Biên giới khóa chặt giữa Queensland và New South Wales đã khiến một số bệnh viện nằm ở phía nam đường biên giới tức phía bắc NSW lâm vào tình trạng thiếu nhân viên một cách trầm trọng và các y tá lo sợ bị kiệt sức vì phải gánh gồng thêm phần việc khác.
Những người buộc phải làm việc nhiều giờ đang kiệt sức - và không có sự cứu trợ nào trong tầm mắt khi họ vẫn phải làm bù thêm vào phần việc của đồng nghiệp của họ những người đang bị mắc kẹt tại nhà ở Queensland,
Sau hai ngày hội đàm cấp cao với những người đồng cấp New South Wales thì kết quả là chính phủ Queensland vẫn giữ nguyên quyết định của mình và từ chối các đề xuất sửa đổi về đường biên giới khóa cứng đang thực hiện.
Belinda Hinchey là một nhân viên vật lý trị liệu của bệnh viện và là đại biểu của Liên minh Dịch vụ Y tế cho vùng Tweed.
“Không phải tất cả mọi người đều sống ở Queensland và làm việc ở New South Wales nhưng khá nhiều nhân viên bị ảnh hưởng. Có đến 50% nhân viên công tác xã hội không thể đến làm việc, 70% bác sĩ chuyên khoa ngữ âm không thể đến làm việc, và 70% bác sĩ dinh dưỡng đã không thể đến làm việc. Điều đó có nghĩa là những nhân viên còn lại phải gánh vác phần việc đó.”
Cô ấy nói rằng nhân viên đang rất căng thẳng và rất mệt mỏi.
Chính quyền Queensland thắt chặt các quy tắc ra vào biên sau khi bùng phát dịch bệnh Delta ở New South Wales.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chỉ những người đã đăng ký với Cơ quan Quản lý Hành nghề Y tế Úc (AHPRA), chẳng hạn như bác sĩ và y tá, mới có thể qua biên giới để làm việc.
Quyết định này có nghĩa là nhiều ngành nghề khác không thuộc AHPRA, không thể vượt qua ranh biên giới tiểu bang để làm việc, cũng như nhân viên dọn dẹp, nhân viên bếp và người chăm sóc tất cả những công việc này là cần thiết để điều hành bệnh viện.
Trong một tuyên bố với SBS News, Lynne Weir, Quyền Giám đốc Điều hành của Khu Y tế Địa phương phía Bắc cho biết việc bố trí nhân sự tại các bệnh viện biên giới là bấp bênh.
“Hiện tại, các trường hợp không thể có mặt để làm việc đang được các nhân viên còn lại đảm đương bằng cách làm tăng ca. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp bền vững. Tất cả các thành viên trong lực lượng y tế của chúng tôi đều cần thiết để vận hành hiệu quả các bệnh viện của bệnh viện, phục vụ sức khỏe công chúng. Điều này bao gồm các bác sĩ lâm sàng, nhân viên vệ sinh, nhân viên hành chính, cũng như các dịch vụ thực phẩm và các nhân viên hỗ trợ khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để có đầy đủ lực lượng lao động để có thể tiếp tục làm việc trong hệ thống y tế công cộng của chúng ta.”
Người đứng đầu các cơ sở y tế địa phương cho rằng việc chăm sóc bệnh nhân không bị ảnh hưởng do thiếu nhân sự, nhưng những người trong cuộc cho rằng điều này là không đúng.
Belinda Hinchey cho biết:
“Bệnh nhân không thể nhận được một số dịch vụ mà trước đó họ có. Mà cũng không có ai khác để có thể thay thế để làm những công việc đó. Mỗi bộ phận mỗi người đều làm phần việc trong chuyên môn của mình, không có bộ phận nào thừa thải, không ai có thể thực sự bước vào và tiếp quản công việc cho họ. Khi đột nhiên một số người buộc phải ở nhà thì những người còn lại buộc phải gánh gồng phần việc của đồng nghiệp, nhưng họ không thể đảm đương thấu đáo như những người phụ trách công việc đó.”
Một y tá, người đã làm việc trong khu vực 18 năm nói với SBS News rằng cô ấy đang trên bờ vực của sự kiệt sức.
Danh tính của cô ấy đã được giấu kín, vì cô ấy sợ nói ra sẽ vi phạm hợp đồng của mình.
“Tôi chưa bao giờ thấy lúc nào như lúc này. Các đồng nghiệp của tôi những người phụ trách các khu phòng, nhân viên vệ sinh, nhân viên nhà bếp, chuyên gia dinh dưỡng, nhân viên xã hội và chuyên gia ngôn ngữ sống ở Queensland được thông báo rằng họ không phải là nhân viên thiết yếu và nếu họ đến làm việc tại Bệnh viện Tweed hoặc Murwillumbah, họ không thể trở về nhà. Chúng tôi đang thiếu nhân viên trầm trọng vì những hạn chế về biên giới, những người còn lại đang làm việc thì đang kiệt sức.”
Dù đã mất đến hai ngày họp bàn giữa các quan chức cấp cao của hai tiểu bang vừa diễn ra trong tuần này thì vấn đề biên giới vẫn chưa đạt được sự nhất trí nào.
Queensland không muốn nới lỏng các quy định cho đến khi tình hình COVID-19 ở New South Wales ổn định.
Chủ tọa cuộc họp và Ủy viên Hội đồng xuyên biên giới New South Wales James McTavish nói với SBS News rằng ông biết rằng việc chăm sóc sức khỏe đang phải chịu áp lực vì những biện pháp hạn chế.
“Chúng tôi biết có một tác động đáng kể đối với lực lượng lao động y tế ở phía bắc New South Wales và phía đông nam Queensland, và những tác động đó ảnh hưởng đến kết quả của bệnh nhân và các cuộc hẹn y tế. Dù rằng mọi người vẫn có thể đến Queensland cho các cuộc hẹn sức khỏe của họ, họ vẫn có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc thiết yếu đó, nhưng nếu bạn không có lực lượng lao động sẵn có, nếu bạn không có những người có thể cung cấp các dịch vụ đó trong bệnh viện, thì các dịch vụ y tế và sức khỏe đó cũng như hệ thống đó trở nên không hoạt động được.”
Ông McTavish nói rằng ông tin rằng các biện pháp mà Queensland đưa ra là quá khắc nghiệt và ông muốn thấy một số thay đổi trong việc định nghĩa về lao động thiết yếu.
“Chúng tôi không đề xuất rằng chúng tôi đơn phương mở cửa biên giới. Chúng tôi không đề xuất mở cửa cho tất cả mọi người. Mà chúng tôi đang đề xuất một số biện pháp cho phép mọi người được tiếp cận các dịch vụ họ cần một cách dễ dàng hơn. Tất cả chúng ta nên nhận ra rằng khi chúng ta đưa ra các quyết định về hạn chế và đóng cửa biên giới, trọng tâm của tất cả những điều này là con người, và những người đó có những tác động cá nhân và tập thể lên xã hội. Tất cả họ đều đã phải chịu đựng khá nhiều khó khăn trong 20 tháng qua. Và tôi hy vọng điều đó sẽ cải thiện với tỷ lệ tiêm chủng tăng lên chăng? Mọi người đang quá căng thẳng với việc sống trong đại dịch COVID, do đó mà chúng tôi hy vọng sẽ nhanh chóng thấy các hạn chế được nới lỏng.”
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung