“Cassie” là một người trưởng thành hay lo lắng. Cô đặt nặng và trì hoãn những nhiệm vụ lẽ ra rất đơn giản. Nhìn người khác thành công khiến cô cảm thấy không thỏa đáng. Trốn tránh thử thách thì dễ dàng hơn là mạo hiểm thất bại lần nữa. Cô đã uống thuốc điều trị lo âu nhưng thuốc không giúp được gì nhiều.
Ví dụ nêu trên đã minh họa một tình huống mà nhiều người gặp phải. Phương tiện truyền thông xã hội có rất nhiều câu chuyện về những người đã uống thuốc điều trị chứng lo âu nhưng không thuyên giảm và hiện đang băn khoăn về khả năng mắc chứng ADHD chưa được chẩn đoán.
Vậy thì làm thế nào để biết tình trạng đó là rối loạn lo âu hay là ADHD, hay là cả hai? Và tại sao nó lại là vấn đề?
ADHD và rối loạn lo âu có thể song hành với nhau
Rối loạn lo âu và trầm cảm có thể tương tự ADHD. Cả hai đều có thể liên quan đến việc thiếu động lực và khó tập trung chú ý.
Mặt khác, thói quen đi trễ, trễ hạn và quên các cuộc hẹn do ADHD có thể dẫn đến lo âu và cảm giác thất bại.
Rối loạn lo âu và trầm cảm thường liên quan đến ADHD, đặc biệt là ở phụ nữ. Rối loạn lo âu có xu hướng nghiêm trọng và dai dẳng hơn, và khởi phát ở độ tuổi trẻ hơn ở những người bị ADHD.
Rối loạn lo âu nói chung có các triệu chứng như lo lắng thường xuyên và quá mức về các khía cạnh khác nhau của cuộc sống (chẳng hạn như công việc, trường học và gia đình). Sự lo âu có thể khó kiểm soát. Bồn chồn, mệt mỏi, khó chịu và các vấn đề về giấc ngủ là phổ biến.
Đối với một số người, rối loạn lo âu có thể được kiểm soát bằng các liệu pháp, kỹ thuật chánh niệm, thay đổi cuộc sống hoặc công việc và/hoặc thuốc men.
Đối với những người khác, dường như không có biện pháp điều trị rối loạn lo âu nào giúp ích được. Các vấn đề vẫn tồn tại. Các trường hợp này có thể cần được điều tra xem liệu có phải là ADHD chưa được chẩn đoán hay không.
Đối với một số người, điều trị thành công chứng ADHD đồng thời có thể là cách tốt nhất để giảm bớt chứng lo âu mãn tính.
ADHD có thể là một yếu tố gây lo âu?
ADHD thường tiềm ẩn ở trẻ em gái và phụ nữ, những người ít có khả năng thể hiện hành vi hiếu động, gây rối, gây chú ý với ADHD ở nam giới và trẻ em trai.
Điều này quan trọng bởi vì phụ nữ bị ADHD có tỷ lệ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống và giấc ngủ cao hơn.
Các báo cáo trước đây của trường học có thể đưa ra manh mối, chẳng hạn như: 'Cassie dành nhiều thời gian giao tiếp xã hội hơn là làm việc. Cô ấy có khả năng, nhưng thường xuyên bị phân tâm và không đạt được mục tiêu của mình.'
Cha mẹ của “Cassie” có thể nhớ rằng họ đã nghe những nhận xét như vậy từ giáo viên. Cassie thì có thể nhớ cảm giác buồn chán khi ở trong lớp và cô nhìn ra ngoài cửa sổ thay vì lắng nghe và tập trung vào bài học.
Tuy nhiên, không phải tất cả người lớn bị ADHD đều có dấu hiệu nhận biết trong thời thơ ấu.

ADHD thường tiềm ẩn ở trẻ em gái và phụ nữ, những người ít có khả năng thể hiện hành vi hiếu động gây rối gây chú ý hơn so với ADHD ở nam giới và trẻ em trai. Source: AAP / Jenny Evans
ADHD ở người trưởng thành
ADHD thường được chẩn đoán theo các tiêu chí của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.
Vấn đề là, theo những tiêu chí, để được chẩn đoán mắc chứng ADHD thì một người trưởng thành phải trải qua những khó khăn trước 12 tuổi.
Các nghiên cứu đã xác định chứng ADHD ở những người trưởng thành không có bằng chứng của bệnh khi được đánh giá trước đó vào thời thơ ấu.
Và ADHD thường được đánh giá ở người lớn như thể nó là sự tiếp nối của tình trạng thời thơ ấu. Các tiêu chuẩn chẩn đoán – chẳng hạn như gây gián đoạn, bồn chồn, không hoàn thành nhiệm vụ, mất đồ, quên đồ – được rút ra từ các quan sát của trẻ.
Khi áp dụng cho người lớn, các tiêu chí này vẫn liên quan đến hành vi một người quan sát nhìn từ bên ngoài. Họ bỏ lỡ chiều sâu và cái nhìn sâu sắc mà một người lớn có thể cung cấp về thế giới nội tâm và tâm trí của họ.
Một phụ nữ không có tiền sử mắc các vấn đề liên quan đến ADHD thời thơ ấu và không có dấu hiệu bồn chồn hoặc hiếu động thái quá có thể đã bỏ qua chứng ADHD của mình, đặc biệt nếu người đó đã phát triển các kỹ năng đối phó để bản thân dường như đi đúng hướng.
Cô ấy có thể cảm thấy bị kỳ thị bởi những người tin rằng ADHD hiện đang được tự chẩn đoán ở những người trưởng thành đang tìm kiếm phương pháp điều trị bị ảnh hưởng quá mức bởi mạng xã hội.

Một bé trai khám phá triển lãm Sensorium mới tại RMIT ở Melbourne, vào Thứ Năm, ngày 18 tháng 8 năm 2022. Triển lãm Sensorium dành cho Trẻ em ở Melbourne nhằm mục đích hỗ trợ sức khỏe tinh thần của trẻ em thông qua chánh niệm, sáng tạo và vui chơi. Source: AAP / Fu Xueying
Nếu tôi nghi ngờ bản thân bị ADHD, tôi cần làm gì?
Nếu bạn nghi ngờ mình mắc chứng ADHD nhưng bạn vẫn có cuộc sống tốt, có lẽ bạn không cần chẩn đoán. Bạn chỉ nên xem xét chẩn đoán ADHD nếu bản thân gặp khó khăn đáng kể.
Điều đó có thể là hành vi kém ngăn nắp, làm việc kém hiệu quả, gặp khó khăn trong các mối quan hệ tại nơi làm việc hoặc trong gia đình, bị trầm cảm hoặc lo âu nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của bạn.
Để được đánh giá về ADHD, bạn sẽ cần có giấy giới thiệu của bác sĩ gia đình đến bác sĩ tâm thần. Tuy nhiên, nhiều người bề ngoài tỏ ra đối phó tốt có thể khó thuyết phục bác sĩ gia đình rằng họ cần bác sĩ tâm thần đánh giá.
Bạn có thể mang theo bản sao học bạ nếu chúng có thể gợi ý về ADHD. Danh sách kiểm tra với tiêu chí ADHD có thể hữu ích, nhưng không thể chẩn đoán hoặc loại trừ ADHD một cách đáng tin cậy.
Mô tả rõ ràng về những khó khăn mà bạn gặp phải khi thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi trí óc có thể giúp ích.
Những điều này có thể bao gồm sự mất chú ý lặp đi lặp lại hoặc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ để cung cấp đủ kích thích để tiếp tục làm việc.
Ví dụ, bạn có thể nêu chi tiết số phút trung bình mỗi giờ trong ngày làm việc mà bạn thực sự làm việc hiệu quả hoặc bạn có thể tập trung vào một nhiệm vụ khó trong bao lâu trước khi mất tập trung. Bạn có thường xuyên bị phân tâm không? Mất bao lâu để trở lại làm việc? Bạn đã thử những chiến lược nào?
Chẩn đoán ADHD có thể là một sự giải thoát cho một số người. Họ có thể thấy việc điều trị giúp giảm bớt các vấn đề mà trước đây họ cho là do lo âu quá độ. Việc chẩn đoán cũng có thể đưa ra lời giải thích cho những khó khăn trong quá khứ do sự kém cỏi của cá nhân.
Các phương pháp điều trị ADHD có thể bao gồm dùng thuốc, tìm hiểu thêm về bệnh, phát triển các chiến lược mới, tư vấn về ADHD.