SBS điều tra về thực trạng của hàng ngàn người sống sót sau khi bị bạo hành gia đình tại Úc, họ đã không thể trả nổi phí tổn luật sư.
Mặc dù bản thân vẫn đang trong quá trình hồi phục từ những hành vi bạo lực và bạo hành về mặt thể xác, tình dục, cảm xúc và tài chánh, nhưng những người sống sót phải tự tìm hướng đi để có thể nhận được các dịch vụ pháp lý do chính phủ tài trợ ít ỏi và khó kiếm.
Nhiều người không hiểu biết về hệ thống pháp luật, cũng như các từ ngữ kỹ thuật khó hiểu và quy trình phức tạp.
Trong nhiều trường hợp, hồ sơ do nạn nhân - người sống sót đứng đơn nộp lên dịch vụ trợ giúp pháp luật đã bị trả lại, bởi vì dịch vụ đó đã nhận hồ sơ do chính thủ phạm đứng đơn rồi.
Điều này càng tồi tệ hơn đối với những người không sinh ra tại Úc và ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Anh.
Tại sao phụ nữ chỉ nhận được phân nửa số khoản tài trợ pháp lý Legal Aid so với nam giới tại Úc?
Dữ liệu mới cho biết nam giới nhận được tài trợ pháp lý Legal Aid nhiều gấp đôi phụ nữ trong giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 5/2021. Giáo sư Luật tại trường đại học Sydney, Simon Rice đã phân tích số liệu do cung cấp, cho biết 65 phần trăm khoản tài trợ pháp lý đều dành cho nam giới, 33 phần trăm được trao cho nữ giới và 2 phần trăm không xác định giới tính.
Phụ nữ Úc gặp bất lợi một cách có hệ thống vì tài trợ của Legal Aid cho các vụ việc trợ giúp đương sự đều ưu tiên nhiều hơn đến các vụ vi phạm luật hình sự, mà bị cáo là nam giới chiếm đa số.
Tại Úc, luật pháp được chia thành ba lĩnh vực chính: luật hình sự, luật dân sự và luật gia đình.
Luật dân sự giải quyết các vấn đề mâu thuẫn giữa những cá nhân với nhau hoặc các tổ chức với nhau, còn luật gia đình giải quyết những mâu thuẫn trong phạm vi gia đình, cũng như cố gắng hỗ trợ các gia đình sau khi chia tay. Thông thường luật gia đình giúp đỡ các trường hợp về quyền nuôi dưỡng con cái và phân chia tài sản.
Luật hình sự chú trọng đến việc giải quyết các vụ án phạm tội hình sự.

SBS, with National Legal Aid Statistics (May, 2021) Source: SBS, from National Legal Aid Statistics (May, 2021)
Australian National Legal Aid Statistics ghi nhận trong năm 2020-2021, trong số 129,605 khoản tài trợ pháp luật, thì nam giới nhận được 83,503 khoản, phụ nữ được 43,160 khoản tài trợ, và những người không xác định giới tính nhận được 2,942 hồ sơ tài trợ.

Legal Grants given per gender in each state and territory Source: SBS, with National Legal Aid Statistics data
Tài trợ công dành cho sự đại diện pháp luật nay vẫn thật sự ít ỏi và không đáp ứng được nhu cầu, buộc các cơ quan chính phủ phải áp dụng hệ thống thanh lọc nhằm phục vụ cho những ai đang cần đến sự tài trợ này nhất. Một trong các công cụ thanh lọc là "Kiểm tra Tài chánh", có thể xem xét tài sản và thu nhập của người nộp hồ sơ để quyết định liệu họ có xứng đáng được hưởng tài trợ pháp luật miễn phí toàn phần hoặc một phần hay không.
Về nguyên tắc thì công cụ kiểm tra này đều ảnh hưởng lên phụ nữ và nam giới như nhau, nhưng tại sao phụ nữ, trong đó có những nạn nhân của sự bạo hành gia đình, lại chỉ nhận một nửa tài trợ Legal Aid so với nam giới, vốn là thủ phạm trong phần lớn trường hợp?
Ưu tiên tài trợ giải quyết các vụ án hình sự khiến nạn nhân của bạo hành gia đình gặp bất lợi
Phán quyết năm 1992 của Tối cao Pháp viện trong vụ Dietrich v the Queen, quyết định rằng nếu không được đại diện, thì bị cáo của một vụ án hình sự nghiêm trọng có thể không nhận được một phiên xử công bằng. Điều này có nghĩa rằng tại Úc, một người khi bị xử tội hình sự đều phải có luật sư đại diện.
Nguyên tắc này không áp dụng đối với luật gia đình và luật dân sự. Quyền được tiếp cận sự tài trợ pháp luật đã được thảo luận trên tầm thế giới, do Liên Hiệp Quốc khởi xướng.
Phần nhiều các quỹ tài trợ pháp luật đều dành cho những vụ án hình sự nghiêm trọng.
Trong năm tài chánh 2020 - 2021, trang mạng của cho thấy 83,499 người nhận được tài trợ pháp lý trong các vụ án hình sự, 42,298 người được nhận tài trợ để giải quyết các vụ luật gia đình và 3,808 người được tài trợ trong các vụ án dân sự.
42.298 khoản trợ cấp cho các vụ án luật gia đình bao gồm trợ cấp cho người đại diện pháp lý của nam giới, nữ giới (trong đó có nhưng không phải tất cả là nạn nhân của bạo hành gia đình) và trẻ em.
Dữ liệu hiện có không ước tính có bao nhiêu phần trăm số trợ cấp này tài trợ cho người đại diện pháp lý cho phụ nữ trong các vụ án về bạo hành gia đình.
Các nhà cung cấp dịch vụ pháp lý phải đối mặt với một thách thức khác: đó là sự xung đột lợi ích.
Trong các vụ án liên quan tới bạo hành gia đình, không hiếm trường hợp luật sư trợ giúp pháp lý đã đại diện cho bị đơn (người bị cáo buộc là thủ phạm bạo hành gia đình) trong các vụ án luật hình sự khác, vì vậy họ không thể đại diện cho đương đơn hay thành viên khác trong gia đình bị ảnh hưởng (nạn nhân).
Hệ thống pháp luật Úc không áp dụng nguyên tắc Dietrich cho các vụ án luật gia đình hoặc luật dân sự, có nghĩa rằng một cá nhân có thể không cần luật sư đại diện cho mình trước tòa án.

National Legal Aid grants. Criminal, Family and Civil Law (2020-21) Source: SBS, with National Legal Aid Statistics (May, 2021)
Nếu một người không thể trả phí tổn luật sư, họ có thể được yêu cầu tự mình đại diện cho mình trước tòa thông qua một quy trình được gọi là tự đại diện.
Trong những năm qua, các tòa án Úc đã chứng kiến hàng ngàn đương sự tự đại diện, bao gồm những người sống sót sau các vụ bạo hành gia đình, họ phải một lần nữa hồi tưởng lại nỗi đau của bản thân khi giải thích vụ việc của mình và trưng bằng chứng trước toà mà không cần sự hỗ trợ của luật sư.
Dịch vụ trợ giúp pháp lý Legal Aid không thể đại diện cho cả hai phe thân chủ, nhằm bảo đảm không có bất kỳ xung đột lợi ích nào.
Tuy nhiên, Legal Aid Victoria nói với SBS rằng phụ nữ có thể lựa chọn tiếp cận các dịch vụ pháp lý khác khi nhận thấy có sự xung đột lợi ích.
Bà Joanna Fletcher, Giám đốc Điều hành, Dịch vụ Luật Gia đình, Thanh thiếu niên và Trẻ em tại Legal Aid Victoria nói: "Xung đột lợi ích không thể ngăn cản phụ nữ có được một người đại diện pháp lý. Trong các vụ án bạo hành gia đình tại Victoria, nếu luật sư của chúng tôi đã đại diện cho người này, thì người kia có thể được hỗ trợ bởi một trung tâm pháp lý cộng đồng hoặc một luật sư tư nhân, được Legal Aid Victoria tài trợ. Tại Victoria, phần lớn các khoản trợ giúp pháp lý về bạo hành gia đình và luật gia đình là dành cho những thân chủ đang nhận sự trợ giúp pháp lý miễn phí từ luật sư tư nhân”.
Trong những trường hợp này, bà Fletcher nói, họ giới thiệu nạn nhân đến một trung tâm pháp lý cộng đồng hoặc một luật sư tư nhân để nhận được sự đại diện.
Đối với nhiều phụ nữ, sự giới thiệu là sự bắt đầu để bước vào hệ thống pháp luật phức tạp mà họ sẽ phải đi theo sau khi sống sót khỏi sự bạo hành gia đình.
Đại diện pháp lý cho nạn nhân bạo hành gia đình vẫn còn bị hạn chế
Úc không có một chính sách quốc gia hoặc một ngân sách nào phân bổ để tạo ra khoản tài trợ pháp luật chung cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự bạo hành. Một nạn nhân bạo hành gia đình muốn tham gia hệ thống trợ giúp pháp lý công cần phải nộp hồ sơ xin trợ giúp pháp lý về luật gia đình, mà luật gia đình vốn là một lĩnh vực giải quyết toàn bộ các vấn đề về gia đình, không chỉ dành riêng cho các vụ bạo hành gia đình.
Tại Úc, trung bình mỗi tuần có và gần 10 phụ nữ mỗi ngày phải nhập viện vì những vết thương do bạn đời gây ra.
Năm 2017, chính phủ NSW ghi nhận trong năm 2013, 49% trong số 85 vụ tự tử của phụ nữ đều là những người có liên quan tới vấn đề bạo hành gia đình, từng được ghi lại trong hồ sơ giới chức hoặc cho thấy bằng chứng rõ ràng. Từ năm 2008 đến năm 2016, có 150 trường hợp sát hại bạn đời hoặc người yêu tại NSW; 90% số vụ nói trên đều xảy ra trong bối cảnh bạo hành gia đình.
Bộ Tư pháp là nơi chịu trách nhiệm điều phối chính sách của chính phủ và các dự án giúp cải thiện khả năng tiếp cận công lý của các nạn nhân. Vào năm 2009, một phúc trình về Tiếp cận Lực lượng Tư pháp cho rằng Úc cần phải cải cách toàn bộ nhằm mang lại một 'quyết định thống nhất và tổng quát về phương pháp tiếp cận công lý trong toàn bộ hệ thống trợ giúp pháp lý'.
Kể từ đó, Úc đã thực hiện một vài dự án trợ giúp pháp lý ở cả cấp quốc gia và tiểu bang. Tuy nhiên, không có sáng kiến nào trong các dự án này giải quyết việc tiếp cận công lý phổ cập trên toàn quốc, và tất cả các sáng kiến đều yêu cầu người nộp hồ sơ phải đáp ứng các tiêu chí hợp pháp nhất định.
Quyền Giám đốc Điều hành Dịch vụ Pháp luật cho Phụ nữ Victoria, bà Helen Matthews nói một số lượng đáng kể những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp pháp lý đến nay vẫn chưa hội đủ điều kiện để có thể nhận các khoản tiền trợ cấp pháp lý.
Nếu một người đang trải qua sự bạo hành gia đình, thậm chí trong vấn đề nuôi dạy con cái, thì điều đó không có nghĩa họ là thân chủ được ưu tiên nhận sự trợ giúp pháp lý.
Tuy nhiên, trên thế giới có nhiều quốc gia khác đã có thể hỗ trợ pháp lý cho những người sống sót sau bạo hành gia đình nhiều hơn nước Úc.
Mười năm trước, phúc trình năm 2011 – 2012 về Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc ghi nhận 45 quốc gia đã đưa trợ giúp pháp lý miễn phí vào luật chống bạo hành gia đình. Theo Nghiên cứu Toàn cầu về Trợ giúp Pháp lý của , những quốc gia này có sự thịnh vượng khác nhau, một số nước không thịnh vượng như Úc, nhưng họ vẫn có thể cung cấp sự tiếp cận trợ giúp pháp lý miễn phí cho nạn nhân và người sống sót sau bạo hành gia đình.
Trung Quốc, Argentina, Montenegro và Ý là một vài điển hình trong số đó. Argentina cung cấp khoản trợ giúp pháp lý chung cho các nạn nhân bạo hành gia đình, dù tình hình tài chánh của họ như thế nào. Tại Ý, nhà nước có nghĩa vụ cung cấp sự trợ giúp pháp lý không phân biệt thu nhập cho các nạn nhân rơi vào tình huống bị lạm dụng trong gia đình. Các nạn nhân bạo hành gia đình của Trung Quốc được bảo đảm quyền tiếp cận một đại diện pháp luật, và Nepal công nhận sự trợ giúp pháp lý miễn phí là quyền căn bản của công dân - mặc dù không phải lúc nào nước này cũng đáp ứng được nhu cầu.
Tìm hiểu thêm về sự bạo hành gia đình tại Úc trong loạt phim tài liệu See What You Made Me Do của SBS. Phát trực tuyến miễn phí trên SBS On Demand với .
Nếu bạn, một đứa trẻ hoặc một người nào đó đang gặp nguy hiểm xin hãy gọi 000 ngay lập tức.
Nếu bạn hoặc một ai đó mà bạn biết đang cần giúp đỡ, vui lòng liên hệ với các tổ chức sau:
1800 RESPECT
Điện thoại: 1800 737 732
Website: www.1800RESPECT.org.au
Đường dây trợ giúp Trẻ em:
1800 55 1800
Website: kidshelpline.com.au
Dịch vụ giới thiệu cho nam giới
Điện thoại: 1300 766 491
Website: www.ntv.org.au
Đường dây nóng Lifeline
Điện thoại: 13 11 14
Trang web: www.lifeline.org.au