Analysis

Số ca COVID-19 của Trung Quốc có thể đã lên tới 900 triệu, Úc nên cẩn trọng

Số người nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở Trung Quốc sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, cùng với việc du lịch quốc tế đến và đi từ quốc gia 1.4 tỷ dân đã được nối lại, Úc nên có sự chuẩn bị. Theo Giáo sư về dịch tễ học tại Viện Burnet, Michael Toole.

Large crowds of people at a railway station.

A surge in COVID-19 cases in China has coincided with the abandonment of the government's Zero COVID policy. Source: Getty / Kevin Frayer

Cuối tuần qua, Đại học Bắc Kinh đã công bố một nghiên cứu ước tính 900 triệu người Trung Quốc đã bị nhiễm COVID-19 cho đến ngày 11 tháng 1, chiếm 64% dân số.

Còn tại Úc có 43% kết quả xét nghiệm dương tính, mặc dù các nghiên cứu về kháng thể cho thấy tỷ lệ có thể cao hơn nhiều.

Khi Tết Nguyên đán đang đến gần, đợt lây nhiễm lớn này sẽ tác động gì đối với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Úc?

Những con số không phải là toàn bộ câu chuyện

Chính phủ Trung Quốc cho biết đã có gần 60.000 ca tử vong vì COVID-19 tại các bệnh viện trong 5 tuần qua. Tuy nhiên, theo định nghĩa hẹp của Trung Quốc về số ca tử vong do COVID-19, chính phủ tuyên bố COVID-19 chỉ gây ra 5.500 ca tử vong trong số này, khi họ chết vì suy hô hấp.

Kể từ đầu tháng 12, các báo cáo trên phương tiện truyền thông đã tiết lộ số ca bệnh tăng vọt đang làm quá tải các bệnh viện, nhà tang lễ và lò thiêu. Nhưng trong suốt tháng 12, chính phủ Trung Quốc đã báo cáo ít hơn 10.000 trường hợp mắc bệnh hàng ngày và số ca tử vong hàng ngày ở mức một con số. Không có báo cáo chính thức nào kể từ ngày 12 tháng 1.

Sự thiếu minh bạch này đã khiến tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin kịp thời hơn để đánh giá rủi ro kỹ lưỡng về tình hình thực tế.
People sitting on benches inside a hospital.
Bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Fengyang ở huyện Fengyang, phía đông tỉnh An Huy của Trung Quốc, vào đầu tháng 1. Source: Getty, AFP / Noel Celis

Dữ liệu mới này có giúp chúng ta hiểu được tình hình không?

Thực sự là không. Con số 900 triệu trường hợp so với con số chính thức là 503.000 – một khoảng cách lớn chỉ có thể được xác định bằng cách thu thập có hệ thống dữ liệu nhiễm COVID-19 từ tất cả các tỉnh.

Các trường hợp tử vong được báo cáo đều xảy ra trong bệnh viện. Không có số liệu cho thấy có bao nhiêu người đã chết tại nhà hoặc trong các viện dưỡng lão. Hầu hết các thành phố và quận ở Trung Quốc đều có hệ thống chứng nhận tử vong thông thường và thông tin này phải được cung cấp cho Ủy ban Y tế Quốc gia.

Nếu chúng ta chấp nhận cả dữ liệu của Đại học Bắc Kinh và báo cáo của chính phủ về các trường hợp tử vong (thêm 5.300 trường hợp tử vong được báo cáo trước đó), thì tỷ lệ tử vong là 0,07 trên 1.000 trường hợp. Con số này quá thấp so với tỷ lệ 1,5 trên 1.000 ở Úc, nơi được cho là có hệ thống bệnh viện tốt hơn.

Vì vậy, số liệu của Trung Quốc là không hợp lý; số ca bệnh đã được nâng lên quá cao hoặc số ca tử vong được hạ thấp.

Ngay cả khi Trung Quốc chưa đạt 900 triệu ca nhiễm, bài học từ các quốc gia khác, nơi cũng đã dỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng, cho thấy con số đó sẽ sớm xảy ra.

Tại sao sự lây nhiễm tăng đột biến?

Sự gia tăng lây nhiễm diễn ra đồng thời với việc Trung Quốc bỏ chính sách Zero COVID và bỏ hầu hết các biện pháp phòng ngừa. Nhưng lý do cơ bản là khả năng miễn dịch trong dân số đã giảm do tỷ lệ nhiễm bệnh trước đó ở mức thấp và tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp. Trong khi khoảng 90% dân số đã tiêm hai liều vắc-xin, thì chỉ có 58% tiêm nhắc lại liều thứ ba.

Tỷ lệ tiêm chủng ở người già Trung Quốc thấp hơn nhiều. Chính phủ gần đây cho biết khoảng 30% người từ 60 tuổi trở lên – tương đương 80 triệu dân – chưa chích ngừa hoặc tiêm nhắc lại. Trong số những người từ 80 tuổi trở lên, tỷ lệ này là gần 60%.

Tình trạng do dự khi chích ngừa rất phổ biến ở người cao tuổi ở Trung Quốc và Hồng Kông. Mặc dù hai liều vắc xin chính của Trung Quốc – Sinopharm và Sinovac – đã chứng tỏ hiệu quả, nhưng chúng kém hiệu quả hơn nhiều so với vắc xin mRNA mà Trung Quốc từ chối nhập khẩu.

Thiếu thuốc kháng vi-rút có thể làm tăng số người chết

Do tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi quá thấp, nên cần có sẵn thuốc kháng vi-rút. Thế nhưng chính phủ Trung Quốc đã không dự trữ những loại thuốc này, và người dân gần như không thể mua được nếu không vào thị trường chợ đen, nơi một liệu trình Paxlovid kéo dài 5 ngày có giá ít nhất là 2.300 đô la Mỹ (3.300 đô la Úc).

Các cuộc đàm phán với Pfizer, nhà sản xuất Paxlovid và Merck, công ty sản xuất Lagevrio, đã thất bại vì Trung Quốc khăng khăng yêu cầu mức giá thấp hơn.
COVID-19 antiviral medication in blister packs.
The Chinese government did not stock up on COVID-19 antiviral drugs, such as Paxlovid, and they are almost impossible to get except on the black market. Source: AAP, SIPA USA / Richard B. Levine

Điều đó có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Úc?

Du lịch quốc tế đến và đi từ Trung Quốc đã được nối lại, nên việc virus lây lan sang các quốc gia khác là điều khó tránh khỏi.

Nhiều quốc gia, trong đó có Úc, yêu cầu du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 48 giờ sau khi khởi hành. Những quốc gia khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Ý cũng yêu cầu khách xét nghiệm khi đến nơi. Hàn Quốc đã báo cáo 23% du khách từ Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID. Ở Đài Loan, tỷ lệ này là 21%.
Thế giới có thể không thấy tác động đầy đủ của sự gia tăng lây nhiễm ở Trung Quốc trong một tháng nữa hoặc lâu hơn. Trong thời gian Tết Nguyên đán, dự kiến sẽ có 2 tỷ chuyến đi ở Trung Quốc. Điều này sẽ truyền vi-rút đến các ngôi làng nông thôn xa xôi, nơi dịch vụ y tế kém và không có cơ sở giải trình tự bộ gen. Vì vậy, vi-rút có thể lây nhiễm cho người bị suy giảm miễn dịch, người có thể chứa vi-rút trong nhiều tháng. Điều này có thể dẫn đến một đột biến nổi lên như một biến thể dễ lây truyền hơn.

Vì vậy, chính sách xét nghiệm trước khi khởi hành của Úc là có ý nghĩa, nhưng cũng nên bao gồm việc kiểm tra định kỳ nước thải từ các máy bay đến từ Trung Quốc. Một biến thể mới có nguồn gốc từ Trung Quốc có thể không đến trực tiếp mà thông qua các quốc gia, chẳng hạn như Indonesia, nơi không yêu cầu thử nghiệm trước khi khởi hành. Thử nghiệm ngẫu nhiên nước thải trên tất cả các chuyến bay quốc tế đến Úc sẽ rất hữu ích.

Quan trọng nhất là Úc cần chuẩn bị cho sự thay đổi của đại dịch do một biến thể mới từ Trung Quốc hoặc biến thể phụ XBB.1.5 đang hoành hành khắp Hoa Kỳ. Và chúng ta không đối phó tốt với nó.

Chúng ta cần cải thiện tỷ lệ tiêm liều tăng cường, đầu tư nghiêm túc vào không khí sạch trong nhà, sử dụng khẩu trang chất lượng cao ở những nơi thông gió kém và tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng với xét nghiệm COVID-19. Hiện tại, do sự lơi lỏng của chúng ta trước sự lây lan rộng rãi, các biện pháp này đang bị giảm bớt hoặc không có. Đó là mối nguy của chúng ta.

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ 
hay 



Share
Published 18 January 2023 8:41pm
Updated 18 January 2023 9:04pm
By Michael Toole
Presented by Thanh Ngôn
Source: The Conversation


Share this with family and friends