Đóng góp của các quân nhân Thổ dân trong cuộc chiến Triều Tiên cuối cùng đã được ghi nhận

A picture of Reg Saunders (image held by Aust War Memorial).jpg

Hơn 60 binh sĩ của First Nations từng phục vụ trong Chiến tranh Triều Tiên đã được chính thức công nhận, trùng với dịp kỷ niệm kết thúc chiến tranh trong cuộc xung đột. Các chuyên gia cho rằng đây là một bước quan trọng để tôn vinh sự hy sinh của các cựu chiến binh First Nations và ghi nhận những đóng góp của họ.


Cách đây 70 năm, một hiệp định đình chiến đã được ký kết để chấm dứt giao tranh ở Triều Tiên, vào ngày 27 tháng 7 năm 1953 **.

Trong cuộc chiến đó, với sự tham dự của Úc bên phe đồng mình, có ít nhất 60 binh sĩ của First Nations đã phục vụ trong quân đội tham gia cuộc chiến, và sau 70 năm nay họ vừa được Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc chính thức công nhận.

Garth O'Connell là Người phụ trách quân sự của Đài tưởng niệm.

"Vấn đề quân nhân Thổ dân trong những năm 1950 rất dễ hiểu. Nó không được thảo luận. Nó không cần thiết. Nó không được Bộ Quốc phòng, nơi tham dự vào quá trình tuyển quân, hỏi đến. Mãi đến giữa những năm 1990, Bộ Quốc phòng mới bắt đầu hỏi câu hỏi mà ngày nay nhiều người nhận ra trong bất kỳ thủ tục giấy tờ nào của chính phủ liên bang. Chỉ cần đánh dấu vào ô: bạn có phải là Thổ dân và/hoặc Dân đảo Torres Strait không?"

Tên của 65 người đàn ông bản địa sẽ được công bố như một phần của nghiên cứu đang diễn ra của Đài tưởng niệm để công nhận tất cả các quân nhân và phụ nữ bản địa.

Garth O'Connell đã làm việc cùng với nhà sử học Michael Bell của First Nations để tìm kiếm lại danh tính và câu chuyện của họ.

Ông nói rằng mỗi câu chuyện vẽ nên một bức tranh sống động và nhiều đau đớn về cuộc sống của một người lính bản địa - trước, trong và sau chiến tranh.

"Trớ trêu thay, phục vụ quân đội đối với các quân nhân Thổ dân lại là một sân chơi bình đẳng hơn đối với họ về mặt xã hội - trong các cuộc chiến. Sau khi họ trở về từ các chiến trường này đó là lúc họ trải nghiệm lại các dạng thành kiến đối với Thổ dân mà xã hội lúc bấy giờ dành cho họ. Và đó là lý do tại sao những người đàn ông này thường chỉ phục vụ như cái mà chúng ta gọi là quân đội da xanh. Bất kể bạn là người Châu Á, Úc, Thổ dân, da trắng, hay bất cứ thứ gì, trong quân đội hầu như vấn đề sắc tộc hay xuất thân của họ không có ý nghĩa gì đối với những người đàn ông này, màu da không thực sự là một vấn đề. Nó chỉ là vấn đề sau khi họ trở về Úc."

Ông O'Connell cho biết nghiên cứu về các cựu chiến binh bản địa là sự hợp tác với gia đình của những người lính - một phần của quá trình khó khăn để xác nhận họ là ai.

"Chúng tôi tìm kiếm lại lai lịch được những người lính này trong nhiều năm nhờ nhiều nguồn kết hợp. Thông tin đó có thể đến từ những quân nhân không phải người bản địa đã phục vụ cùng với những quân nhân Thổ dân hoặc Dân đảo Torres Strait nói trên. Nhưng phổ biến nhất là từ các gia đình hoặc từ chính các cựu chiến binh. Họ đã cung cấp cho chúng tôi thông tin chi tiết về thời gian phục vụ của họ. Tôi đã tra cứu nó và sau đó chúng tôi đã liên lạc với các cộng đồng và hội đồng đất đai địa phương để xác nhận xem người đó là ai - và tất cả đã được xác nhận."

Đại Úy Reginald Saunders là một trong những cựu chiến binh được Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc công nhận.

Đại Úy là người lính bản địa đầu tiên đạt cấp bậc sĩ quan trong quân đội Úc vào năm 1945.

Con gái Đại Úy Reginald Saunders là Glenda Humes nói rằng ba cô sẽ rất tự hào khi những người đàn ông First Nations khác mà ông ấy phục vụ cùng hiện đang được công nhận.

"Chúng tôi đã có rất nhiều đàn ông và phụ nữ Thổ dân phục vụ trong hầu hết mọi cuộc chiến mà đất nước này từng dự phần, nhưng họ ít được công nhận. Bạn có thể được công nhận trên chiến trường. Nhưng sự công nhận đó ngoài chiến trường cũng là rất, rất hiếm. Và khi cha tôi trở về từ cả Đệ Nhị Thế Chiến và chiến tranh Triều Tiên, ông vẫn chỉ có thể làm những công việc tầm thường trên khắp đất nước. Mãi cho đến cuộc trưng cầu dân ý năm 1967, ông mới nhận được một công việc trong chính phủ Liên Bang đặc biệt làm việc cho cộng đồng chúng tôi."

Ngày càng có nhiều gia đình First Nations liên hệ với Đài tưởng niệm Chiến tranh về những người thân đã chiến đấu ở nước ngoài.

Bà Humes nói rằng việc cung cấp thông tin của họ giúp vẽ lên một bức tranh rõ ràng về sự phục vụ và hy sinh của người bản địa trong thời chiến.

"Tôi không ngạc nhiên khi biết người Thổ dân và dân đảo Torres Strait đã phục vụ đất nước này như thế nào trong chiến tranh. Và chắc chắn tôi sẽ khuyến khích gia đình các thành viên nếu họ biết rằng chú hoặc ông hoặc anh em họ của họ đã phục vụ trong quân đội thì hãy cho mọi người biết. Hãy để đài tưởng niệm biết về điều đó bởi vì tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta ghi nhận sự phục vụ của họ."

(**Mặt dù Hiệp định đình chiến được thiết kế để đảm bảo "chấm dứt hoàn toàn chiến sự và mọi hành động vũ trang ở Triều Tiên cho đến khi đạt được một giải pháp hòa bình cuối cùng". Nhưng một "giải pháp hòa bình" đã không đạt được, vì vậy hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.)

Share