Chuyện Queensland: Hoạ sĩ Mai Trịnh

02 - Họa sĩ Mai Trịnh tại studio.jpg

Họa sĩ Mai Trịnh tại studio

Hôm nay, chuyện Queensland sẽ mời quý thính giả cùng hai phóng viên Hưng Việt và Mỹ Dung đến tiếp xúc với nữ họa sĩ Mai Trịnh để tìm hiểu về những đóng góp của cô trong lĩnh vực hội họa ở Brisbane trong hai năm qua.




Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với nữ họa sĩ Mai Trịnh để biết thêm về những sinh hoạt nói trên cùng những nhận định của cô về bộ môn nghệ thuật này.

Hưng Việt: Dạ xin chào cô Mai Trịnh.

Mai Trịnh: Dạ em chào anh Hưng Việt, chào chị Mỹ Dung và kính chào thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ xin chào Mai Trịnh.

Hưng Việt: Cô Mai, cô khám phá ra là cô có khiếu về hội họa từ hồi nào?

Mai Trịnh: Dạ em nhớ là từ lúc khi mà còn chưa biết viết chữ thì em đã biết vẽ và rất là thích vẽ rồi. Em có nghe ba mẹ em kể lại là lúc em còn nhỏ thì chỉ cần cho em một tờ giấy với cây bút là em có thể ngồi vẽ hàng giờ mà không biết chán.

Hưng Việt: Cô còn nhớ bức tranh mà cô vẽ đầu tiên cái hồi còn nhỏ là cô vẽ về cái gì hông?

Mai Trịnh: Em thì không có thể nhớ được như vậy nhưng mà có một bức tranh mà em ấn tượng với lại bố em cũng còn giữ bây giờ là khi mà em xem hết cái bộ Tam quốc Chí thì em có vẽ lại toàn toàn một trận đánh

Mỹ Dung: Lúc đó em cỡ mấy tuổi?

Mai Trịnh: Dạ lúc đó em cỡ 7 tuổi

Mỹ Dung: Mà hồi nhỏ đó em nhớ là em hay vẽ cái gì nhất?

Mai Trịnh: Lúc nhỏ xíu thì là thích vẽ người, vẽ công chúa, Dạ

Hưng Việt: Hay ha, mới 7 tuổi mà vẽ chuyện Tam quốc chí rồi Dạ Mà rồi sau đó thì cô có theo học một lớp hội hòa nào để phát triển thêm cái tài nghệ, cái kỹ năng của cô không?

Mai Trịnh: Dạ, lúc mà còn nhỏ thì em cũng không có theo học lớp vẽ nào, chỉ trước một năm chuẩn bị thi vào trường Đại học Kiến Trúc thì em mới theo học một lớp luyện thi dựng hình bằng chì để vào trường Đại học Kiến Trúc. Sau khi mà đậu vào trường Đại học Kiến Trúc thì trong trường có rất là nhiều giờ vẽ và rất là nhiều thể loại để mà em được trải nghiệm. Sau này vì yêu thích hội họa nên em có học thêm về vẽ tranh lụa.
04 - Tranh lụa - Mùa Thu.jpg
Tranh lụa - Mùa Thu
Mỹ Dung: Nhân em nói về mấy thể loại vẽ tranh đó thì em có thể nói chi tiết thêm là em thích vẽ tranh lụa, hay là phong cảnh, tĩnh vật hay là cái gì hả em?

Mai Trịnh: Dạ sau khi thử nghiệm rất là nhiều thể loại thì em đặc biệt rất là thích vẽ tranh lụa và tranh acrylic nữa. Chủ đề thường em hay vẽ hoa đặc biệt là hoa sen, với lại những cảnh đẹp thiên nhiên chung quanh mà khi mình có những cảm nhận với lại có sự rung động của nó. Sau này thì em đặc biệt thích tranh lụa.

Chắc là em nói một chút xíu về tranh lụa ha.

Tranh lụa là một loại hình nghệ thuật có nguồn gốc Á Đông mà thay vì vẽ trên nền giấy thì các nghệ nhân sẽ tô vẽ các màu sắc và họa tiết trên nền tấm vải lụa của mình. Tranh lụa truyền thống thì đã từng phát triển rất mạnh mẽ ở các nước có nền văn hóa lâu đời như là Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.

Về chất liệu vẽ tranh thì tranh lụa thường là dùng lụa tơ tằm. Phải rất là mịn hoặc là có thể hơi thô một chút xíu, nhưng mà không được có lỗi.

Màu để vẽ tranh lụa thì dùng màu nước. Bây giờ mình có thể dùng màu acrylic. Hồi xưa thì mọi người dùng phẩm hoặc là mực nho. Vẽ tranh lụa thì đòi hỏi nghệ nhân cần phải có một sự khéo léo, kiên trì nhất định vì đây thực sự là một chất liệu rất là khó tả.

Lụa trước khi mà vẽ thì em thường phải căng ở trên khung thật là căng thì mình mới có thể vẽ được và mình có thể vẽ trên lụa ướt hoặc là lụa khô. Mình sẽ phải vẽ từng lớp từng lớp một thì giúp cho tranh tả được màu sắc mong muốn và nó mang cái độ trong nhất định. Chính vì vậy cho nên điểm mạnh của tranh lụa là sự trong trẻo và êm dịu của màu sắc.

Vì nó khó như vậy cho nên phần lớn những cái người vẽ tranh lụa là phải xây dựng, phác thảo hình mảng một cách rất là kỹ lưỡng trước khi thể hiện trên cái mặt lụa thực sự.

Hưng Việt: Cái vật liệu mà để dùng vẽ tranh lụa như cô nói đó thì có thể nó là tơ tằm. Đi tìm mua có khó không cô?

Mai Trịnh: Dạ, em cũng thử trên rất là nhiều chất liệu vải, thì tơ tằm là một trong những chất liệu vẽ rất là đẹp nhưng rất khó. Nếu mà tơ tằm tự nhiên thì hơi khó tìm, nhưng mà tơ tằm mà được dệt theo kiểu công nghiệp thì cũng khá là nhiều.

Hưng Việt: Ở Brisbane, ở Úc này thì tơ tằm có dễ mua không?

Mai Trịnh: Ở Brisbane thì em chỉ thấy có một hàng ở Indooroopilly có bán thôi. Còn những chất liệu tơ tằm khác thì em chưa thấy.

Hưng Việt: Như vậy thì cô mua ở đâu?

Mai Trịnh: Em mang từ Việt Nam sang. Và em mang là chất liệu lụa Hà Đông của Việt Nam mình.

Mỹ Dung: Như vậy mình có thể ứng dụng để mình vẽ áo dài hay là mấy cái áo ngắn hay này kia, mặt khăn trải bàn hay này kia được không em?

Mai Trịnh: À dạ được. Thì bây giờ thì với dòng chảy hiện đại thì vẽ trên lụa thì không còn chỉ là vẽ những tấm bình phong hoặc là những tranh trang trí nữa mà được ứng dụng rất là rộng rãi trên các sản phẩm. Em cũng có vẽ trên túi xách, trên khăn, trên áo, áo dạ hội, áo đi tiệc hoặc là những áo thông thường của mình mặc. Và đặc biệt là trên áo dài, em rất là thích vẽ trên áo dài.
06 - Tranh lụa _ Tĩnh lặng mùa Hè.jpg
Tranh lụa - Tĩnh lặng mùa Hè
Hưng Việt: Một cái sáng tác của cô trên áo dài như chúng tôi thấy ở đây đó thì mất thường khoảng bao lâu?

Mai Trịnh: Dạ để mà có được ý tưởng cộng với lại bản maquette trước khi hình thành thì là khoảng mất một tuần rồi sau đó thì em sẽ mất khoảng một tuần để mà vẽ thật sự là trên cái áo dài thật đó.

Hưng Việt: Cô hồi nãy có nói là vẽ tranh lụa đó thì thường là phổ thông ở các nước như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa thì đó là những nước Á Đông Nó có phổ biến ở các nước Tây Phương hay không? Và nếu không thì tại sao?

Mai Trịnh: Dạ, theo như em nghĩ thì vẽ tranh lụa sẽ khác với tranh acrylic là khi mình vẽ tranh acrylic hoặc là tranh sơn dầu thì mình muốn sửa chửa hoặc điều chỉnh gì cho bức tranh thì mình có thể chồng các lớp lên với nhau tuy nhiên đối với tranh lụa khi đặt bất kỳ một nét cọ nào xuống cũng sẽ là định hình cái bức tranh của mình, mình không có khả năng, xóa bỏ nó đi hoặc là chồng những lớp khác lên với nhau chính vì vậy đòi hỏi thời gian nó dài và độ tỉ mỉ nó rất là cao.

Theo quan điểm của em thì đặc tính của người châu Á của mình rất là khéo tay và tỉ mỉ, chính vì vậy mà phát triển dòng tranh lụa từ phía châu Á của mình là phát triển nhiều hơn. Với lại theo như em nhớ là con đường tơ lụa và dệt lụa là xuất phát từ Trung Quốc Thành ra chính vì dệt lụa từ Trung Quốc thì những cái tranh lụa nó mới xuất phát từ đó đầu tiên.

Hưng Việt: Thưa cô Mai, hồi nãy cô có đề cập tới cái chuyện cô có học ở trường Kiến trúc ở Việt Nam, và đã tốt nghiệp rồi nữa. Cô có thể cho biết có sự tương quan nào giữa ngành kiến trúc và môn hội họa hay không ạ?

Mai Trịnh: Dạ, câu hỏi này thật là một câu hỏi hay quá trời. Theo góc nhìn cá nhân của em thì kiến trúc và hội họa luôn luôn song hành cùng với nhau vì cả hai bộ môn này đều là một trong những loại hình nghệ thuật mà tập trung vào thị giác. Ngoài điểm chung là cùng mang lại giá trị nghệ thuật thì kiến trúc và hội họa đều sử dụng màu sắc, hình khối, đường nét và họa tiết để thỏa mãn nhu cầu thị giác của người xem. Điểm khác nhau mà em thấy được là đối với kiến trúc thì ưu tiên về công năng, còn đối với hội họa thì tập trung vào thị giác là phần lớn. Nói nôm na thì đối với kiến trúc nó giống như là một sản phẩm 3D mà con người mình ở vào trong đó để mà trải nghiệm, cảm nhận. Còn đối với hội họa thì chúng ta ngắm nhìn bằng mắt và có cảm xúc với nó.

Ứng dụng của hội họa lên kiến trúc nói một cách ví von thì nó giống như là mình khoác lên những cái tấm áo màu sắc cho các công trình của mình để nó có thêm một cái vẻ đẹp và nó có thêm những câu chuyện của chính chủ nhân của ngôi nhà đó cũng như là cảm xúc của người ở trong gia đình đó.

Em thấy có rất là nhiều kiến trúc mang màu sắc về hội họa Và nó trở thành văn hóa của cả một quốc gia. Ví dụ ở Vatican có Thánh đường St. Peter được xây dựng bởi các kiến trúc sư như là Sangallo, Bramate và đặc biệt là Michelangelo… vẽ ở trên đó thì nó chính là biểu tượng vĩ đại của kiến trúc và hội họa giao thoa. Có những cái bức tranh lớn mà khi mà cái người đến xem dù là biết về hội họa hay không biết về hội họa đều cảm thấy rung động thật sự không có lời nào có thể tả được.

Mỹ Dung: Được biết ngay lúc mới định cư ở Brisbane em có một cuộc triển lãm tranh ở Thư viện Mount Ommaney, thì em có thể kể thêm về cái chuyện này được không em?

Mai Trịnh: Dạ, đây cũng là một việc rất là tình cờ. Thời điểm đó là tháng 7 năm 2022 lúc gia đình em vừa mới định cư sang đây, cả nhà lúc đó đang đi làm thẻ thư viện ở Mt Ommaney thì em có mang một bức tranh lụa và đi tìm chỗ để đóng khung và gặp hai cô chú làm trong thư viện đó.

Hai cô chú thấy em cầm bức tranh lụa trên tay thì nói rất là ấn tượng bức tranh lụa của em và đề nghị em có muốn triển lãm ở thư viện Mt Ommaney không em cũng hơi đắn đo một chút

Sau đó thì em quyết định nhận lời. Và em chuẩn bị trong vòng hai tháng để có được buổi triển lãm nhỏ ở thư viện. Em rất là biết ơn những người bạn Úc mới quen này bởi vì họ rất thân thiện và nhiệt tình hỗ trợ em. Biết ơn cả những người quen và cả những người không quen đợt đó cũng ủng hộ và giúp đỡ em rất là nhiều. Thật sự đó là một trong những kỷ niệm tuyệt vời của em trong những ngày đầu khi mới sang đây.
03 - Áo dài paintings.jpg
Mỹ Dung: Vậy rồi em có định sẽ mở một cuộc kiến lãm nào nữa không?

Mai Trịnh: Dạ, em cũng đang ấp ủ để mở tiếp theo sau đây một cái buổi triến lãm nữa và em thực sự mong muốn là cái triến lãm này nó sẽ đặc biệt riêng về tranh lụa và áo dài mà em đang vẽ.

Hưng Việt: Chúng tôi cũng được biết là hiện nay cô có mở những cái lớp dạy vẽ. Thì cô có thể cho biết thêm về những cái lớp học này có bao nhiêu học viên? Các giờ học ra sao? Lệ phí nó như thế nào?

Mai Trịnh: Dạ, hiện tại thì em đang có các lớp dạy vẽ cho trẻ em. Các bạn từ sáu cho tới 10 tuổi vào chiều thứ Bảy và các bạn từ 11 tuổi trở lên vào chiều Chủ nhật từ 2 giờ tới 4 giờ. Một lớp của em tối đa chỉ có tám bạn thôi và các bạn nhỏ chỉ cần mang một tâm trạng thật là vui đến để mà học với học phí là 50 đô Úc một buổi.

Tụi em sẽ chuẩn bị hết từ cọ vẽ, màu vẽ, khung canvas và một không gian cực kỳ thoải mái cho các em. Em và một cô bé trợ giảng nữa sẽ hướng dẫn các con từng bước để hoàn thành bức tranh mang về.

Ví dụ như một cái khóa học về ký họa nhập môn cơ bản của em thì thường thường sẽ có 10 buổi, 2 buổi đầu thì giới thiệu về nét, về ký họa, rồi hướng dẫn các con phương pháp để luyện nét.

Buổi thứ 3 và thứ 4 thì chuyên về phối cảnh thì hướng dẫn các con khái niệm về đường chân trời, cách vẽ phối cảnh rồi sau đó thì luyện tập hình khối cơ bản.

Bữa thứ 5, thứ 6 thì sẽ hướng dẫn các con về ánh sáng phân loại về ánh sáng, nguồn sáng như thế nào, cách đổ bóng. Sau đó cho các con luyện tập về sắc độ.

Buổi thứ 7 và thứ 8 thì sẽ tập cho các con cách dựng hình, đo tỉ lệ như thế nào, rồi cho các bạn luyện tập dựng hình bằng các đồ vật thật ở trên bàn.

Và cuối cùng là bữa thứ 9, bữa thứ 10 thì lúc này sẽ cho một bức ký hoạ giống như là một bài tốt nghiệp.

Ngoài ra thì thỉnh thoảng em có mở thêm một vài lớp vẽ đặc biệt chuyên biệt như là vẽ chân dung, vẽ ký họa hoặc là vẽ màu nước cho các bạn nào mà đặc biệt đam mê bộ môn nghệ thuật này. Hiện tại thì em cũng đang sắp xếp và mong muốn mở thêm các lớp vẽ trải nghiệm cho người lớn để mong mọi người có thể tìm được niềm vui, sự thư giãn, biết đâu là một tài nghệ ẩn dấu của mình, từ đó mình tìm ra được những nét đẹp trong cuộc sống của mình hơn

Mỹ Dung: Vậy em có định mở lớp vẽ trên lụa không vậy em? Chị đi học á.

Mai Trịnh: Dạ, em cũng đang nung nấu là có thể là mở cái lớp vẽ tranh lụa đó đó chị.

Hưng Việt: Trở lại những cái lớp mà cô dạy vẽ đó, cô có nhận thấy là có những tài năng hội họa trong tương lai của nước Úc hay không?

Mai Trịnh: Dạ, có một điểm đặc biệt là em thấy các bạn nhỏ đi học vẽ rất là tự tin, các bạn ấy được hoàn toàn thể hiện ra những gì mình muốn và một sự sáng tạo chuyên biệt.

Ở đây khi dạy vẽ cho các con thì em chỉ hướng dẫn từng bước từng bước một. Mình không có sửa quá nhiều cho các em, mà hướng dẫn cách màu nào cộng với màu nào sẽ nó ra cái gì, rồi cách cầm cọ ra sao… thì tự các con sau này mới thấy là những cái điều đó nó cứ thấm dần thấm dần vô một cách rất là tự nhiên chứ mình không phải là học bài rồi trả bài.

Hoàn toàn tranh các con tự dựng hình cho đến tự vẽ và các con tự chọn màu có bạn năm tuổi học ở em cũng gần hai năm rồi thì các bạn đều tự chủ động và tự sáng tạo được cái đó, hiện tại bây giờ có một số bạn nhìn thấy là rất là nổi trội.

Có những bạn đã thi vào trường Brisbane State High bằng cách là nộp những cái bài vẽ mà em dạy cho con tự vẽ rồi sau đó con nộp vô thông qua bài vẽ đó thì con đã được nhận vào trường Brisbane State High. Mà em nghe nói là trường đó là tỉ lệ mà muốn nhận vào là khó lắm, phải không chị?
07 - Tranh của Bianca 8 tuổi.jpg
Tranh của Bianca 8 tuổi
Hưng Việt: Hay ha, thưa cô như vậy một khóa học là bao lâu hay là các em cứ tiếp tục học lên, không có cấp lớp như là học âm nhạc?

Mai Trịnh: Dạ, những cái lớp mà gọi là lớp vẽ trải nghiệm thì các con có thể vào bất kỳ buổi nào cũng được tại vì mỗi một buổi thì là vẽ một bước khác nhau hoàn toàn. Ngoài ra thì có những lớp chuyên biệt thì thì em sẽ phân cấp được cấp độ cho các con bởi vì vẽ acrylic rồi sau đó thì vẽ khó hơn, các con có thể là vẽ dựng hình, vẽ chân dung, vẽ sketch để ký hoạ khi mà các con đi ra đường các con tự ký hoạ được rất là nhanh, hoặc là những lớp vẽ màu nước thì sẽ khó hơn một chút xíu và nó sẽ có lớp cơ bản và những cái lớp nâng cao, lúc đó thì nếu như bạn nào mà có tài năng thì lúc đó các con sẽ vượt trội và các con sẽ vẫn tiếp tục đi theo những cái lớp đó được.

Hưng Việt: Cô có từng nghĩ tới chuyện tổ chức một buổi dã ngoại để dẫn cả lớp đi vẽ phong cảnh nào đó hay không?

Mai Trịnh: À, trong một lớp sketch thì em cũng đã có tổ chức vẽ cái tòa nhà quốc hội Brisbane.

Mỹ Dung: Chị thấy ở đây em có cái áo dài với vậy mấy cái khăn choàng em cho xem rất là đẹp Thì em có thể cho biết thêm về cái lĩnh vực đó một chút không em?

Mai Trịnh: Dạ hiện tại những áo dài này thì một số áo em vẽ trong buổi triển lãm, một số thì em đang vẽ theo đặt hàng của khách hàng.

Ngoài việc đưa những họa tiết, màu sắc mà chủ nhân áo dài mong muốn thì khi mình đặt những đường nét, bố cục sẽ giúp cho cái người mặt cảm thấy tôn dáng hơn và nhìn nó đẹp hơn, ngoài ra thì nó một dấu ấn rất là riêng của chủ nhân khi mặc áo dài lên. Cho nên một cái áo dài vẽ nó mang một cái signature riêng của người mặc và chỉ có một thôi.

Ngoài ra thì vẽ trên cái khăn lụa thì cũng là cái dòng sản phẩm em đang nghiên cứu. em tự nhuộm luôn để cho nó có những màu sắc riêng biệt và cái khăn thì vì độ mềm của nó nhất định cho nên mình sẽ sử dụng những hình ảnh hoa rồi những màu sắc để cho nó phù hợp với cái khăn và cũng như là theo nhu cầu sở thích của người mặc.

Mỹ Dung: Em có thể chia sẻ thêm cái kỹ thuật nhuộm đó một chút không em nếu được?

Mai Trịnh: Dạ, lúc mình nhuộm mình phải căng hoàn toàn cái khăn hoặc là tấm vải và mình sẽ nhúng tấm vải cho nó ướt hoàn toàn, rồi sau đó thì mình sẽ dùng một cái dụng cụ chuyên biệt để mình quét cái màu đó lên. Hiện tại em đang cố gắng nhuộm để mà chuyển màu, giống như là ombre, chuyển từ từ màu đậm sang màu nhạt hoặc là chuyển từ màu này sang màu khác để tạo những cái hiệu ứng giao thoa giữa các màu. Dạ, đấy là cái cách để em nhuộm trên lụa và nhuộm một cách thủ công thôi.

Mỹ Dung: Những vật liệu để mình sử dụng đó thì mình mua ở đây có dễ không em hay là em phải mua online?

Mai Trịnh: Những vật liệu này thì em thấy mua cũng khá là dễ ở trong K-Mart cũng có bán.

Chỉ có riêng về màu thì nó hơi kén một chút xíu bởi vì khi mà mình vẽ trên lụa thì em sử dụng màu acrylic hoặc là màu nước bởi vì những màu đó độ trong của nó sẽ tốt hơn và không có nhiều sạn ở trong màu, cái độ dày màu nó không nhiều thì làm cho cái tấm vải khi mà mình vẽ lên trên đó người ta cũng có cảm giác như là một tấm vải bình thường, nó không có cái độ gờ lên của những cái màu mà mình vẽ.
09 - Tranh của Joanna 12 tuổi.jpg
Tranh của Joanna 12 tuổi
Mỹ Dung: Cuối cùng thì em còn có điều chi muốn chia sẻ thêm với thính giả nữa không em?

Mai Trịnh: Dạ, em chỉ muốn chia sẻ góc nhìn của em. Theo em thì ai cũng có thể vẽ được. Các bạn nhỏ thì chỉ cần có giấy bút là có thể thả sức thể hiện cái sự sáng tạo với đam mê của mình. Mình cũng vậy thôi nhưng mà sau này chúng ta lớn lên chúng ta cho rằng không có thời gian cho nên chúng ta cũng tự nói luôn là chúng ta không biết vẽ rồi dần dần chúng ta bỏ qua nó thôi.

Một bức vẽ chính là câu chuyện cảm xúc mà người vẽ trải lòng của mình ra. Vì vậy thì sau một thời gian dài mà vẽ tranh thì em mới thấy vẽ chính là một phương cách để mình thưởng thức cuộc sống. Khi mình vẽ thì mình cũng có thêm những kỹ năng như là quan sát chi tiết nè. Lúc đó mình sẽ ngắm được cái đẹp và từ đó mình cũng trân trọng mọi thứ xung quanh mình hơn. Đây là một trong những cách để giúp cho tâm trí mình bình an và trở nên yêu đời, yêu cuộc sống mình hơn ạ. Dạ

Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả của đài SBS, chúng tôi xin thành thật cảm ơn cô Mai Trịnh rất là nhiều, cô bận rộn mà cũng dành thì giờ cho cái cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Kính chúc cô và gia đình luôn luôn được nhiều sức khỏe, bình an và phát triển thêm những tài năng mới về hội họa

Mỹ Dung: Cảm ơn em.

Mai Trịnh: Dạ, em cảm ơn anh Hưng Việt và cảm ơn chị Mỹ Dung Và xin chào tạm biệt thính giả của Đài SBS ạ Dạ Dạ,

Cảm ơn em

Mỹ Dung: Cảm ơn em.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Đồng hành cùng chúng tôi tại và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ hay 

Share