Từ cuối năm 2020, một số báo cáo cho thấy một số người vẫn bị mắc các triệu chứng của COVID trong nhiều tháng sau khi khỏi bệnh, gọi là “COVID kéo dài”.
COVID kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến phổi hoặc việc hít thở của người bệnh, mà còn dẫn đến một loạt các triệu chứng khác như mệt mỏi sau khi vận động, đau nhức cơ bắp, đau đầu và rối loạn chức năng nhận thức.
Một cuộc điều tra của quốc hội hiện đang xem xét phản ứng của Úc đối với COVID kéo dài, bao gồm trải nghiệm của bệnh nhân, phản ứng của hệ thống y tế và những gì nghiên cứu mới nhất cho thấy.
Sau ba năm, ước tính có khoảng 65 triệu người bị ảnh hưởng bởi COVID kéo dài. Sau đây là 5 phát hiện mới về tình trạng này.
Có thể mất vài tháng để phục hồi chức năng phổi
Giờ đây, các nhà khoa học biết rằng không phải người nào mắc COVID kéo dài cũng có thể phục hồi chức năng phổi hoàn toàn: cứ 5 người thì có một người vẫn phàn nàn về tình trạng khó thở nghiêm trọng và 10% bị suy giảm chức năng nghiêm trọng.
Trong số những người nhập viện, các nghiên cứu cho thấy chức năng phổi bị suy giảm, chụp cắt lớp ngực bất thường, suy giảm khả năng vận động, và khó thở dai dẳng nhiều tháng sau khi xuất viện, đặc biệt đối với những người cần hỗ trợ hô hấp trong ICU.

Lung rehabilitation can improve exercise tolerance. Credit: Pexels
Các chuyên gia cho rằng Úc cần một cách tiếp cận toàn quốc để đánh giá tất cả các bệnh nhân sau khi xuất viện, để xác định xem họ có còn khó thở hay không và để bảo đảm họ được phục hồi chức năng phổi.
COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ mắc hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính
Ban đầu, giới khoa học đã không xác định được liệu COVID có làm tăng nguy cơ và làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính khác hay không.
Sau đó, các nghiên cứu trên diện rộng đã ghi nhận rõ ràng rằng những người mắc COVID kéo dài có nguy cơ đột quỵ và bệnh tim cao hơn, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Những vấn đề này có nhiều khả năng xảy ra ở những người thiệt thòi về mặt xã hội và không có đủ thời gian để phục hồi.
COVID kéo dài không phải là một chứng rối loạn đơn lẻ
Trước đây, COVID kéo dài được xem là một chứng rối loạn đơn lẻ. Bây giờ, nó được xác định là một tình trạng phức tạp, do một số yếu tố khác nhau gây ra. Các bằng chứng gần đây cho thấy COVID kéo dài bao gồm:
- suy giảm miễn dịch
- sự phát triển của tự kháng thể (autoantibody) – khi hệ miễn dịch tự tấn công bản thân
- các cục máu đông nhỏ và/hoặc tổn thương mạch máu
- sự tồn tại của virus SARS-CoV-2
Các nghiên cứu điều tra những nguyên nhân này vẫn còn nhỏ và mang tính quan sát – và những yếu tố này ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau. Cách duy nhất để giải quyết những vấn đề này là nghiên cứu sâu hơn.
Một số phương pháp điều trị đã được gợi ý, nhưng tất cả đều cần được thử nghiệm dưới sự kiểm soát phù hợp.

Long COVID is caused by a number of different factors. Credit: Shutterstock
Cần phải phân bổ nguồn lực hợp lý
Trong quá khứ, chúng ta đã không dành đủ nguồn lực để điều trị các hội chứng sau nhiễm trùng hoặc miễn dịch như viêm não cơ hoặc hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS). Những hội chứng này được xác định bởi sự mệt mỏi quá mức, trở nên tồi tệ hơn sau khi gắng sức, và bao gồm suy giảm nhận thức.
Những triệu chứng này là nguyên nhân gây ra phần lớn bệnh tật liên quan đến COVID kéo dài ở nhiều người và thường phổ biến hơn các vấn đề về hô hấp.
Các trường hợp nghiêm trọng của COVID kéo dài, ME/CFS và các hội chứng sau lây nhiễm khác có thể bao gồm tình trạng được gọi là POTS (postural orthostatic tachycardia syndrome), trong đó nhịp tim quá cao dẫn đến tụt huyết áp dù chỉ gắng sức nhẹ.
Không giống như những bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi do COVID, những người mắc bệnh POTS ít có khả năng được hưởng lợi từ các chương trình phục hồi chức năng truyền thống dựa trên các bài tập thể dục. Các chương trình như vậy thậm chí có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của họ.
COVID-19 không nên bị coi là một vấn đề tâm lý
Cuối cùng, một số người cho rằng COVID kéo dài là do sức khỏe tâm thần kém. Mặc dù sức khỏe tâm thần xấu thường đi kèm với bệnh mãn tính, nhưng mối liên hệ này với COVID kéo dài đã bị cường điệu hóa.
Một nghiên cứu trên diện rộng với hơn 1,3 triệu bệnh nhân COVID cho thấy mặc dù có sự gia tăng ban đầu về chứng lo lắng và trầm cảm, nhưng nó chỉ thoáng qua, không giống như các đặc điểm của COVID kéo dài như rối loạn chức năng nhận thức.
Việc điều trị COVID vốn tập trung vào bệnh cấp tính đe dọa đến tính mạng và phần lớn bỏ qua các hậu quả lâu dài. Nhưng COVID kéo dài là một vấn đề không thể xem thường. Vì vậy, cần phải nghiên cứu các căn bệnh mà nó gây ra, tiến hành thử nghiệm lâm sàng về phương pháp điều trị và các mô hình chăm sóc hiệu quả.