Văn hoá Việt Nam vốn đề cao chữ “hiếu”, tượng trưng cho lòng tôn kính, yêu thương và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, ông bà. Ca dao Việt Nam có câu:
“Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Trong văn hóa phương Tây, mặc dù không có khái niệm tương đương với chữ “hiếu” như ở Việt Nam và các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng vẫn tồn tại những giá trị liên quan đến trách nhiệm đối với gia đình.
Tại Úc, có những ngày lễ như Ngày của Mẹ và Ngày của Cha để con cái thể hiện tình yêu và sự tri ân đối với cha mẹ.
Tiếng nói từ thế hệ trẻ
Thiên Hà, 12 tuổi, sống tại Sydney, cho biết đối với em, sự hiếu thảo “không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc thể chất, mà còn bao gồm việc duy trì một mối liên kết cảm xúc bền chặt, giữ gìn các truyền thống gia đình, và đảm bảo rằng ba mẹ cảm thấy được trân trọng và tôn trọng khi họ về già”.
Em luôn cố gắng thể hiện tình cảm đối với ba mẹ từ những việc đơn giản như ngồi ăn bữa cơm gia đình, gọi điện, nhắn tin, đến tổ chức những dịp đặc biệt như tiệc sinh nhật hay kỳ nghỉ.
Trả lời phỏng vấn của SBS Vietnamese, Thiên Hà cho rằng chữ “hiếu” rất quan trọng ở Úc, dù được thể hiện theo một cách khác.
“Trong khi văn hóa Úc rất coi trọng sự độc lập và tự do cá nhân, ý tưởng về việc tôn trọng và chăm sóc cha mẹ vẫn có ý nghĩa quan trọng,” em nói.

Thiên Hà, 12 tuổi. Source: Supplied
Góc nhìn từ phụ huynh
Chị Vicky Nguyễn, sống tại Melbourne, mẹ của một bé gái 5 tuổi, nói rằng chị không mong đợi khi lớn lên, con cái sẽ “báo hiếu” cho mình như suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam.
Mình nghĩ là về già thì mình sẽ có bạn tuổi già của mình, không có nghĩ là con cái sẽ ở gần mình hoài. Tại vì con là con mình chứ nó không có thuộc về mình đâu, nó có thế giới riêng của nó.Vicky Nguyễn
Theo chị Vicky, ở Việt Nam, cha mẹ khi về già thường sống cùng con cái, nhưng ở Úc, do công việc bận rộn và con cái khi lớn cũng có gia đình riêng, nên cha mẹ thường ở riêng hoặc sống trong viện dưỡng lão để có người chăm sóc tốt hơn.
Tuy nhiên, chị cũng dạy con phải tôn trọng cha mẹ bằng cách dùng đúng cách xưng hô trong giao tiếp hàng ngày, và phải “dạ” hoặc “thưa” trước khi nói.
Quan điểm của thầy cô trường Việt ngữ
Thầy Peter Trịnh thuộc trường Việt ngữ Chùa Quang Minh nhận thấy trẻ em ở Úc có tính độc lập cao, vì vậy nên ít gắn kết với cha mẹ hơn so với những em sinh ra và lớn lên ở Việt Nam.
Do đó, trong các bài dạy liên quan đến gia đình, trường luôn lồng ghép những hoạt động vẽ tranh hoặc viết thiệp tặng cha mẹ, nhằm dạy cho học sinh về lòng hiếu thảo.

Thầy Peter Trịnh, trường Việt ngữ Chùa Quang Minh. Source: Supplied
“Những hoạt động đó giúp cho các em cảm nhận được rằng công ơn cha mẹ lớn như thế nào, và từ đó sẽ thấm nhuần vô tư tưởng của mấy em, khi lớn lên sẽ ngày càng thương yêu và chăm sóc cha mẹ mình nhiều hơn,” thầy Peter cho biết.
Cô Khánh Linh, cũng từ trường Việt ngữ Chùa Quang Minh, cho rằng chữ hiếu là một giá trị quan trọng trong cuộc đời mỗi người, dù đi đâu, làm gì, hay ở độ tuổi nào.
“Đó là lý do vì sao trường Việt ngữ luôn tổ chức những hoạt động liên quan để khiến cho học sinh biết được sự quan trọng của chữ hiếu,” cô nói.

Cô Khánh Linh, trường Việt ngữ Chùa Quang Minh. Source: Supplied
Kết luận
Dù ở đâu, chữ “hiếu” vẫn luôn là một đạo lý quan trọng, một lời nhắc nhở về lòng biết ơn và sự tôn kính đối với đấng sinh thành trong văn hoá Việt Nam.
Khi sống tại Úc, những thế hệ trẻ gốc Việt vẫn tiếp tục gìn giữ và truyền lại giá trị này, dù có sự thay đổi và thích nghi để phù hợp với văn hoá phương Tây.