Phó ban Y tế Victoria Deb Friedman cho biết hầu hết mọi người không có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
“Việc bắt tay ai đó gần như không thể làm lây bệnh đậu mùa khỉ. Điều này vô cùng khó xảy ra và tôi không thể tưởng tượng điều đó lại xảy ra. Và tôi không nghĩ nó đã xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới,” Giáo sư Friedman nói với đài .
“Nó đòi hỏi sự tiếp xúc da một cách thân mật và kéo dài.”
Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức chính phủ vẫn đề nghị tránh tiếp xúc gần gũi trực tiếp với người bị nhiễm bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ lây lan như thế nào?
Theo WHO, khoảng 98% trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới trong đợt bùng phát hiện tại là ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.
Giáo sư Friedman tin rằng Úc cũng đang ở trong tình trạng tương tự, vì hầu hết các bệnh nhân đều thuộc cộng đồng đồng tính và song tính.
Nhưng điều đó không có nghĩa là những người khác không thể nhiễm bệnh.
cho biết sự lây nhiễm có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với vết ban, vảy, hoặc chất dịch cơ thể của người bị bệnh đậu mùa khỉ.
Tiếp xúc trực tiếp bao gồm quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn và âm đạo hoặc chạm vào bộ phận sinh dục (dương vật, tinh hoàn, môi âm hộ và âm đạo) hoặc hậu môn của người bệnh.
Các hình thức tiếp xúc trực tiếp khác bao gồm ôm, xoa bóp và hôn.
Phụ nữ mang thai cũng có thể truyền vi-rút cho thai nhi qua nhau thai.
Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ?
Các chuyên gia khuyên người dân nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh, bao gồm cả các đồ vật như khăn trải giường hoặc khăn tắm, và tiêm vắc-xin nếu hội đủ điều kiện.
Những người đi du lịch đến các quốc gia có dịch bệnh hoành hành nên tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh hoặc chết có thể bị nhiễm virus đậu mùa khỉ (động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng) và không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã.
Chính phủ Úc cho biết những người có khả năng bị nhiễm bệnh hoặc đã được xác nhận nên tự cách ly ngay lập tức cho đến khi tất cả các vết phồng rộp hoặc vết loét đã lành và một lớp da mới hình thành.
Quá trình này thường mất khoảng hai đến bốn tuần.
Rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng nước rửa tay khô.
Nếu người nhiễm bệnh không thể tự cách ly, họ nên đeo khẩu trang khi ở gần những người khác.
“Những người có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ thì nên chủng ngừa để tránh bị nhiễm bệnh,” Giáo sư Friedman nói.
“Liệu trình đầy đủ là hai liều cách nhau ít nhất một tháng. Thuốc chủng này có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ.”
Ai đủ điều kiện để chủng ngừa bệnh đậu mùa khỉ?
Úc đã đặt mua 450.000 liều vắc-xin đậu mùa thế hệ thứ ba JYNNEOS, và đã nhận được 22.000 liều đầu tiên.
Vì nguồn cung có hạn, các tiểu bang và vùng lãnh thổ hiện đang tiêm chủng một cách chọn lọc dựa trên .
Những người hội đủ điều kiện bao gồm:
- Những người dễ bị tổn thương nếu bệnh đậu mùa khỉ trở thành bệnh đặc hữu. Chẳng hạn, những người thuộc cộng đồng đồng tính nam, song tính, những người vô gia cư, hành nghề mại dâm, và sử dụng ma túy, gây ảnh hưởng đến nhận thức của họ
- Những người bị nhiễm HIV và bị suy giảm miễn dịch
- Những người tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh
LISTEN TO

Vắc-xin đậu mùa khỉ sẵn sàng cung ứng toàn cầu
SBS Vietnamese
04:45
Những ai hội đủ điều kiện tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ thì nên liên lạc với bác sĩ gia đình của họ.
Tại Victoria, vắc-xin đậu mùa khỉ hiện có tại Melbourne Sexual Health Centre, Thorne Harbour Health, Northside Clinic, Collins Street Medical Centre và Prahran Market Clinic.
Bộ Y tế Tây Úc cho biết vắc-xin hiện có tại ba phòng mạch ở Perth.
Tại Tasmania, vắc-xin sẽ có vào cuối năm 2022.
Những người đã từng mắc bệnh đậu mùa thì có nên chủng ngừa đậu mùa khỉ không?
Giáo sư Friedman cho biết Úc đã không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh đậu mùa trong hơn 100 năm qua, và đã ngừng tiêm phòng đậu mùa vào cuối thập niên 70.
Nhưng có nhiều khả năng một số di dân đã từng mắc bệnh đậu mùa trước khi đến Úc sinh sống, hoặc đã từng được tiêm vắc-xin đậu mùa khi còn nhỏ.
“Điều đó sẽ phần nào bảo vệ họ chống lại bệnh đậu mùa khỉ, và sự bảo vệ đó có thể kéo dài hàng thập niên. Vì vậy, có thể những người đã được tiêm phòng trước đây sẽ được bảo vệ tốt hơn,” Giáo sư Friedman nói.
Làm thế nào để biết một người có bị mắc bệnh đậu mùa khỉ hay không?
Bộ Y tế NSW cho biết các triệu chứng cần quan tâm bao gồm nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, đau nhức cơ và cơ thể, mệt mỏi, phát ban và sưng hạch bạch huyết.
Phát ban lúc đầu có thể nhỏ và trông giống như mụn nhọt ở mông hoặc bộ phận sinh dục. Nếu các dấu hiệu hoặc triệu chứng phát triển, hãy cách ly ngay lập tức và tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Cần phải làm gì nếu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ?
Hãy gọi ngay cho Triple Zero (000) nếu có các triệu chứng nghiêm trọng và cho họ biết bạn có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Nếu không nghiêm trọng, người bệnh nên tự cách ly và gọi ngay cho bác sĩ gia đình, phòng khám sức khỏe tình dục địa phương hoặc phòng khám sức khỏe của tiểu bang.
NSW Sexual Health Infolink: 1800 451 624
Victoria: 1800 013 952; 03 9257 0100
Queensland: 13 HEALTH (13 43 25 84)
Western Australia: vùng đô thị 61 8 9227 6178, vùng nông thôn 1800 198 205
South Australia: 1300 883 793, vùng nông thôn 1800 188 171
Tasmania: 1800 671 738
Australian Capital Territory: (02) 5124 2184
Northern Territory (Royal Darwin Hospital): 8922 8888
HealthDirect Australia: 1800 022 222
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại