Báo cáo nói 1 trong 4 di dân tay nghề đang làm việc dưới trình độ và kỹ năng của họ

Former United Nations HIV Program Specialist Dr Mohammad Zubair Harooni (Supplied).jpg

Former United Nations HIV Program Specialist Dr Mohammad Zubair Harooni. Credit: Supplied

Một báo cáo mới nói di dân và người tị nạn đang bị bỏ qua, và không được nghĩ đến như một giải pháp cho tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực của Úc hiện nay. Báo cáo từ tổ chức Dịch vụ Định cư Quốc tế SSI nói hàng tỷ đô la có thể được bơm vào nền kinh tế nếu các kỹ năng của di dân và người tị nạn được khai thác một cách hiệu quả.


Hồi tháng Tư, Tổng trưởng Nội vụ Claire O'Neil đã có bài phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Canberra, về vấn đề lấy di dân là trọng tâm.

Hệ thống di dân của chúng ta đang phải chịu đựng một thập kỷ bị lãng quên đến nghẹt thở. Nó bị hư hỏng. Nó khiến các doanh nghiệp thất vọng và khiến chính những người di dân bị tuyệt vọng. Và quan trọng nhất, đó là sự thất bại của người Úc. Điều này không thể tiếp tục nữa bởi vì chúng ta là một quốc gia phải đối mặt với một số thách thức lớn mà di dân có thể giúp giải quyết. Nền kinh tế của chúng ta đang bị mắc kẹt trong lối mòn năng suất, và người Úc đang phải gánh chịu hậu quả vì điều đó. Di dân có thể giúp chúng ta thay đổi điều đó.

Nhưng một báo cáo mới từ Dịch vụ Định cư Quốc tế SSI gợi ý rằng nói thì dễ hơn làm rất nhiều.

Báo cáo của SSI mang tên Lợi ích Tỷ Đô - nói khi di dân và người tị nạn có tay nghề cao đến Úc, họ phải vật lộn để tìm chỗ đứng trong thị trường việc làm địa phương.

Bác sĩ Mohammad Zubair Harooni là một trong những người tị nạn như vậy.

Mặc dù đã có 15 năm làm việc trong ngành y tế tại quê hương Afghanistan và có kinh nghiệm làm Chuyên gia Chương trình phòng chống HIV của Liên Hiệp Quốc, ông nói ông đã không thể tìm được một vị trí trong lĩnh vực y tế tại Úc.

Đối với một số vị trí, thậm chí tôi còn không lọt và o danh sách rút ngắn, nhưng đối với một số vị trí khi tôi lọt vào vòng phỏng vấn - chẳng hạn như tôi đã trải qua năm cuộc phỏng vấn vào năm ngoái, thì tôi cũng không thành công trong các cuộc phỏng vấn đó. Khi tôi gọi đến họ để hỏi thăm sau phỏng vấn thì họ nói với tôi rằng bạn dư kỹ năng cho vị trí này. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng vì tôi không có nhiều kinh nghiệm địa phương - tôi chưa từng làm việc ở Úc - nên đó có thể là một trở ngại. Đó là một vấn đề. Đó là lý do tại sao tôi không thể có được một vị trí đúng tay nghề.

Violet Roumeliotis là Giám đốc điều hành của Dịch vụ Định cư Quốc tế SSI.

Bà nói báo cáo cho thấy trải nghiệm của bác sĩ Harooni là khá phổ biến.

Không giống như hầu hết các quốc gia phát triển, nơi di dân có xu hướng là tay nghề và trình độ thấp hơn so với dân địa phương, điều ngược lại đang xảy ra ở Úc, ở đây cứ bốn di dân có tay nghề thì có một người đang làm công việc dưới trình độ và kỹ năng của họ, mặc dù họ có trình độ cao hơn.

Không chỉ trong lĩnh vực y tế mà những người lao động nhập cư và tị nạn lành nghề phải đối mặt với những thách thức khác.

Nghề kỹ sư là một ví dụ điển hình khác.

Úc cần tuyển 30.000 vị trí kỹ sư - tuy nhiên báo cáo cho hay một nửa số di dân là kỹ sư đang thất nghiệp hoặc phải làm việc trong các lĩnh vực khác.

Bà Violet Roumeliotis nói có nhiều lý do khiến di dân và người tị nạn không thể phát huy hết tiềm năng của họ tại nơi làm việc.

"Tôi nghĩ có nhiều quan niệm sai lầm phổ biến mà các nhà tuyển dụng đặc biệt suy nghĩ về người tị nạn - và di dân nói chung - rằng họ thiếu kỹ năng hoặc thiếu một mảng giáo dục nào đó chẳng hạn. Điều này không hề đúng. Nhiều người đến đây đã được đào tạo bác sĩ, kỹ sư, giáo viên... Có quan điểm cho rằng di dân không có trình độ ngôn ngữ phù hợp... Và sau đó còn có quan điểm cho rằng họ không phù hợp về mặt văn hóa nữa. Rằng họ sẽ không thích nghi với văn hóa ở đây - những thành kiến ​​​​này cũng như các giả định về khả năng thích nghi với giá trị làm việc hoặc môi trường làm việc tại Úc. Và sau đó tôi nghĩ rằng có một cam kết rất ít ỏi từ các nhà tuyển dụng để có thể thực sự tò mò xem thử những di dân và người tị nạn có thể đóng góp được gì tại nơi làm việc.”

Tuy nhiên, báo cáo cũng xác định một số vấn đề có thực, mang tính hệ thống.

Đó là 57 phần trăm những người xin tị nạn ở Úc không được phép làm việc.

Gần 2/3 người lao động có visa tạm thời được trả lương ít hơn mức lương tiêu chuẩn tối thiểu.

Và chỉ có 33 phần trăm những người đến Úc thường trú có bằng cấp sau tốt nghiệp phổ thông được công nhận ở Úc, điều mà Tổ chức Dịch vụ Định cư Quốc tế cho biết là một công thức dẫn đến tình trạng bóc lột và thiếu việc làm cho những người mới đến.

Bác sĩ Harooni nói tay nghề của ông hiện đã được công nhận - nhưng quá trình tìm việc vẫn còn là một thử thách đối với ông và nhiều người khác.

Toàn bộ quá trình công nhận, đối với bác sĩ y khoa, thường mất từ ​​ba đến bốn tuần. Đó là thời gian tối đa. Nhưng đối với một số người, phải mất hơn 20, 25 tuần, hơn 5 tháng. Đối với một số người khác, thậm chí còn lâu hơn thế nữa. Và lý do chính đằng sau đó là chính phủ hiện tại ở Afghanistan, họ không ủng hộ và họ không giúp đỡ những người đã rời bỏ đất nước.

Chính phủ liên bang dường như đã nhận thức rõ về những vấn đề mà di dân và người tị nạn có tay nghề cao đang phải đối mặt ở Úc.

Tổng trưởng Claire O'Neil nói.

Nếu vấn đề tăng dân số nếu không thì sẽ thất bại được mô tả là thách thức của Úc trong những năm 1950, thì việc nâng cao tay nghề nếu không thì sẽ thất bại là thực tế mà chúng ta phải đối mặt trong những năm 2020 và về sau. Bởi vì ngày nay chúng ta không mang theo những kỹ năng cần để đối mặt với những thách thức lớn, và chúng ta chắc chắn là đã không tận dụng tối đa những tài năng mà chúng ta đang có. Chúng ta sử dụng mức thu nhập để xác định tay nghề những người lao động đến Úc, ý tôi muốn nói họ ở đây vì họ mang đến cho đất nước chúng ta những thứ mà người Úc không thể làm được. Gần như 10 năm trước, ngưỡng thu nhập đó đã bị chính phủ cũ đóng băng ở mức 53.900 đô la. Tức là dưới 90, tức là dưới mức thu nhập của 90% người lao động toàn thời gian ở Úc. Vì vậy, điều đó có nghĩa là mỗi năm trong 10 nămg qua, tỷ lệ này ngày càng tăng, những người vào Úc bằng visa tạm thời, có tay nghề cao đang bị dồn vào những công việc lương thấp.

Tổng trưởng đã đưa ra những gợi ý mạnh mẽ rằng những điều bất thường như thế này sẽ được thay đổi.

Một chiến lược di dân mới cuối cùng sẽ được công bố vào cuối năm nay, dự kiến sẽ giải quyết những lo ngại lâu nay về visa và điều kiện làm việc, cũng như việc công nhận bằng cấp.

Trong khi đó, bác sĩ Harooni nói ông không từ bỏ hy vọng được làm việc trong ngành y một lần nữa.

Việc công nhận (bằng cấp) của tôi đã hoàn tất. Tôi đủ điều kiện tham gia kỳ thi của Hội đồng Y khoa Úc, kỳ thi AMC... Vì vậy, cần ít nhất một đến hai năm chuẩn bị cho kỳ thi đó và để làm bài kiểm tra... Mục tiêu dài hạn của tôi vẫn là quay trở lại lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, và tôi khá tự tin rằng mình sẽ làm được.



Share