Các cộng đồng di dân cần hiểu biết tốt hơn về an toàn sóng nước ở Úc

Aerial view of sea waves breaking on shore.

Aerial view of sea waves breaking on shore. Source: Getty

Nhiều người đang kêu gọi cung cấp thông tin về an toàn sóng nước để giúp đỡ các cộng đồng di dân trên khắp nước Úc. Một nghiên cứu mới của Đại học New South Wales đang xem xét các yếu tố nguy cơ dẫn đến chết đuối trong số các di dân từ Nam Á, những người từ lâu đã chiếm đa số trong các trường hợp tử vong trên bãi biển.


Một nét đặc trưng  về hình ảnh nước Úc là những bãi biển cát vàng bên làn nước trong xanh, một trong những điểm thu hút chính đối với di dân ở Úc.

Nhưng theo Amar Singh, Chủ tịch của tổ chức 'Turbans 4 Australia' thì vẻ đẹp của các bãi biển tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

“Nó đáng sợ một cách bí ẩn. Các cộng đồng di dân chưa từng nhìn thấy những dòng chảy rút xa bờ, nơi có thể có nhiều loại sứa biển. Họ chưa từng biết điều đó. Các trang web quảng cáo nói rằng hãy đến Úc để ngắm nhìn những bãi biển tuyệt đẹp, cát trắng và làn nước trong xanh. Mọi người đều bị cám dỗ với mùi hương của biển.”

Và sự cám dỗ đó có thể gây ra hậu quả chết người.

47% số ca chết đuối ở Úc trong 15 năm qua là những người sinh ra ở nước ngoài.

Và di dân Ấn Độ chiếm tỷ lệ cao nhất trong số đó.

Một cuộc khảo sát mới từ nhóm An toàn Bãi biển của Đại học New South Wales hiện đang cố gắng tìm hiểu lý do tại sao lại như vậy.

Giáo sư Rob Brander là một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết:

“Chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết những người sống ở Úc dưới 10 năm là những người thường xuyên đến các bãi biển hơn, nhưng ít có khả năng được học bơi, biết những cảnh báo nguy hiểm, hiểu những thứ như dòng chảy xiết ra biển hoặc đã tham gia vào chương trình bảo vệ an toàn trên bãi biển. Vì vậy, thông điệp cần đưa ra là chúng ta phải cải thiện việc giáo dục an toàn trên bãi biển cho các di dân mới.”

Gần một nửa trong số 249 di dân từ các quốc gia Nam Á được khảo sát thừa nhận họ không biết bơi, nhưng vẫn muốn xuống nước.

Nhiều người mặc quần áo thông thường chứ không phải đồ bơi, điều này có thể khiến việc bơi lội trở nên khó khăn hơn.
Trong khi hơn một nửa số người được khảo sát mạo hiểm xuống nước ở những bãi biển không có người kiểm soát, hơn một phần tư cũng có hiểu biết hạn chế về hệ thống cờ đỏ và vàng.
Giáo sư Brander lo ngại điều gì đó trong thông điệp an toàn lướt sóng bị lược bỏ trong quá trình dịch thuật.

“Một trong những phản hồi chính mà chúng tôi nhận được là họ thường đọc các biển báo và họ không thực sự hiểu. Họ nói rằng sẽ hữu ích nếu biển báo an toàn chung trên bãi biển và các thông điệp được dịch sang những ngôn ngữ khác nhau. Các biển báo có thể không được dịch là tại sao bạn nên bơi giữa những lá cờ? Trên thực tế, có một số bằng chứng trong cuộc khảo sát của chúng tôi rằng mọi người nhìn thấy màu đỏ trên lá cờ và cho rằng điều đó có nghĩa là nguy hiểm, hoặc họ nghĩ đó là khu vực bơi lội tư nhân. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần giải thích cho mọi người hiểu những lá cờ mang ý nghĩa gì.”

Ông Singh tin rằng còn có những rào cản văn hóa mà thông điệp về an toàn trên biển hiện tại chưa thể vượt qua.

“Những người đến từ các nền tảng văn hóa, ngôn ngữ khác nhau, họ phải vượt qua rất nhiều rào cản trước khi có thể hiểu những điều cơ bản. Vài người hỏi rằng tại sao phải bơi giữa những cây cờ trong khi cả bãi biển vắng tanh? Vì họ không hiểu khu vực đó đã được đánh dấu an toàn cho nhân viên cứu hộ, nhưng sau đó, một lần nữa, họ hỏi rằng Nhân viên cứu hộ là ai. Họ chỉ nghĩ rằng đó là những người bình thường mặc quần áo nghiêm túc trên bãi biển.”

Có rất nhiều chương trình an toàn khi lướt sóng dành cho di dân tại các bãi biển trên cả nước. Nhiều chương trình đã thành công trong việc dạy cho di dân mới, đặc biệt là trẻ em, cách tận hưởng bãi biển một cách an toàn.

Nhưng Giáo sư Brander nói rằng cần mở rộng để tập trung hơn vào cộng đồng, để tránh tình trạng hiểu sai các thông điệp.

“Có rất nhiều chương trình đang cố gắng giải quyết vấn đề an toàn trong các cộng đồng di dân. Và tôi chắc rằng có nhiều chương trình rất tốt. Nhưng thách thức nằm ở việc liên hệ với các đối tượng và thúc đẩy họ quan tâm đến việc học bơi và các chương trình an toàn trên bãi biển. Cần sự nỗ lực nhiều hơn trong lĩnh vực đó và giáo dục mọi người từ cộng đồng của họ.”

Turbans 4 Australia đã điều hành chương trình cộng đồng của riêng mình, sử dụng số tiền tài trợ hạn chế để sản xuất các video về an toàn bơi lội phù hợp với các văn hóa khác nhau.

Ông Singh cho biết ông muốn được sự hỗ trợ nhiều hơn từ các tổ chức tương tự, để truyền tải thông điệp quan trọng, trích dẫn sự thành công của các hoạt động truyền thông hướng đến cộng đồng trong đại dịch COVID-19.

“Chúng ta cần phải làm nhiều hơn ở các cấp độ để mọi người có thể hiểu bằng ngôn ngữ của họ, theo cách mà họ có thể hiểu.”

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share