Cảm giác nhức râm ran trên bàn tay có đáng để gọi xe cấp cứu không?

chest pain

Chest pain. Source: Pixabay

Một phúc trình mới cho biết mọi người ngày càng thiếu hiểu biết về các triệu chứng đau tim. Phúc trình khảo sát hơn 100.000 (101.936) người sống ở Úc, cho thấy cứ năm người lớn thì có một người không thể biết về một triệu chứng đau tim, và chỉ hơn một nửa số người được hỏi cho rằng tức ngực là một triệu chứng đau tim.


Nghiên cứu mới cho thấy cứ năm người lớn thì có một người không thể hiểu biết về một triệu chứng đau tim, và chỉ hơn một nửa số người được hỏi cho rằng tức ngực là một triệu chứng đau tim.

Nghiên cứu do trường đại học Monash thực hiện, khảo sát hơn 100,000 [[101,936]] người Úc tuổi từ 30 đến 59.

Kết quả gây ngạc nhiên cho cả những tác giả thực hiện nghiên cứu, vì khi làm nghiên cứu họ giả định rằng có thể hiểu biết về bệnh tim đang giảm sút trong công chúng nhưng không ngờ kết quả cho thấy mức độ thiếu hiểu biết về bệnh tim ở Úc lại cao đến thế.

Phó Giáo sư Janet Bray là tác giả chính của phúc trình, thuộc Khoa Y tế công và Phòng ngừa, trường đại học Monash.

Bà nói hiểu biết về các triệu chứng của bệnh tim là vô cùng quan trọng.

Nó rất quan trọng vì chúng tôi biết những ai hiểu được các triệu chứng của họ là do đau tim thì khi họ bị đau tim họ sẽ đến bệnh viện nhanh hơn. Và điều này cực kỳ quan trọng để họ được điều trị nhanh chóng, nhằm thông tắc động mạch và kết quả là sẽ ít gây tổn thương cho tim hơn. Vì vậy, hiểu biết về triệu chứng bệnh tim rất quan trọng. Khi bị đau tim, mọi người có xu hướng gọi điện thoại cho người khác, vì vậy mọi người đều phải biết về các triệu chứng đề phòng trường hợp họ nhận được một cuộc gọi từ người thân nói rằng: 'Tôi đang gặp những triệu chứng này, bạn nghĩ tôi nên làm gì bây giờ?’.

Mục đích của nghiên cứu nhằm xem xét nhận thức của người Úc trong và sau chiến dịch 'Dấu hiệu Cảnh báo' của tổ chức từ thiện về tim Heart Foundation, diễn ra từ năm 2010 đến năm 2013.

Chiến dịch ‘Dấu hiệu Cảnh báo' giúp nâng cao nhận thức về các triệu chứng của bệnh tim và tăng thêm lòng tự tin cho mọi người để gọi xe cứu thương kịp thời khi gặp trường hợp khẩn cấp.

Kết quả cho thấy nhận thức về triệu chứng tức ngực là một triệu chứng đau tim đã giảm từ 80% năm 2010 xuống chỉ còn 57% vào năm 2020. Bên cạnh đó tỷ lệ người được hỏi không thể gọi tên một triệu chứng bệnh tim đã tăng từ 4% lên đến 20%.

Phó Giáo sư Janet Bray cho biết cuộc khảo sát cũng xác định các nhóm đặc biệt thiếu hiểu biết nhiều hơn về sức khỏe liên quan đến tim mạch.

Chúng tôi biết những nhóm có nhận thức thấp về bệnh tim mạch. Ví dụ những người có trình độ học vấn thấp hơn, những người không nói tiếng Anh ở nhà - các thông điệp dường như không thấm vào đâu - đặc biệt là nhóm những nam giới trẻ tuổi, họ lại chính là nhóm người có nhiều rủi ro hơn nhóm phụ nữ trẻ tuổi. Vì vậy, chúng tôi đã xác định được những nhóm đó nhưng vẫn đang cố gắng tìm ra lý do chính xác tại sao sự thiếu hiểu biết này lại tăng cao theo thời gian.

Mỗi năm có 56.700 người Úc bị đau tim hoặc đau thắt ngực, là một dạng tức ngực khác do bị giảm lưu lượng máu chảy về tim.

Những cơn đau này là nguyên nhân gây ra gần một trong 25 trường hợp tử vong.

Một số dấu hiệu cảnh báo chính của cơn đau tim là cơn đau ở ngực, cảm thấy bị áp lực đè xuống hoặc bị tức ngực, ngoài ra có thể cảm thấy cứng cánh tay, vai hoặc lưng, cổ hoặc hàm, và có thể kèm theo khó thở, chóng mặt hoặc mệt mỏi.

Phó giáo sư Bray thừa nhận rằng chiến dịch 'Dấu hiệu Cảnh báo' rất tốn kém và các chương trình nâng cao nhận thức sâu rộng như vậy phần lớn vẫn nằm ngoài tầm với của các tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, bà nói những phát hiện từ cuộc khảo sát đã truyền cảm hứng cho đại học Monash bắt đầu một chương trình thử nghiệm có mục tiêu cụ thể hơn, nhắm vào tám khu vực chính quyền địa phương có rủi ro cao.

Chúng tôi đang thử nghiệm một chiến dịch giáo dục trong cộng đồng. Chúng tôi đang tiến vào những khu vực có tỷ lệ bị bệnh tim cao, ít sử dụng xe cấp cứu và thiếu kiến ​​thức về tim mạch. Chúng tôi đang cố gắng cung cấp các chương trình giáo dục riêng dành cho các cộng đồng sắc tộc nữa.

Cuộc thử nghiệm mang tên 'Những vấn đề về trái tim' là một nỗ lực chung có sự điều phối của Tổ chức từ thiện về tim Heart Foundation, Xe Cứu thương Victoria và Bộ Y tế Victoria.

Trưởng Cố vấn Y tế của tổ chức Heart Foundation, Garry Jennings, nói chương trình đã nỗ lực tiếp cận những người không thông thạo tiếng Anh thông qua các kênh giao tiếp trong cộng đồng tương ứng.

Tất nhiên ngôn ngữ là vấn đề quan trọng trong việc truyền tải thông điệp. Nếu chúng ta học được bất cứ điều gì từ COVID thì đó là thông điệp chính thống đã không thể đến được với một số nhóm người quan trọng và dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng. Mỗi cộng đồng đều có thách thức và cách tiếp cận riêng. Mọi người lấy thông tin từ các nguồn khác nhau và điều quan trọng là phải làm việc thông qua hợp tác với các nhà lãnh đạo cộng đồng đó.

Ngoài các cộng đồng ở vùng xa xôi và cộng đồng di dân, ông nói rằng phụ nữ phải đối mặt với những rủi ro đặc biệt liên quan đến các cơn đau tim.

Mặc dù số nam giới bị đau tim cao gấp đôi nữ giới và khả năng tử vong nhiều hơn vì những cơn đau này đã không được nhận biết, nhưng Giáo sư Jennings nói điều quan trọng là phụ nữ cũng phải hiểu rằng họ vẫn có nguy cơ mắc bệnh tim và thường phải chịu các triệu chứng khác với nam giới.

Triệu chứng điển hình trong sách giáo khoa của một cơn đau tim là bị đau tim dữ dội có thể lan xuống cánh tay hoặc lên đến cổ. Không phải ai cũng mắc phải những triệu chứng đó, phụ nữ có xu hướng ít gặp các triệu chứng điển hình hơn. Một điều khác với phụ nữ là, tôi nghĩ có xu hướng coi đây là tình trạng của đàn ông, và khi mọi người cảm thấy khó chịu ở vùng ngực hoặc các triệu chứng khác có thể là đau tim, thì phụ nữ coi thường nó hơn nam giới.

Kinh nghiệm này thật đúng với Melissa Gardiner, cô từng bị đau tim vào tháng 10 năm 2021.

Tôi thức dậy lúc 1:30 sáng với một cơn đau nhẹ, không có gì nghiêm trọng và hơi khó chịu ở lòng bàn tay - giống như cảm giác ngứa ran. Tôi cố chịu đựng trong một tiếng rưỡi đồng hồ và gọi đến đường dây nóng của HealthFirst và cô ấy nói 'Tôi sẽ gọi cấp cứu cho bạn, bạn cần đến bệnh viện.' Và tôi nói "Ồ không, đừng làm thế. Tôi chắc chắn là không có gì nghiêm trọng đâu. Tôi không muốn làm mất thời gian của bất kỳ ai." Nhưng tôi đã được đưa đến bệnh viện và phát hiện ra rằng mình bị đau tim, vì vậy nó thật đáng sợ.

Mặc dù cơn đau ở vùng ngực vẫn là triệu chứng đau tim phổ biến nhất, nhưng phụ nữ có nhiều khả năng gặp phải các triệu chứng không đau ở ngực thay vào đó họ có thể buồn nôn, mệt mỏi, khó thở, đổ mồ hôi lạnh và đau hoặc khó chịu ở hàm, vai, cánh tay hoặc lưng.

Đây là những triệu chứng thường bị nhầm lẫn với các tình trạng như cảm cúm, vận động quá sức hoặc khó tiêu.

Sau cơn đau tim, Melissa phải đặt stent vào một trong những động mạch đã bị tắc đến 90%.

Chỉ ba tuần sau, cha cô đã qua đời vì một cơn đau tim nặng.

Melissa nói cô chưa bao giờ nghĩ một cơn đau tim có thể xảy ra với mình vì cô cho rằng đó không phải là vấn đề cấp bách đối với phụ nữ.

Khi tôi nghĩ về những cơn đau tim, tôi nghĩ đến đàn ông. Đó không phải là điều mà bạn nghe nói về phụ nữ vì vậy tôi chỉ biết từ những gì tôi đã xem trên TV - họ ôm lấy ngực và ngã xuống. Tôi đã không biết nhận ra các triệu chứng có thể khác nhau ở phụ nữ và rất nhẹ. Tôi thậm chí đã không đến bệnh viện nếu tôi không gọi đến đường dây đó và cô ấy đã gọi xe cứu thương cho tôi. Tôi cho rằng tôi có thể đã ngồi đó và Chúa ơi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Cô cảm thấy vô cùng may mắn khi được can thiệp trước khi quá muộn.

Đừng phớt lờ các dấu hiệu. Bạn cần phải kiểm tra không tốn kém gì cả. Bệnh viện sẽ không từ chối bạn và nói rằng bạn ngu ngốc đâu. Tôi chắc chắn sẽ đi kiểm tra vì vết thương của tôi quá nhỏ đến nỗi tôi tưởng không có gì đáng kể. Cứ tưởng làm mất thời gian của mọi người, thì phát hiện ra bị đau tim mới sốc chứ.

Nếu bạn cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào được đề cập trong câu chuyện này, chẳng hạn như đau hoặc tức ở ngực, cánh tay hoặc cổ, hãy nói cho ai đó biết cảm giác của bạn và nếu bạn không cảm thấy khá hơn sau 10 phút, hãy gọi ba số không (000) và yêu cầu xe cấp cứu.



Share