Mùa lễ Phật Đản năm nay ở Brisbane, sau hai chùa Linh Sơn và Phật Đà, đến cuối tuần vừa rồi, Chủ Nhật 04/06 nhằm ngày 17 tháng Tư Âm lịch năm Quý Mão, chùa Pháp Quang ở Durack đã long trọng tổ chức Đại Lễ mừng ngày Đức Phật Đản Sanh.
Chúng tôi đã có cơ duyên được hân hạnh đến hầu chuyện cùng Thượng tọa Thích Đạo Hiển, trụ trì Tu viện Nguyên Thiều từ Sydney đến chủ trì buổi lễ.
Hưng Việt: Dạ thưa kính chào Thượng tọa Thích Đạo Hiển ạ.
TT Thích Đạo Hiển: Dạ mô Phật, xin chào anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung và toàn thể thính giả của đài SBS.
Mỹ Dung: Dạ xin chào Thầy.
Hưng Việt: Dạ kính thưa Thầy, Thầy từ Sydney lên Brisbane này để chủ trì lễ Phật Đản ngày mai ở chùa Pháp Quang, thì thưa Thầy, ở Sydney, Thầy trụ trì ở chùa nào, ở vùng nào thưa Thầy?
TT Thích Đạo Hiển: Dạ chúng tôi là trụ trì Tu viện Nguyên Thiều ở tại Fairfield Highs, của New South Wales.
Hưng Việt: Thưa Thầy trước nhất xin Thầy cho biết Thầy qua Úc được bao lâu rồi trụ trì ở chùa Nguyên Thiều đó được bao lâu rồi ạ?
TT Thích Đạo Hiển: Hồi trước chúng tôi qua đây đi với cái diện công tác tôn giáo của Phật giáo được Hòa thượng Thích Quảng Ba bảo lãnh. Qua từ năm 2003 và trụ trì ở Tu viện Nguyên Thiều là bắt đầu từ 2006 và cho tới ngày hôm nay.
Mỹ Dung: Dạ thưa Thầy, xin Thầy giải thích cái ý nghĩa quan trọng nhất của lễ Phật Đản là gì hả Thầy?
TT Thích Đạo Hiển: Phật Đản đúng ra là Phật Đản Sanh, là lấy ngày Phật xuất hiện, có nghĩa là Đức Phật thị hiện ra cuộc đời này, thì cộng đồng Phật Giáo chúng ta lấy ngày đó làm ngày Phật Đản.
Nhưng gần đây Liên Hiệp Quốc họ lấy ba cái ngày là ngày Đản Sanh, rồi ngày Xuất Gia, rồi ngày nhập Niết Bàn họ dồn lại thành một ngày họ kêu là lễ Tam hợp hay Lễ Vesak – Vesak Day.
Ngày đức Phật Đản Sanh là cũng giống như ở ngoài đời chúng ta có ngày birthday thì xã hội Tây phương họ chú trọng cái ngày đó. Đức Phật đối với chúng ta, một bậc vĩ nhân, là một bậc khai sáng tôn giáo Phật giáo chúng ta như vậy, một đấng giáo chủ, cho nên chúng ta người con Phật, chúng ta luôn luôn làm lễ kỷ niệm Ngài, nhớ về Ngài. Nhưng mà cái ý nghĩa rất là nhiều lắm, đặc biệt nhất là có bài kệ tắm Phật.
Chúng ta làm kỷ niệm ngày lễ Đản sanh mà mình tắm cái tượng Phật để mà mình tắm gội chính thân tâm của chúng ta được sạch sẽ chứ Đức Phật là vị Phật lịch sử, Ngài cũng đã thành Phật lâu rồi, nhưng mà hiện giờ chúng ta muốn đi theo con đường của Ngài, kỷ niệm Ngài. Ý nghĩa của bài kệ chính là những gì ta đã quán chiếu tu tập chính bản thân chúng ta. Cho nên bài kệ tắm Phật ngày Phật Đản là bài kệ quan trọng nhất, và người Phật tử chúng ta mình phải hướng về cái đó, phải suy nghiệm cái đó, phải chiêm nghiệm cái đó, quán chiếu cái đó để mà chúng ta gội rửa chính thân tâm chúng ta.
Trong cái vấn đề tắm Phật có ba cái ý, một là mình múc cái gáo nước thứ nhất, mình chế lên cái vai trái của Ngài là mình nguyện, mình tự nguyện với thân tâm, mình nguyện trong lòng của mình đó, là mình nguyện dứt tất cả các điều ác. Cái gáo thứ hai mình bỏ lên vai phải đó là mình nguyện làm tất cả các việc lành và cái thứ ba mình tắm lên chân của Ngài mang ý nghĩa mình nguyện trong lòng của mình độ tất cả mọi người, giúp đỡ tất cả mọi người, mình làm theo được cái gì mình được làm. Thì đó là ý nghĩ quan trọng nhất trong cái ngày Phật Đản.
Hưng Việt: Thưa Thầy, Thầy có đề cập tới Liên Hiệp Quốc tổng hợp 3 cái ngày đó thành lễ Vesak bây giờ. Nhưng mà riêng người Việt mình thì có chùa cúng Lễ Phật Đản mùng 8 tháng 4, có chùa cúng Lễ Phật Đản ngày rằm tháng 4. Thưa Thầy có thể giải thích cái sự khác biệt đó hay không ạ?
TT Thích Đạo Hiển: Theo lịch thì đúng là ngày 8 tháng 4. Mình tính theo lịch âm của mình, mình đối chiếu theo lịch của niên đại của Ấn Độ, mình suy ra. Nhưng mà khi Liên Hợp Quốc họ dồn ba ngày lại, họ chọn ngày rằm tháng Tư để họ tổ chức cái ngày đó. Cho nên giờ cộng đồng Phật giáo trong nước cũng giống như hải ngoại nhiều khi mình gọi là mùa Phật Đản chứ mình không nói một cái ngày chính thức nữa. 8 tháng 4 là mình nói ngày chính xác, nhưng khổ một nổi là mình sống xa quê hương đây thì cũng tùy theo hoàn cảnh. Nhiều khi làm chính ngày mà nó rơi vào giữa tuần thì cũng rất là khó cho đồng bào Phật tử của chúng ta cho nên phần lớn là lễ lạc lớn chúng ta cũng tùy duyên và tùy thuận, mình chọn vào những ngày cuối tuần để mình làm lễ. Mục đích làm lễ mọi người về được tham dự, họ hiểu lại, họ làm cho cái Phật tâm, Phật tánh của họ nó sống lại trong mỗi con người của chúng ta. Điều đó là điều quan trọng nhất với Phật giáo chúng ta ở xứ người này. A Di Đà Phật.
Hưng Việt: Dạ thưa Thầy người Phật tử thường được khuyến khích hoặc là dạy tu luyện về ba phương diện Phật, Pháp và Tăng, dạ thưa Thầy theo Thầy thì ba khía cạnh đó khía cạnh nào quan trọng nhất?
TT Thích Đạo Hiển: Ba khía cạnh đó thực sự khía cạnh nào cũng quan trọng hết. Mình không thể nói khía cạnh nào quan trọng nhứt. Đức Phật Ngài tu Ngài chứng, Ngài để lại một kho tàng giáo pháp rất là vĩ đại cho chúng ta. Đức Phật nhập niết bàn 2567 năm rồi. Thì như vậy quá lâu đối với chúng ta sinh trong thời bây giờ. Nói mà Đức Phật quan trọng nhất mà Đức Phật sống cách xa ta vậy bây giờ mình lấy đâu mình nương tựa? Cho nên mình chỉ còn nương tựa vào Pháp thôi. Là những lời dạy của Đức Phật, những lời từ kim khẩu Đức Phật nói ra, được các bậc tiền bối, các vị tổ, các Ngài trong thời đệ tử của Ngài, như Ngài A Nan, Ca Díp hay là Ngài Ưu Ba Ly, xâu kết lại tất cả những Tam tạng kinh điển đó cho chúng ta cho nên Tam tạng kinh điển đối với chúng ta cũng rất là quan trọng, không thể nói là thứ hai được. Mà hơn nữa, chư Phật cũng nói là Pháp là mẹ đẻ của ba đời chư Phật, cho nên Pháp nó cũng rất là quan trọng.
Còn đối với Tăng, ngày nay chúng ta thực sự cũng sống xa, nên cũng các vị Tăng rất là quan trọng, các Phật tử mình là người sơ cơ học Phật, mình về với Tam Bảo, mình về với Phật, mình về với Pháp rồi, không có tăng thì nhiều khi mình muốn hiểu gì mà mình hông biết đâu, nhiều khi mình phải nhờ tăng để họ giải thích. Tăng cũng rất là quan trọng. Đối với Thầy ba ngôi Tam bảo, Đức Phật cũng đều nói ba ngôi đều quý hết. Nếu như mình muốn thăng tiến trong đời sống tâm linh thì mình luôn luôn tôn trọng ba điều đó. Tạo phước điền với ba điều Tam bảo là một điều rất là tốt, một cái phước rất là lớn. A Di Đà Phật.
Hưng Việt: Dạ xong về Tam Bảo rồi câu hỏi kế tiếp muốn được Thầy chỉ bảo cho đó là về ngũ giới. Thưa Thầy Phật tử thường được khuyên tránh ngũ giới thì nên chú trọng vào cái điểm nào nhất?
TT Thích Đạo Hiển: Đức Phật Ngài đã bằng con mắt thực tế thấy được hậu quả và sự diệu dụng của sự mà chúng ta giữ được năm điều giới. Theo Thầy nghĩ thì năm điều giới này nó cũng giống là năm cái điều đạo đức cho cái mô phạm của một gia đình. Nếu như mà một người vợ một người chồng chúng ta sống trọn vẹn năm điều giới đó, năm điều đạo đức đó rất là tốt đẹp trong đời sống gia đình. Ví dụ như là năm điều giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, thì những điều đó rất là tốt. Đơn giản là Thầy nói cái điều uống rượu đi, nếu như mình không có uống rượu, mình không có gây sự tác hại nặng trong đời sống gia đình, không có bị sức khỏe rồi mình đi ra đường mình cũng khỏi sợ bị police thổi lại, lắm lúc mình uống rượu nhiều khi party, rồi mình uống nhiều quá thì dễ bị mất bằng mà mất bằng thì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều, sự phức tạp nó xảy ra sau đó. Chưa nói sự nguy hại uống nhiều quá mình lost control nhiều khi mình đụng xe làm người ta thương tổn hay là chết người cũng có thể xảy ra, cho nên vấn đề mà nếu chúng ta có thể giữ được điều nào trong năm điều, điều nào cũng tốt hết. Tất cả đều có ý nghĩa và phước đức nó ngang nhau hết đó, chẳng hạn như ví dụ cái giới trộm cắp đi, bây giờ của mình mình đâu có muốn mất đâu mà mình đi lấy của người ta, vấn đề là mình lỡ mình phạm, mình lấy gì đó rồi thực sự giờ ngủ cũng không ngon đâu, cũng sợ lắm, sợ là pháp luật sẽ truy mình hoặc giả là tòa án, nhất là tòa án lương tâm của mình. Mình lấy về mình sử dụng nó, mình xài nó, quen hết rồi. Nhưng mà rồi cái tì vết đó liệu mình có xóa đi hết được hay không cho nên nó dính mãi mãi trong đời của mình, đến khi một mai nào đó hiểu ra được cái gì rồi, mình rất là buồn cho những cái lỗi những cái vụng về trong quá khứ. Cho nên đức Phật Ngài thấy được điều đó cho nên dạy chúng ta là mình có như thế nào cũng phải giữ cho nó được trong sạch đàng hoàng. Sinh ra đời ai rồi cũng ra đi, nhưng mà ra đi cho nó nhẹ nhàng, ra đi một cách vui vẻ không có gì để mình phải hối tiếc, mình phải lo sợ trong cuộc đời này, thì chỉ cần giữ năm điều đó được thật chính đáng thật trọn vẹn, thì ai ai ra đi cũng mĩm cười trên đôi môi. Nam mô A Di Đà Phật.

TT Thích Đạo Hiển: Giáo hội Việt Nam thống nhất hải ngoại tại Úc Đại lợi và Tân Tây Lan thì khi được thành lập, từ khi ông cố Hòa Thượng Thích Như Huệ rồi sau đó thì chuyển giao tới Hòa Thượng Pháp Bảo và mới đây thì cung thỉnh Hòa Thượng Thích Tâm Minh làm Hội chủ. Thì vần đề sinh hoạt thì quý Phật tử cũng được biết rồi. Từ khi giáo hội chúng ta thành lập thì cũng luôn luôn trăn trở vấn đề là hành pháp ở nơi xứ người này, cũng tập trung chính vào vấn đề là an cư, tu học, và những cái sinh hoạt cũng như là từ thiện xã hội đều hoạt động rất là tốt.
Mỗi chùa mỗi sinh hoạt mỗi đơn vị họ có cái sinh hoạt riêng chớ không phải nói giáo hội là để mà điều hành hết tất cả trong mọi tổ chức, mỗi cái đơn vị khác nhau. Giống như đơn vị chùa Pháp Quang thì trước đây Hòa Thượng Thích Nhật Tân Ngài cũng từng là nắm chức vị là Tổng thư ký của Giáo hội Việt Nam Thống nhứt Hải ngoại ở Úc và Tân Tây Lan thì đến khi Ngài có thân bệnh thì Ngài cũng lui về Ngài lo dưỡng bệnh thôi. Các Phật tử cũng phải cùng tay cùng sức vô cộng vào với Hòa Thượng. Dù Hòa Thượng chùa Pháp Quang bệnh nhưng mà cũng phải chỉ đạo hướng dẫn mọi người duy trì cái mạng mạch Phật pháp cái sinh hoạt ở nơi đơn vị địa phương đó thôi, thì giáo hội cũng vậy thôi. Thì đó một chút sơ quát về vấn đề sinh hoạt của giáo hội hiện nay. A Di Đà Phật.
Hưng Việt: Dạ thưa bạch Thầy, còn đối với lại những liên hệ giữa giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhứt Úc đại lợi và Tân Tây Lan với lại giáo hội ở bên Việt Nam thì sao thưa Thầy? Cái tình hình của giáo hội sinh hoạt ở Việt Nam ra sao?
TT Thích Đạo Hiển: Ở mỗi quốc gia thì nó khác nhau, Việt Nam có luật pháp của Việt Nam và ở Úc có cái luật pháp và hiến pháp ở nơi đây. Hai giáo hội không có liên can gì trong đó hết.
Còn nếu mà chỉ nói là trên cái con người tình nghĩa, giữa người ở hải ngoại và người ở trong nước, thì cái đó là chuyện thâm giao giữa trong sư môn, thì có thôi. Chứ còn vấn đề sinh hoạt giữa cộng đồng, giữa hai giáo hội thì nó không có gì dính nhau trong đó hết.
Hưng Việt: Thưa Thầy có thể giải thích hoặc là chỉ bảo cho biết cái trách nhiệm của người Phật tử Việt Nam trước nhất là đối với xã hội và thứ hai là đối với giáo hội Phật giáo không ạ?
TT Thích Đạo Hiển: Thầy xin nói là người con Phật tử chúng ta ở hải ngoại mặc dù mình nói mình ở Tây Phương nhưng mà dù sao đi nữa tư tưởng và văn hóa của mình cũng thấm đượm cái văn hóa Đông phương rất là nhiều và đặc biệt hơn nữa là chúng ta là những người con Phật tử thì chúng ta càng phải có trách nhiệm hơn đối với đạo pháp và cái sự hoằng pháp nơi xứ người. Thầy xin khuyên quý Phật tử là chúng ta nên phải giữ được cái nguồn văn hóa Việt của chúng ta, mà muốn giữ được nguồn văn hóa Việt thì trước tiên phải giữ được tiếng Việt của chúng ta cho nên các phụ huynh phải tạo cơ hội, hoặc giả đưa con cháu mình ít nhất một tuần vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật đi vào chùa để sinh hoạt học lại tiếng Việt, học lại cái văn hóa, học lại tất cả những cái truyền thống văn hóa của người Việt của chúng ta. Chứ còn không thì mình cứ nghĩ để một cách tự nhiên cũng rất khó. Tại vì các em học tiếp xúc văn hóa học đường nói tiếng Anh rất là nhiều, đến khi về nhà thì gặp gỡ hoặc là giao thiệp trong gia đình thì không có bao nhiêu hết, rồi cái văn hóa chúng ta nó mai một dẫn tới đời sống theo cái kiểu giống như Tây vậy. Thầy nghĩ tương lai là cái sự gì đó nó rất là khó nói nhưng mà tin chắc là nếu mà chúng ta không để tâm vào là một hai thế hệ nữa là Thầy nghĩ là cái văn hóa tiếng Việt chúng ta bị mai một là chắc rồi đó.
Còn đối với vấn đề mà một người Phật tử có trách nhiệm trong vấn đề hộ Pháp đối với chánh pháp và phát triển nơi văn hóa đây thì Thầy nghĩ rất là nhiều phương tiện người Phật tử có thể chúng ta làm được. Mình cho các em đi nhiều sinh hoạt trong gia đình Phật tử, cho các em nó học văn hóa tiếng Việt, học giáo lý, rồi nếu các em nó có tâm, nó giỏi một chút nữa, nó vào các trường chẵng hạn như là primary school hay là high school, nó có thể dạy lại được những giáo lý, thì cái đó cũng là một phương pháp, một cái cách để giúp đỡ chúng ta hằng truyền đạo Phật ở trong xã hội này. Thì Thầy nghĩ đó là một điều mà các bậc phụ huynh nhất đặc biệt là các gia đình Phật tử nên nghĩ. Mình có điều kiện biết chút giáo lý, các vị cũng có thể vào nhà tù, vào các cái trại dưỡng lão, các nơi công cộng rất cần. Chỉ cần tới đó, bạn nói giáo lý, dạy giáo lý, chỉ một chút giáo lý nào đó, họ rất là vui. Đó là phần Thầy khuyên các vị như vậy. A Di Đà Phật.
Hưng Việt: Dạ thay mặt cho cô Mỹ Dung cùng thính giả của đài SBS chúng con thành thật cám ơn Thượng tọa Thích Đạo Hiển rất là nhiều. Thầy mới từ Sydney lên, máy bay bị đình trệ, Thầy rất là mệt mỏi thế mà Thầy dành thời giờ quý báu của Thầy cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Kính chúc Thầy luôn luôn được nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc. Kính cám ơn Thầy.
TT Thích Đạo Hiển: A Di Đà Phật, Thầy cũng xin cảm ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung rất là nhiều. Và Thầy cũng cầu chúc cho anh với chị sức khỏe, đạo tâm kiên cố. Người con Việt sống tha hương, chúng ta luôn luôn giữ được cái nền truyền thống văn hóa Việt chúng ta. Đặc biệt hơn nữa là có chương trình hay những cái gì trong đời sống, thì mình cũng nên khuếch trương để tạo nên một cái tiếng nói cho cái nền văn hóa Việt của chúng ta.
Cuối cùng thì Thầy cũng cầu chúc tất cả những người nghe đài SBS mùa Phật đản luôn luôn được sức khỏe và gia đình các vị được an lạc và hạnh phúc.
Mỹ Dung: Dạ con cám ơn Thầy.
