCP, và NHC. Con là Viên Trương sẽ lo về khoảng hỗ trợ cộng đồng. Vinh Đào sẽ là người phụ trách chương trình kết nối cộng đồng và chú Anh Lê sẽ lo về hỗ trợ khẩn cấp ER.
Bốn nhân viên còn lại là nhân viên thời vụ. Bên cạnh đó cộng đồng cũng thường xuyên tiếp nhận các thực tập sinh từ các trường đại học và TAFE đến thực tập góp phần tạo nguồn lực và hỗ trợ cho các hoạt động của cộng đồng.
Hưng Việt: Như vậy thì tất cả bảy nhân viên đều được chính phủ Queensland tài trợ hay sao?
Viên Trương: Dạ fund sẽ từ chính phủ QLD cũng chia làm ba cái fund cụ thể như là ER, CCP và NHC.
Hội đồng thành phố thường sẽ tài trợ về những cái hoạt động như là Tết, Trung thu.
Mỹ Dung: Tại sao mà các em lại muốn đến làm việc ở Cộng đồng vậy hả em?
Vinh Đào: Trước hết thì cho em xin giới thiệu em là Vinh Đào là nhân viên kết nối cộng đồng của Cộng đồng người Việt tự do Queensland. Cho em xin chào chú Hưng Việt, cô Mỹ Dung và thính giả của đài SBS.
Lý do chính mà em và mọi người làm việc ở văn phòng Cộng đồng muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Những người gần như khó tiếp cận nguồn thông tin ở bên nước Úc này. Thực sự đó chỉ là lý do rất đơn thuần để mọi người làm việc và tham gia vào tổ chức người Việt tự do.
Chi Nguyễn: Dạ, em tên là Chi Nguyễn, và em cũng chào chú Việt và chị Mỹ Dung. Em thích làm ở đây vì em có lòng muốn giúp người nên vô đây để học hỏi những cái cách để có thể giúp cộng đồng người Việt của mình và những người khác trong cộng đồng không phải là người Việt không.
Carol Devine: Dạ em tên Carol Devine. Trước hết em chào chú Việt với chị Mỹ Dung. Em thích làm ở Cộng đồng vì em thích giúp đỡ cho community em thấy cái điều này rất là rewarding job thành ra em hy vọng em làm nhiều năm để giúp đỡ thêm ở trong cộng đồng. Dạ cám ơn.
Viên Trương: Dạ lý do em muốn làm việc cho cộng đồng là em muốn giúp đỡ và cải thiện cuộc sống của các đồng hương đang sinh sống tại nước Úc, với mong muốn được bảo tồn văn hóa, tăng cường sự gắn kết và học hỏi phát triển kỹ năng của bản thân, em cảm thấy có trách nhiệm với xã hội và mong muốn tạo sự thay đổi tích cực trong cộng đồng, từ việc hỗ trợ các cá nhân gặp khó khăn đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục và văn hóa.
Hưng Việt: Các em cho biết mục đích làm ở cộng đồng đa phần là muốn giúp đỡ đồng hương của mình thành ra cái điều đó tôi nghĩ là đồng hương đến đây để nhận sự giúp đỡ đó đều quý mến, nhưng mà muốn được vào làm cộng đồng thì các em có phải tốt nghiệp một cái bằng nào không?
Viên Trương: Dạ trước đây thì em có bằng Master liên quan tới Finance và Accounting. Và sau đó cảm thấy là giúp đỡ cộng đồng là một công việc em thích và muốn theo đuổi cho nên em học thêm Cetificate III Community Services để phục vụ cho cái công việc hiện tại.
Vinh Đào: Còn con thì có bằng Bachelor về Social work. Khi làm ở trong cộng đồng thì cũng không phải là quá bắt buộc phải tốt nghiệp cấp đại học miễn sao là mình có khả năng để giúp đồng hương và con nghĩ là cũng đã là có cái tâm có thể làm trong cộng đồng rồi.
Chi Nguyễn: Dạ, cái bằng đầu tiên của em là không có liên quan đến cộng đồng mà là Bachelor of Architecture. Rồi sau đó thì em học cái bằng Theology, sau này thì con mới học Individual Support Certificate III Disability and Aging. Hiện tại thì con mới học xong cái Diploma Community Services. Qua những kinh nghiệm đó thì con mới vô đây làm.
Carol Divide: Dạ em thì có certificate III cho Admistration với Customer Services.
Hưng Việt: Khi mà cô Viên cho biết là có ba lãnh vực làm việc của quý vị ở trong văn phòng thì thường đồng hương đến đây cần sự trợ giúp nhiều nhứt là về phương diện nào?
Vinh Đào: Dạ khi mà con vào làm ở trong cộng đồng thì con thấy rào cản ngôn ngữ là khó khăn lớn nhất, đa số mọi người sẽ tìm đến đây để nhờ giúp điền đơn, thậm chí là gọi công ty điện và nước bởi vì có những cái thay đổi của chính phủ họ không có biết. Mọi người sẽ gặp rất nhiều cái vấn đề về ngôn ngữ và tiếp cận thông tin.
Thứ hai nữa là bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục.
Và cái cuối cùng mà nó sẽ phổ biến nhiều hơn không chỉ ở cộng đồng người Việt mà là ở những cộng đồng sống ở xung quanh khu vực Inala, Darra, Richland, là những khó khăn về tài chính. Sự lạm phát và giá cả leo thang liên tục như hiện tại bây giờ nó sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến chi tiêu của những các hộ gia đình không chỉ của người Việt mà của những người bản xứ nữa. Thế nên cộng đồng người Việt cũng có thể hỗ trợ về tài chính.
Hưng Việt: Ngoài cái cuộc khủng hoảng về giá cả sinh hoạt và ngôn ngữ như anh Vinh nói đó, thì có một cái khó khăn hiện tại mà dân chúng đang gặp đó là về vấn đề nhà ở, anh Vinh hoặc là các bạn khác có nhận thấy có nhiều người đến nhờ sự giúp đỡ tìm kiếm cho họ một mái nhà không?
Vinh Đào: Dạ có, đó cũng là một vấn đề rất là khó khăn cho cộng đồng của mình. Đa số là đồng hương hơi cao tuổi một chút, bởi vì họ không có đi làm nữa, họ tới để nhờ chúng con hỗ trợ điền cái đơn để xin nhà chính phủ rất nhiều.
Hưng Việt: Văn phòng cộng đồng còn có tổ chức những lớp hướng dẫn như về vấn đề chăm sóc lão niên, aged care, về các vấn đề khác,… đồng hương muốn tham dự các lớp đó, thì phải làm sao, phải nộp đơn ở đâu và làm sao biết được có những lớp đó để mà ghi danh.
Chi Nguyễn: Khi có cập nhật mới về các lớp hướng dẫn, cộng đồng sẽ đăng tin trên Facebook Cộng đồng Người Việt Tự do Queensland hoặc là tuần báo SS, các đài phát thanh tiếng Việt hoặc quý đồng hương có thể liên lạc những nhân viên ở cộng đồng qua số điện thoại 0419-844-665 để biết thêm thông tin chi tiết về các khóa học đã, đang và sẽ diễn ra. Thường thì các kh óa học do cộng đồng riêng rẽ tổ chức hoặc phối hợp với các tổ chức khác, thường các lớp này là miễn phí và có thể có giới hạn số lượng học viên. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu cao, thì cộng đồng sẽ xem xét mở thêm các lớp học để đáp ứng nhu cầu của mọi người.
Hưng Việt: Cô có thể cho biết là Cộng đồng đã tổ chức những lớp học như thí dụ như là lớp gì? Và số người tham dự đó khoảng bao nhiêu người một lớp?
Viên Trương: Dạ hiện cộng đồng đang mở các lớp như là lớp tiếng Anh, lớp Vi Tính, những lớp này dao động khoảng 10 tới 20 người tham gia trong mỗi buổi. Có lớp Tai Chi mỗi fortnight vào chủ nhật hàng tuần có khoảng 10 người tham gia, bên cạnh đó có lớp Aged Care hiện giờ có hai khóa đang dạy và mỗi một lớp khoảng 15 học viên và hai khóa đã tốt nghiệp và những học viên tốt nghiệp thì cũng kiếm được việc làm.

(Từ trái) cô Chi Nguyễn, cô Carol Devine, cô Viên Trương, anh Vinh Đào
Vinh Đào: Dạ, những buổi workshop và seminar bên cộng đồng khác mà đây là những mối quan hệ trước đây cộng đồng đã có kết nối với họ rồi thế là có những khóa học, có những workshop, seminars, online, face to face, thì bên họ sẽ gửi email.
Chúng con muốn kết nối với các dịch vụ xã hội hoặc là những cộng đồng khác thì chúng con có thể liên lạc với h để nói chuyện để tìm hiểu thêm họ đang làm ở những cái lãnh vực gì, họ giúp khách như thế nào, khi họ nghe đến trong cái khu vực họ giúp đỡ có những người Việt đang sinh sống ở đó và họ cũng sẽ cố gắng liên lạc với bên cộng đồng người Việt để mình có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh như vậy.
Chúng con cũng tích cực tham gia những cái sự kiện của những cái cộng đồng khác. Gần đây nhất chúng con có tham gia Inala Multicultural Festival, Darra Community Festival.
Chúng con lúc nào cũng sẽ cố gắng có một cái quầy ở đó và chúng con cũng quảng cáo, quảng bá về cái dịch vụ của cộng đồng.
Mỹ Dung: Mấy em có nghĩ đến là mình tổ chức thêm những cái sinh hoạt nào mà cho các bạn trẻ trong cộng đồng tham gia không?
Viên Trương: Dạ hiện giờ thì Cộng đồng đang xin những cái grant cho youth để thu hút những young generation tham gia cho Cộng đồng như tổ chức lớp học, hay những cái Art craft để các bạn trẻ tham gia nhưng mà hiện giờ fund đang xin, khi nào có thì bên cộng đồng sẽ thông báo.
Thường funding sẽ do chú Bắc, tổng thư ký của Cộng đồng xin, nhưng mà khi nhân viên thấy cái fund gì mà phù hợp cho cộng đồng thì sẽ xin ý kiến của chú và nếu mà cảm thấy đó phù hợp thì bên Cộng đồng sẽ apply và xin cái fund đó.
Hưng Việt: Đối với các hội đoàn trong cộng đồng của người Việt mình đó thì đôi khi tôi thấy cũng có hiện diện nhân viên cộng đồng trong những sinh hoạt đó, chẳng hạn như là hội chợ Tết hay là Trung Thu, đặc biệt là sự hiện diện của cô Carol rất là thường xuyên. Thì cô Carol có thể cho biết những nhiệm vụ của cô ở trong các sinh hoạt đó hay không.
Carol Devine: Dạ nhân viên của cộng đồng được khuyến khích tham gia các sinh hoạt của cộng đồng. Tuy nhiên, Ban Chấp hành cũng không ép buộc nhân viên phải tham gia vì đây là các hoạt động tình nguyện. Việc tham gia hay không tham gia, các hoạt động này thường được xem xét theo sự linh hoạt và mong muốn cá nhân của từng nhân viên.
Hưng Việt: Bây giờ thí dụ có một thành viên có chuyên môn hay là có kiến thức, kỹ năng về một vấn đề nào đó họ muốn chia sẻ với người khác ở trong cộng đồng, muốn nhờ cộng đồng tổ chức một cái buổi meeting, hay một seminar hay một buổi workshop hay một buổi trình bài như vậy đó, thì họ có thể làm được hay không? Và nếu có thể được thì liên lạc với ai? Bằng cách nào?
Viên Trương: Dạ cộng đồng cũng hỗ trợ nhiều người để thực hiện những buổi workshop. Ngoài ra thì cũng có những cá nhân khác muốn mở lớp yoga hoặc là muốn dạy về đàn tranh. Tuy nhiên thì không phải là trường hợp nào thì cộng đồng cũng giúp được, có những cái vấn đề tế nhị hoặc là liên quan tới bảo hiểm hoặc là visa của cái người đó cho nên trường hợp nào giúp được thì cộng đồng sẽ hỗ trợ.
Thường là những cái người xin đó sẽ thông qua chú Bắc là cái người quyết định xem có được dạy hay là sử dụng cái hall của cộng đồng để tổ chức các sự kiện đó hay không.
Mỹ Dung: Các em có thể cho một cái thí dụ về sự giúp đỡ nào mà các em cảm thấy thành công và vui mừng nhất không?
Viên Trương: Dạ, em đã tiếp xúc rất là nhiều khách hàng khác nhau cho nên không thể chọn ra một ví dụ cụ thể nào hết. Tuy nhiên trong quá trình làm việc thì em cảm thấy hài lòng và thành công là trong trường hợp em giúp khách điền đơn xin nhà housing và giúp họ viết support letter và sau đó họ báo lại đã được nhận nhà của chính phủ. Hoặc là em giúp các phụ nữ thoát khỏi tình trạng bạo hành gia đình và giúp họ bắt đầu cuộc sống mới an toàn hơn. Ngoài ra cũng có những lúc khách hàng họ cảm thấy bất an và cần một người để tâm sự và khi đó nhân viên văn phòng là những người có mặt để lắng nghe và hỗ trợ họ trong những hoàn cảnh khó khăn đó.
Vinh Đào: Khi mà em làm việc với các gia đình hoặc những người mà gặp khó khăn như vậy khi mà nghe tin của họ thì mình cũng rất là vui rất là hạnh phúc.
Chi Nguyễn: Em mới làm đây thôi thành ra kinh nghiệm cũng không có nhiều người, nhưng mà những người đã đến mà Chi đã giúp thì có thể nói là mình thấy cái reward nó immediate. Có thể là họ chỉ cần mình dịch một lá thơ để họ hiểu được cái gì họ nên làm, hoặc là mình giúp họ điền cái form rồi họ nạp, họ được nhận đủ tiêu chuẩn hết thì mình cũng mừng.
Carol Devine: Khi mà em thấy khách tới cần giúp đỡ gọi điện thoại. Họ không có biết tiếng Anh giỏi thì mình giúp đỡ họ feel comfortable, mình cảm thấy mình giúp đỡ một, hai người khách cho complete a question hay gì á, họ solve cái problem của họ rồi làm cho họ vui, yeah.
Hưng Việt: Các em có cảm thấy thoải mái làm việc ở đây hay không? Ý tôi muốn hỏi là working conditions.
Vinh Đào: Khi mà làm việc ở trong cộng đồng thì nhân viên đều có tiếng nói. Nếu có vấn đề gì thì chúng em cũng có thể nói chuyện với chị Viên, vì chị Viên là manager, là điều phối viên. Những khó khăn hoặc là những cái feedback của nhân viên trong cộng đồng đều phải qua chị Viên để nói lên với ban chấp hành. Và Ban chấp hành cũng có những câu trả lời thỏa đáng. Làm việc trong cộng đồng không gặp quá nhiều áp bức hay khó khăn gì cả, đa số mọi người đều rất là vui vẻ, hòa đồng với nhau.
Mỹ Dung: Cuối cùng thì mấy em còn điều gì muốn chia sẻ thêm nữa không?
Viên Trương: Dạ, để cộng đồng người Việt tự do được vững mạnh như ngày hôm nay thì phần lớn là nhờ sự ủng hộ tin tưởng của các đồng hương trong suốt khoảng thời gian vừa qua, vì vậy em xin thay mặt cho Cộng đồng cảm ơn sâu sắc tới toàn bộ cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Brisbane đã luôn ủng hộ cho Cộng đồng và mong rằng trong tương lai chúng em có thể tiếp tục giúp đỡ thật nhiều các đồng hương. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn ạ.
Hưng Việt: Dạ thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả của SBS chúng tôi thành thật cảm ơn tất cả bốn nhân viên của văn phòng cộng đồng ở đây cô Viên, anh Vinh, cô Chi và cô Carol đã dành thì giờ để cho chúng tôi có cuộc mạn đàm rất là lý thú và hữu ích này. Xin chúc tất cả mọi người được mạnh khỏe, làm việc vui vẻ và tiếp tục giúp đỡ cho đồng hương Brisbane.
Viên Trương: Dạ Xin cảm ơn chú Hưng Việt, chị Mỹ Dung và các thính giả của Đài SBS
Mỹ Dung: Xin cảm ơn các em nha.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung