Trong mùa đông vừa qua, nhiều người đã liên tiếp mắc bệnh, có thể là COVID, cúm, hoặc các bệnh đường hô hấp khác. Một số người vừa khỏi bệnh thì lại nhiễm một căn bệnh khác.
Bên cạnh đó, còn có sự tái xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu như bệnh đậu mùa khỉ hay bệnh bại liệt.
Tất cả những điều này có liên kết với nhau không? COVID có làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến chúng ta dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác hay không?
Có nhiều lý do khiến các bệnh truyền nhiễm xuất hiện ở những địa điểm mới, sau nhiều thập niên, hoặc ở những nhóm người mới. Vì vậy, chúng ta không thể đi đến kết luận rằng nhiễm COVID đã làm phát sinh những bệnh nhiễm trùng này.
Thế nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng về tác động tiêu cực của COVID đối với hệ miễn dịch của một người khỏe mạnh, vài tuần sau khi các triệu chứng thuyên giảm.
Điều gì xảy ra khi bạn bị nhiễm virus?
Có ba trường hợp có thể xảy ra sau khi nhiễm virus:
- Hệ miễn dịch tiêu diệt virus và bạn phục hồi (ví dụ: rhinovirus gây cảm lạnh thông thường)
- Hệ miễn dịch đưa virus về trạng thái “tiềm ẩn” và bạn phục hồi, virus vẫn tồn tại trong cơ thể nhưng không hoạt động (ví dụ: varicella zoster virus gây bệnh thuỷ đậu)
- Hệ miễn dịch cố gắng hết sức, nhưng virus vẫn ở trạng thái “mãn tính”, nhân lên ở mức rất thấp (điều này có thể xảy ra đối với virus viêm gan C).
Lý tưởng nhất là trường hợp 1 – tiêu diệt hoàn toàn virus. Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều tiêu diệt được SARS-CoV-2, loại virus gây bệnh COVID, thông qua một quá trình phức tạp, sử dụng nhiều bộ phận khác nhau của hệ miễn dịch.
Thế nhưng có bằng chứng cho thấy những thay đổi đối với tế bào miễn dịch của chúng ta sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây ảnh hưởng đến khả năng chống lại các virus khác, cũng như các mầm bệnh khácnhư vi khuẩn hoặc nấm.

A mask-on notice is seen at a train station in Sydney, Australia, on 27 July, 2022. Source: Getty
Kết quả nghiên cứu cho thấy điều gì?
Một nghiên cứu của Úc đã phát hiện ra rằng SARS-CoV-2 làm thay đổi sự cân bằng của các tế bào miễn dịch lên đến 24 tuần sau khi hết nhiễm trùng.
Có những thay đổi về số lượng và loại tế bào miễn dịch giữa những người đã khỏi bệnh COVID so với những người khỏe mạnh chưa từng bị nhiễm bệnh.
Điều này bao gồm những thay đổi đối với các tế bào của cả hệ miễn dịch bẩm sinh lẫn hệ miễn dịch thích ứng.
Một nghiên cứu khác tập trung đặc biệt vào các tế bào đuôi gai – các tế bào miễn dịch thường được coi là “tuyến phòng thủ đầu tiên” của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ít tế bào này lưu hành hơn sau khi bệnh nhân hồi phục sau COVID. Những tế bào còn lại ít có khả năng kích hoạt các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào T, một bước quan trọng trong việc kích hoạt khả năng miễn dịch chống virus.
Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra các tác động khác nhau đối với tế bào T và các loại tế bào bạch cầu khác được gọi là tế bào B (tế bào liên quan đến việc sản xuất kháng thể).
Sau khi nhiễm SARS-CoV-2, một nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng nhiều tế bào trong số này đã được kích hoạt và “suy kiệt”. Điều này cho thấy các tế bào bị rối loạn chức năng và có thể không đủ khả năng chống lại một đợt nhiễm trùng tiếp theo. Nói cách khác, sự kích hoạt của các tế bào miễn dịch này sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể có tác động đến các bệnh viêm nhiễm khác.
Một nghiên cứu cho thấy những người đã khỏi bệnh COVID có những thay đổi trong các loại tế bào B khác nhau. Điều này bao gồm những thay đổi trong quá trình trao đổi chất của tế bào, có thể ảnh hưởng đến cách các tế bào này hoạt động.
Tuy nhiên, nghiên cứu không cho biết liệu điều này có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể chúng ta tạo ra kháng thể chống lại SARS-CoV-2 nếu tái nhiễm hay không, hoặc ảnh hưởng đến khả năng tạo ra các kháng thể chống lại mầm bệnh trên diện rộng – chống lại các virus, vi khuẩn và nấm khác hay không.
Những thay đổi này sẽ có tác động như thế nào?
Một trong những mối quan tâm chính là liệu những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến cách hệ miễn dịch phản ứng với các bệnh nhiễm trùng khác hay không, hoặc liệu những thay đổi này có thể làm xấu đi hoặc gây ra các bệnh mãn tính khác hay không.
Vì vậy, cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu tác động lâu dài của SARS-CoV-2 đối với hệ miễn dịch của con người.
Chẳng hạn, chúng ta vẫn không biết những thay đổi đối với hệ miễn dịch sẽ kéo dài trong bao lâu, và liệu hệ miễn dịch có phục hồi hay không. Chúng ta cũng không biết liệu SARS-CoV-2 có gây ra các bệnh mãn tính khác như hội chứng mệt mỏi mãn tính (viêm cơ não tủy) hay không. Nghiên cứu về vấn đề này đang được tiến hành.
Những gì chúng ta biết là có một hệ miễn dịch khỏe mạnh và được tiêm chủng là vô cùng quan trọng để chống lại bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại